Lễ cầu siêu tưởng niệm 2 triệu đồng bào bị chết đói năm 1945

Ngày 31/8, Thành hội Phật giáo Hải Phòng, Giáo hội Phật giáo huyện Tiên Lãng đã tổ chức lễ cầu siêu tưởng niệm hơn 2 triệu đồng bào Việt Nam chết đói năm Ất Dậu 1945.

Lễ cầu siêu tưởng niệm 2 triệu đồng bào bị chết đói năm 1945
(Ảnh minh họa: Phước Ngọc/TTXVN)

Trong diễn văn khai mạc lễ cầu siêu, Đại đức Thích Quảng Minh - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Tiên Lãng đã nhắc lại những con số kinh hoàng trong nạn đói năm 1945 (năm Ất Dậu), trích từ các cuốn lịch sử Đảng bộ của một số tỉnh, thành phố.

Theo Đại đức, trong cuốn “Nạn đói năm 1945 - Những chứng tích lịch sử” của Giáo sư Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử thuộc Ủy ban Khoa học và xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đã thống kê riêng tỉnh Thái Bình, nạn đói diễn ra trầm trọng nhất, chỉ trong 5 tháng số người chết đói lên tới 280.000 người; Nam Định 210.000 người; Ninh Bình 38.000 người; Hà Nam 50.000 người. Riêng 5 tỉnh đã có số người chết đói lên tới 580.000 người. Như vậy con số 2 triệu người Việt Nam chết đói trong 32 tỉnh cũ từ Quảng Bình trở ra và hai thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng là sát thực tế.

Theo nhiều tài liệu, nguyên nhân xảy ra nạn đói là do hậu quả của chiến tranh tại Đông Dương. Các cường quốc chiếm đóng Việt Nam như thực dân Pháp và phátxít Nhật, đã khai thác kiệt quệ ngành nông nghiệp, bắt nông dân bán hết lúa gạo để chuyển về Nhật và tích trữ tại các kho lớn phục vụ chiến tranh, bắt nông dân trồng nguyên liệu như cây có sợi, có dầu thay lúa gạo.

Cùng với đó, các thế lực phong kiến, thực dân áp dụng chính sách sưu cao, thuế nặng đã làm cho đời sống của người dân ngày càng cùng kiệt.

Tại lễ cầu siêu còn diễn ra triển lãm ảnh liên quan đến nạn đói năm 1945. Một số nhân chứng như nhà sử học Ngô Đăng Lợi, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đã minh chứng thêm một lần nữa sự tàn khốc của nạn đói này.

Các nhân chứng khẳng định, nạn đói là bài học nhắc nhở chúng ta về ý thức tự lực, tự cường, bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc và khẳng định giá trị bất diệt của Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945, đưa nước ta từ một dân tộc nô lệ, một nước thuộc địa trở thành nước tự do, độc lập.

Tại lễ cầu siêu, Thượng tọa Thích Quảng Tùng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hải Phòng tuyên đọc văn tế của Giáo sư Vũ Khiêu viết ngay sau khi nạn đói xảy ra. Tối 31/8 sẽ diễn ra lễ phóng 3000 liên đăng xuống dòng sông Văn Úc, cầu nguyện quốc thái dân an - thiên hạ thái bình.

Theo Vietnam+

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ