Mặc dù, ý tưởng này chưa bao giờ được thực hiện, nhưng một công ty ở California (Mỹ) đã sử dụng đúng nguyên tắc này để tạo ra thịt nhân tạo mà không cần giết mổ động vật.
Lương thực cho mọi người trên thế giới trở thành thách thức ngày càng lớn. Vấn đề đặt ra là phải sản xuất được đủ số lượng thịt, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, việc này lại gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Để góp phần giải quyết vấn đề này, Công ty Air Protein (California, Mỹ) đã phát triển công nghệ dựa trên việc sử dụng vi sinh để biến CO2 trong không khí thành protein có cùng cấu trúc như protein động vật.
Những vi sinh nói trên được nuôi trong những bình lên men. “Thức ăn” cho các vi sinh này là hỗn hợp CO2, nước và một số thành phần dinh dưỡng khác. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học tạo được một thứ “bột” màu nâu với 80% hàm lượng là protein. Mặc dù vậy, thứ “bột” này vẫn chưa thể gọi là “thịt”. Công ty Air Protein cho rằng có thể kết hợp thứ “bột” này với những thành phần khác để tạo ra thực phẩm thay thế thịt.
“Các con số thống kê cho thấy thực trạng đáng lo ngại. Nguồn thực phẩm của chúng ta đang bị giảm sút ghê gớm; nguyên nhân gây ra thực trạng này có thể là cháy rừng Amazon năm 2019 do hạn hán ngày càng gia tăng. Chúng ta phải sản xuất nhiều thực phẩm hơn trong bối cảnh quỹ đất canh tác và nguồn nước bị thu hẹp. Thịt nhân tạo từ không khí có thể giải quyết vấn đề này” – bà Lisa Dyson, Giám đốc điều hành Air Open cho biết.
Theo Liên Hợp Quốc, việc chăn nuôi súc vật gây ra phát thải nhiều khí nóng hơn so với lĩnh vực giao thông toàn cầu. Vì lý do đó, cần phát triển nhiều hơn sản phẩm thay thế thịt. Nhiều sản phẩm trong số đó dựa trên đậu tương hoặc các thực vật khác. Việc này lại dẫn tới chặt phá rừng (để lấy đất canh tác). Thịt nhân tạo của Công ty Air Open có thể được tạo ra dựa trên diện tích đất không lớn.
Việc sản xuất thịt nhân tạo từ vi sinh vật và không khí có nghĩa là không cần sử dụng thuốc trừ sâu; đồng thời thịt có thể được sản xuất chỉ trong vòng vài ba giờ.