Lấy chất lượng học trò làm động lực đổi mới, sáng tạo

GD&TĐ - Gần 10 năm gắn bó với nghề giáo, cô Lê Thị Lan, Trường THCS Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội) dành trọn đam mê với đổi mới, sáng tạo trong dạy học.

Cô giáo Lê Thị Lan - Trường THCS Phúc Xá.
Cô giáo Lê Thị Lan - Trường THCS Phúc Xá.

Không ngừng đổi mới, sáng tạo

Nhà cách trường 40km nhưng hàng ngày cô giáo Lê Thị Lan vẫn đến trường từ 5h-6h sáng. Suốt 10 năm qua, cô Lan gắn bó và trở thành người mẹ, người chị thứ hai của bao thế hệ học sinh nhà trường. Quá trình dạy học tại Trường THCS Phúc Xá, cô Lan được mọi người gọi với tên đầy khâm phục “cây sáng kiến” bởi niềm say mê đổi mới, sáng tạo trong dạy học của cô chưa bao giờ ngừng "cháy".

Cô Lan chia sẻ, bản thân luôn mong muốn học sinh “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” nên không ngại học hỏi, tìm tòi phương pháp dạy học mới. Với mỗi lớp chủ nhiệm, cô áp dụng các phương pháp dạy hướng tới “lớp học hạnh phúc” như: xây dựng văn hoá lớp học, tổ chức các hoạt động đa dạng, lồng ghép giá trị sống cho học sinh...

“Khi dạy học, tôi không áp dụng phương pháp hay quản lý theo khuôn mẫu mà lắng nghe, chia sẻ để tìm ra phương pháp dạy phù hợp với từng học sinh. Tôi muốn lớp học thực sự trở thành ngôi nhà thứ hai, nơi học sinh được yêu thương, thấu hiểu và tự tin thể hiện những giá trị bản thân” cô Lan tâm sự.

Để giờ sinh hoạt hàng tuần không còn là nỗi sợ với học sinh, cô Lan triển khai linh hoạt theo các chủ đề. Mỗi chủ đề có hoạt động phong phú riêng giúp học sinh được thoải mái vui chơi, trải nghiệm và rèn luyện những kỹ năng còn yếu... Qua đó, học sinh mạnh dạn, tự tin, phát huy tiềm năng sáng tạo và có tâm thế chào đón tuần mới với tinh thần lạc quan vui vẻ, muốn đến trường, gặp lại thầy cô, bạn bè.

Bên cạnh chú trọng phát triển toàn diện về tri thức, kĩ năng sống, cảm xúc cho học sinh, cô Lan đặc biệt quan tâm đến việc trao đổi, chia sẻ và đồng hành cùng các bậc phụ huynh.

“Tôi thường đa dạng hình thức các cuộc họp phụ huynh như: Mô hình họp 1 – 1, tổ chức đa dạng theo chủ đề. Với cuộc họp đầu năm, yêu cầu học sinh viết thư tâm sự, bày tỏ lòng biết ơn về sự chăm sóc, mong muốn, đề xuất... với ba mẹ, thầy cô về những điều các em khó nói. Nhưng ở cuộc họp cuối kì I, ngoài tấm thiệp chúc mừng năm mới cho gia đình, có thêm phong thư gửi ba mẹ, bên trong bao gồm nội dung: kết quả học tập, những việc đã làm tốt, việc cần khắc phục ở kì II, cũng như đề xuất, mong muốn với cô giáo, nhà trường, ba mẹ,…

Trước mỗi cuộc họp, tôi chuẩn bị giấy viết màu cho học sinh, bìa để làm biển tên, bút viết cho phụ huynh. Đồng thời, dành thời gian ghi lại các hoạt động của lớp, giúp phụ huynh hình dung ra cuộc sống hằng ngày của các con ở trường ra sao, hoạt động nổi bật của các con là gì. Những nội dung quan trọng tôi thường triển khai một cách ngắn gọn và dễ hiểu” cô Lan chia sẻ.

Giáo dục thế hệ tương lai giàu kiến thức, kĩ năng

Cùng với các hoạt động giáo dục phong phú, cô Lan còn xây dựng dự án “Đến trường an toàn – Về nhà an toàn” nhằm nâng cao kiến thức an toàn giao thông, hạn chế tai nạn giao thông xảy ra với học sinh trung học.

Để học sinh nhớ và ý thức về hành vi chấp hành luật giao thông, cô Lan tổ chức tuyên truyền về an toàn giao thông trong các giờ chào cờ. Cùng đó, triển khai các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm nhằm bổ sung, cập nhật kiến thức pháp luật và tạo niềm tin pháp luật cho học sinh. Đồng thời, tổ chức trò chơi trực tuyến trên mạng Internet, cuộc thi vẽ tranh, hình thức sân khấu hóa…

Cô Lê Thị Lan (đứng giữa) tham dự vòng chung khảo giải thưởng "Nhà giáo Ba Đình tâm huyết, sáng tạo" lần thứ 7 năm học 2022 -2023.

Cô Lê Thị Lan (đứng giữa) tham dự vòng chung khảo giải thưởng "Nhà giáo Ba Đình tâm huyết, sáng tạo" lần thứ 7 năm học 2022 -2023.

"Mưa dầm thấm lâu", học sinh của cô Lan có lượng kiến thức nhất định về an toàn giao thông. Cô Lan cho biết, khi chưa áp dụng dự án số học sinh biết biển cảnh báo giao thông chiếm 30%, biết luật cơ bản an toàn giao thông 50%. Đến nay, 90% học sinh biết được các biển báo giao thông; 100% biết luật cơ bản về an toàn giao thông; 95 % không vi phạm luật an toàn giao thông. Một số học sinh tham gia cuộc thi về an toàn giao thông đạt thành tích ấn tượng như: Lê Phương Nhi và Bùi Ngân Hà lớp 9A đạt giải Khuyến khích cấp Quốc gia cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”...

“Kết quả trên là những con số biết nói, minh chứng cho những gì thầy và trò nhà trường đã nỗ lực. Tôi mong rằng, những thành tựu trên sẽ góp phần nhỏ bé vào công cuộc đào tạo thế hệ tương lai có kiến thức và ý thức tuân thủ luật giao thông, biết cách xử sự văn minh khi tham gia giao thông” cô Lan nói.

Trường THCS Phúc Xá nằm ở vùng ven đê sông Hồng với nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, cô Lan và các thầy cô nhà trường luôn ghi nhớ khẩu hiệu “chất lượng là danh dự mỗi giáo viên” để không ngừng nỗ lực vượt khó, luôn tâm huyết, sáng tạo, đổi mới... để chèo lái con thuyền tri thức đến học trò.

Không chỉ đam mê sáng tạo, cô Lan còn “mát tay” khi bồi dưỡng nhiều thế hệ học sinh giành giải thưởng tại các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Năm học 2021 – 2022, đội tuyển thi học sinh giỏi cấp quận môn GDCD đạt 2 giải Ba, 1 giải Khuyến khích; đội tuyển thi học sinh giỏi cấp Thành phố môn GDCD đạt 1 giải Ba, 1 giải Khuyến khích. Năm học 2022 – 2023, đội tuyển học sinh giỏi cấp quận môn GDCD đạt 4/4 giải (Trong đó: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba, 1 giải Khuyến khích).

Cảm nhận về cô giáo Lê Thị Lan, thầy Cấn Việt Thắng - Hiệu trưởng Trường THCS Phúc Xá chia sẻ: “Gần 10 năm công tác tại trường, cô Lan đã khẳng định được vai trò, năng lực trong công việc. Với vai trò là Bí thư Chi đoàn kiêm giáo viên chủ nhiệm, cô luôn đi đầu trong các hoạt động đổi mới sáng tạo và được học sinh tin yêu. Sự nỗ lực, đổi mới sáng tạo không ngừng trong chuyên môn của cô Lan, khiến đồng nghiệp và học trò luôn ngưỡng mộ, noi theo”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.