Lễ Đại Phan của người Sán Dìu được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

GD&TĐ - Lễ hội lớn nhất của dân tộc Sán Dìu ở Tuyên Quang (lễ Đại Phan) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ Đại Phan của dân tộc Sán Dìu xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương. Ảnh: Thanh Nguyên.
Lễ Đại Phan của dân tộc Sán Dìu xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương. Ảnh: Thanh Nguyên.

Quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Tập quán xã hội và tín ngưỡng lễ Đại Phan của người Sán Dìu vừa được UBND huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) long trọng tổ chức đón nhận tại xã Ninh Lai.

Dân tộc Sán Dìu ở Tuyên Quang có khoảng gần 16.000 người, sinh sống tập trung ở các xã Ninh Lai, Thiện Kế, Sơn Nam của huyện Sơn Dương. Người dân nơi đây vẫn giữ được bản sắc, nét văn hóa độc đáo trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng. Trong đó, lễ Đại Phan là một trong những nghi lễ đặc sắc vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ Đại Phan có tên gọi theo tiếng Sán Dìu là Hí Thai Van, nghĩa là đại hội lớn nhất để những người muốn trở thành thầy cúng ra trình làng. Đây cũng là nghi lễ thăng chức cao nhất cho thầy cúng trở thành Đại Phan (thầy bậc 4).

Lễ Đại Phan có hai hình thức là lễ Đại Phan trình làng và lễ Đại Phan thăng cấp cao nhất cho thầy. Buổi lễ sẽ diễn ra trong vòng ba ngày.

Lễ Đại Phan là sự tích hợp những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc trưng của người Sán Dìu, tiêu biểu là nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn cộng đồng với không gian hành lễ mang đậm màu sắc tâm linh, phản ánh đời sống tinh thần phong phú, với những điệu múa, bài dân ca được lưu truyền nhiều đời nay.

Trong lễ Đại Phan, nhân dân địa phương còn kết hợp tổ chức lễ cầu mùa, cầu yên với mong muốn bản làng no ấm, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau phần lễ là phần hội với các trò chơi dân gian tiêu biểu như múa lân, kéo co, thi đấu vật, hát soọng cô... tạo không khí vui vẻ, tinh thần đoàn kết.

Lễ Đại Phan là một kho tàng văn hóa cổ truyền có giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc, với những câu chuyện cổ, những làn điệu hát múa dân ca đã và đang góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa của vùng đất Tuyên Quang cũng như của đất nước.

Việc lễ Đại Phan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vừa là niềm tự hào, vừa là trách nhiệm của mỗi người dân Sán Dìu việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.