Thầy và trò Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên |
(GD&TĐ) - Thời điểm này, việc thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực ở Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 đã đi được những bước đầu tiên. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ trong quy hoạch cũng như đáp ứng mục tiêu đề ra, công tác dự báo phục vụ quy hoạch cần được nhìn nhận lại một cách nghiêm túc và có những bước điều chỉnh kịp thời.
Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, bà Mai Thị Thu - Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định:
Mục đích chính của công tác phân tích và dự báo cung - cầu nhân lực là tạo cơ sở khoa học cho việc định hướng về đào tạo theo nhu cầu xã hội, một trong những lĩnh vực đầu tư dài hạn. Khi có thông tin dự báo về sự thiếu hụt hay dư thừa nhân lực, các nhà hoạch định chính sách về việc làm và đào tạo có thể kịp thời điều chỉnh cơ cấu ngành nghề và các kỹ năng của nhân lực được đào tạo.
Từ đó, làm giảm những ảnh hưởng xấu của việc mất cân đối nhân lực, cũng như góp phần giải quyết vấn đề việc làm.
Trên thực tế, nhân lực của các ngành kinh tế bị tác động bởi rất nhiều yếu tố, như việc phát triển công nghệ nhanh chóng, sản phẩm tiêu dùng, cấu trúc các ngành, sự thay đổi quy mô hoạt động kinh tế, thay đổi chương trình của Chính phủ hoặc thay đổi chính sách...
Do đó, việc đánh giá thị trường lao động là một việc làm đầy thách thức đối với các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách về việc làm, cũng như các nhà phân tích về nhân lực và lập kế hoạch về GD&ĐT.
Tuy nhiên, công tác dự báo nhu cầu nhân lực trong thời gian qua còn rời rạc, chưa được thực hiện một cách đầy đủ và khoa học. Nguyên nhân chính là do bất cập về số liệu, phương pháp dự báo và sự phối hợp chưa thực sự nhuần nhuyễn giữa các cơ quan liên quan.
Bà có thể nói rõ hơn những hạn chế trong công tác dự báo nhu cầu nhân lực hiện nay?
Bài Mai Thị Thu |
- Hiện nay, hầu hết cơ sở dữ liệu đầu vào của các đơn vị làm công tác dự báo nói chung và dự báo nhu cầu nhân lực nói riêng được lấy từ cơ quan thống kê.
Hệ thống các chỉ tiêu thống kê được thu thập chưa thể thỏa mãn và đáp ứng nhu cầu của công tác dự báo nhân lực, xét cả về số lượng các chỉ tiêu, phạm vi điều tra, thu thập và độ chi tiết của số liệu, bởi lẽ số liệu thống kê phục vụ cho nhiều mục tiêu khác nhau mà không phục vụ cho nhu cầu đặc thù của công tác dự báo nhu cầu nhân lực.
Ngoài ra, trong điều kiện thiếu số liệu như vậy, các đơn vị làm dự báo cũng thường phải sử dụng các số liệu có nguồn quốc tế, như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Lao động quốc tế.
Cơ sở dữ liệu thu thập từ nhiều nguồn khác nhau khiến số liệu không đồng nhất cả về định dạng và về nội hàm. Việc phụ thuộc chủ yếu vào nguồn dữ liệu từ bên ngoài mà chưa chủ động xây dựng được hệ thống thông tin của riêng mình và cập nhật thường xuyên dẫn đến thực trạng các đơn vị làm công tác dự báo nguồn nhân lực hiện khó có thể triển khai công tác dự báo nhân lực một cách bài bản và khoa học.
Bên cạnh đó, mỗi địa phương, Bộ, ngành áp dụng một cách thức dự báo khác nhau cũng khiến cho các chỉ tiêu trong quy hoạch thiếu nhất quán, kết quả phân tích dự báo có độ chính xác, độ tin cậy không cao, chất lượng chưa được như mong đợi, dẫn đến việc triển khai thực hiện cũng như theo dõi, giám sát quy hoạch sau này sẽ khó khăn hơn nhiều.
Việt Nam hiện chưa có một hệ thống thông tin và dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia, cũng chưa từng tiến hành việc dự báo nhu cầu nhân lực ở các ngành, các cấp và địa phương theo đúng nghĩa. Đây có phải là nguyên nhân cơ bản và quan trọng nhất khiến công tác dự báo nhu cầu nhân lực chưa được thực hiện một cách đầy đủ và khoa học?
- Đúng vậy. Có thể nói, công tác phát triển nguồn nhân lực nói chung và công tác thông tin, dự báo nhu cầu nhân lực nói riêng chưa thực sự được coi trọng và thực hiện tại hầu hết các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, chính vì công tác dự báo nhu cầu nhân lực còn khá mới mẻ tại Việt Nam nên chúng ta chưa có được một hệ thống thông tin và dự báo nhân lực quốc gia.
Hiện tại, công tác thông tin và dự báo nhân lực mới được làm một cách rời rạc ở một số nơi, chưa có sự gắn kết, thống nhất với nhau, phạm vi còn hạn chế. Chưa có cơ quan nào có thể tiến hành công tác thông tin và dự báo một cách bài bản, khoa học về nhu cầu nhân lực theo trình độ đào tạo, ngành nghề, lĩnh vực...
Do đó, các cơ sở đào tạo cũng như các chủ thể sử dụng lao động nước ta chưa có đầy đủ căn cứ để đưa ra những định hướng chiến lược và kế hoạch hoạt động một cách chính xác, hợp lý.
Cũng phải nói đến sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các đơn vị làm công tác thông tin và dự báo nhu cầu nhân lực tại các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; Thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị này với các cơ quan quản lý, chỉ đạo, điều hành, xây dựng chính sách phát triển nhân lực ở các cấp.
Chính vì vậy, điểm tồn tại lớn nhất trong hoạt động thông tin và dự báo nhu cầu nhân lực là thông tin bị cát cứ, chia cắt, thiếu đồng bộ và không thể chia sẻ giữa các đơn vị nắm giữ thông tin. Điều đó, dẫn tới lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả và chất lượng công tác thông tin, dự báo nhu cầu nhân lực...
Công tác dự báo cần được thực hiện theo các bước như thế nào để đảm bảo tính hiệu quả, khoa học, thưa bà?
- Về cơ bản, công tác dự báo bao gồm các bước: Xác định mục tiêu dự báo; Căn cứ vào mục tiêu để xác định phương pháp dự báo phù hợp; Chuẩn bị dữ liệu phục vụ dự báo; Tiến hành dự báo; Điều chỉnh dự báo và công bố kết quả.
Đơn cử, đi sâu vào bước thứ 2 là phương pháp dự báo. Trên thực tế, việc dự báo có thể thực hiện theo những phương pháp khác nhau. Đa phần các nước phát triển sử dụng phương pháp tiếp cận từ trên xuống bởi mục tiêu của dự báo để nắm bắt các xu hướng biến đổi của cung - cầu nhân lực theo ngành và theo nghề nhằm giúp các nhà quản lý đưa ra quyết định liên quan đến định hướng phát triển thị trường lao động và nguồn nhân lực quốc gia.
Phương pháp này còn được lựa chọn do những ưu điểm nổi bật của nó so với với phương pháp khác. Theo yêu cầu của quy hoạch phát triển nhân lực của Việt Nam, việc lựa chọn phương pháp dự báo sẽ khó khăn hơn do một phương pháp dự báo riêng lẻ sẽ không thể đáp ứng đủ 4 tiêu chí: trình độ, ngành, nghề và theo vùng.
Ngoài ra, việc lựa chọn phương pháp còn phải tính đến thực trạng nguồn số liệu có thể thu thập và cung cấp cho công tác dự báo nhân lực.
Ở bước chuẩn bị dữ liệu, với việc khuyến nghị lựa chọn các phương pháp khác nhau ở cấp độ khác nhau, hệ thống thông tin phục vụ dự báo nhân lực Việt Nam cũng sẽ có điểm khác biệt và phức tạp riêng. Theo đó, chuẩn bị dữ liệu cho dự báo nhân lực cần phải được cơ cấu lại rất nhiều.
Mặc dù hiện nay, rất nhiều chỉ tiêu đã được Tổng cục Thống kê cung cấp với mức độ thường xuyên hơn và chất lượng hơn, chuỗi số liệu hiện có vẫn chưa đủ dài để phục vụ dự báo trung và dài hạn.
Vậy theo bà , công tác dự báo nhân lực ở Việt Nam cần phải làm gì để đáp ứng yêu cầu của quy hoạch phát triển nhân lực?
- Công tác dự báo nhân lực phục vụ quy hoạch phải đảm bảo cung cấp số liệu dự báo về nhân lực theo một ma trận các tiêu chí rất cụ thể, gồm: Theo bậc đào tạo, ngành/lĩnh vực, chủ thể tham gia phát triển (nghề) và theo vùng kinh tế xã hội. Đây là một yêu cầu khó đặt ra với người làm công tác dự báo.
Trong thực tế, công việc dự báo phục vụ xây dựng quy hoạch do hạn chế về thời gian và nguồn lực đã không được triển khai hệ thống và bài bản như mong muốn.
Do đó, yêu cầu hiện nay đặt ra là để thực hiện quy hoạch, theo dõi, đánh giá, giám sát cũng như điều chỉnh quy hoạch phát triển nhân lực, cần phải dựa trên một nền tảng công tác dự báo có chất lượng hơn.
Các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ thu thập, cung cấp dữ liệu, thực hiện công tác phân tích dự báo về kinh tế - xã hội nói chung và dự báo nhân lực nói riêng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động này, góp phần vào quá trình đổi mới công tác lập và điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Xin cảm ơn bà!
Hải Bình
TIN LIÊN QUAN |
---|