Học hết phổ thông, hai đứa nhỏ được các chị đưa vào Nam học nghề. Con gái vừa học vừa làm và tình yêu cũng vừa chớm. Mẹ sợ con gái sẽ lập gia đình ở đó luôn giống hai chị lớn thì tuổi già của mẹ sẽ rất đơn độc. Mẹ để thằng út ở lại và kiếm cớ bắt con gái về quê đi làm, lần hồi nửa dỗ nửa ép con lấy chồng ở quê.
Con xinh hiền nhất nhà, hiểu mẹ hiu quạnh nên dù không yêu cũng đồng ý chiều mẹ. Ngày cưới, mẹ và nhà trai hớn hở hơn cả cô dâu: họ được dâu ngoan đẹp, mẹ được gần con gái nhỏ.
Hai chị về đau xót nhìn tương lai em mình lại quanh quẩn sau con trâu mà trào nước mắt. Mẹ không ham “có bát canh cần nó cũng đem cho” mà gả cho người cùng làng thì hằng ngày mẹ con mình vẫn được gặp nhau, qua lại thăm nom đỡ đần. Mẹ ngỡ nhà người ta khá giả, chàng rể là con trai độc đinh và rất mực đeo đuổi con thì ắt hẳn con mẹ sẽ được nhàn tấm thân.
Ấy vậy mà… Con về làm dâu trong tam đại đồng đường: bà nội chồng, mẹ chồng và ba người chị gái chồng nên nhọc nhằn khôn xiết. Vốn nhu mì, con lẳng lặng chịu đựng, không khóc than với mẹ nửa lời.
Con mang thai vẫn quần quật ruộng vườn, thêu thùa, cơm nước. Không dám nghén một lần, chẳng dám mệt một chút, ấy vậy mà thai kỳ suôn sẻ, sinh nở dễ dàng, bé gái đầu lòng đẹp y hệt mẹ, chẳng sở hữu nét nào bên nội nên hai mẹ con bị lườm nguýt như tội đồ.
Bấy giờ vất vả đội lên, vẫn quán xuyến tất tật trong ngoài lại thêm chăm con mọn, con gái mẹ tàn tạ nhanh quá. Hai năm làm dâu mà cô gái xinh nhất làng ngày nào giờ già sọm như thêm mười tuổi.
Rồi con mang thai lần nữa, thắc thỏm mong được con trai nối dõi tông đường cho nhà họ. Cầu được ước thấy, đúng con trai nhưng bé bị down và dặt dẹo nhiều bệnh khác.
Con đau đớn phát loạn thần, lại gánh chịu bao chì chiết của cả họ hàng bên ấy. Chồng cho là vợ không biết đẻ nên ngang nhiên cặp bồ làng trên xóm dưới. Nhà chồng cho con là đồ vô dụng nên xua đuổi cả mấy mẹ con.
Buốt nhói đến tận cùng mà con vẫn nín nhịn để trông vào mấy đồng lẻ họ bố thí chữa bệnh cho cháu. Mẹ bảo con bế hai cháu về, con không dám trút gánh nặng lên vai mẹ già, con biết nhà mình chỉ đủ đắp đổi qua ngày, tiền đâu chạy chữa cho cháu.
Các chị bảo con mạnh dạn ly hôn, bắt họ phải trợ cấp nuôi con, vào Nam đi làm, chị em đùm bọc nhau. Con cũng không dám, con sợ họ bắt giữ một đứa con thì làm sao sống nổi.
Bé gái đầu lòng mới bốn tuổi nhưng đã rất hiểu chuyện, bé thường khóc thương mẹ bị bắt nạt, bé khóc tủi thân bị hắt hủi vì cái tội “giống mẹ”, xa cách sao đành.
Bé trai mới lên hai thôi, đã down lại bệnh tật suốt ngày ai thèm chăm sóc, không thể chia lìa. Nên xem như đời mình đã chết, gắng lây lất vì các con thôi.
Muốn được phụ đỡ con cháu, mẹ cắn răng ngọt nhạt với họ, lén lút qua lại thăm nom. Nhưng cũng rất hạn chế, vì biết mẹ qua giúp thì họ kiếm cớ gây sự với con.
Thậm chí ngày giỗ bố, con chỉ dám ghé qua thắp hương rồi quày quả ra về. Nhà chồng còn khối việc chờ con, họ chỉ muốn con toàn tâm toàn ý với bên ấy thôi.
Thương con ngập lòng mà bất lực xót xa. Bây giờ mẹ thấm thía. Cháu không dám nhìn bà, con gái ngại gặp mẹ, chỉ để yên thân với nhà chồng ích kỷ. Mẹ uất ức tột cùng.
Giá ngày ấy mẹ để con tự do, mẹ không chắc con yêu rồi lập gia đình trong ấy có hạnh phúc dài lâu, nhưng ít nhất con được sống cho chính mình trong cuộc hôn nhân tự nguyện. Đằng này, hôn nhân không tình yêu, trước là nhàn nhạt, sau toàn đắng cay, gai góc mà không thể nào gỡ ra.
Xin lỗi con, chỉ vì muốn níu giữ con bên mình mà mẹ vô tình chôn vùi cuộc đời con. Gắng gượng thu xếp đi con, thêm thời gian mà tình cảnh không sáng hơn thì đành buông bỏ thôi.
Trước hết con phải được sống đúng nghĩa thì mới có thể nuôi dạy con cái mình đúng mực, dù được ở gần hay phải xa chúng. Mẹ ân hận lắm rồi, mẹ mong được sửa sai cùng con, các chị em sẽ hỗ trợ cho con. Cố lên con gái!