Tuy nhiên, các ý kiến góp ý của người dân chỉ mới dừng lại ở những sự kiện, vấn đề đã xảy ra, sự việc “đã rồi”, nhất là đã xảy ra hậu quả, thiệt hại khi báo chí đưa tin, phản ánh mà chưa có sự tham gia ngay từ đầu của người dân đối với các vấn đề này. Vẫn còn rất nhiều vấn đề, lĩnh vực chưa được đưa ra lấy ý kiến của người dân trước khi triển khai, nhất là các công trình, dự án có giá trị lớn hoặc ảnh hưởng đến đời sống người dân. Nhiều công trình, dự án có giá trị lớn, thậm chí lên đến hàng ngàn tỷ đồng nhưng triển khai xong thì không phát huy hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước, ảnh hưởng đến người dân, nhưng khi người dân biết và lên tiếng thì… đã muộn.
Hiện nay, pháp luật quy định một số lĩnh vực phải lấy ý kiến người dân trước khi thực hiện như ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thi đua khen thưởng. Theo đó, trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc khen thưởng thành tích cao như huân chương, danh hiệu anh hùng… phải lấy ý kiến nhân dân trong một thời gian nhất định. Chính điều này đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các văn bản pháp luật hoặc hạn chế tình trạng gian lận, giả dối, sai sót khi kê khai thành tích thi đua…
Có thể nói, việc lấy ý kiến người dân, các nhà khoa học đối với các vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến người dân là rất quan trọng, nhất là triển khai các công trình, dự án có giá trị lớn. Do đó, cơ quan chức năng cần sớm ban hành quy định yêu cầu bắt buộc phải lấy ý kiến rộng rãi của người dân trước khi triển khai các dự án, công trình lớn. Trước mắt, có thể quy định các công trình, dự án có giá trị trên 50 tỷ đồng hoặc ảnh hưởng đến 50 hộ gia đình trở lên phải lấy ý kiến của người dân trong một thời hạn nhất định trước khi triển khai thực hiện.
Điều này góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa các nhóm lợi ích trục lợi, tiêu cực, tham nhũng, vừa hạn chế sự tùy tiện, độc đoán của một số cơ quan, cá nhân lợi dụng chức vụ được giao để triển khai các dự án, công trình không khả thi, kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí. Bên cạnh đó, thể hiện sự công khai, minh bạch, dân chủ trong quản lý điều hành của các cơ quan Nhà nước và huy động được trí tuệ của toàn xã hội trong triển khai những vấn đề, công trình dự án có giá trị lớn, ảnh hưởng đến đời sống người dân và sự phát triển của đất nước.