Lắp camera giám sát lớp học: Hiệu trưởng lo áp lực tâm lý

GD&TĐ - Sau những vụ bạo hành và tai nạn trong lớp học mầm non (cả trường tư lẫn trường công) trong thời gian gần đây, cuộc tranh luận có hay không nên lắp đặt camera trong trường lớp học trở nên nóng hơn bao giờ hết. 

Lắp camera giám sát lớp học: Hiệu trưởng lo áp lực tâm lý

Đã có chương trình tài trợ lớn cho lắp camera trường học được đưa ra gần đây, tuy nhiên phản ứng từ nhiều nhà trường vẫn thận trọng – thứ nhất là cần vốn đối ứng và thứ hai là rào cản tâm lí…

Vấn đề “đầu tiên”

Dễ nhận thấy là hiện đã có nhiều trường học lắp camera nhưng hầu hết là các trường dân lập thuộc bậc học mầm non. Đây được coi là một cách thức bảo đảm thương hiệu và uy tín của nhà trường và điều đương nhiên là chi phí sẽ được tính vào học phí cao hơn nhiều những trường không lắp đặt camera. 

Với những trường mầm non dân lập có camera trong lớp học để phụ huynh có thể truy cập qua mạng Internet xem hình ảnh trực tiếp con cái mình bất cứ lúc nào, học phí tối thiểu cũng phải ở mức 3 triệu đồng/ tháng.

Sau những vụ bạo hành với trẻ mầm non gần đây, điển hình là vụ bạo hành tại cơ sở trông trẻ mầm non không phép Phương Anh (TPHCM) gần đây, nhiều phụ huynh có tâm lí muốn gửi con vào những cơ sở có camera giám sát. 

Một nhân viên công ty bán sản phẩm hệ thống camera giám sát cho biết, gần đây để đáp ứng yêu cầu của phụ huynh, nhiều trường học đã gọi tới khảo giá lắp đặt. 

Cũng theo nhân viên bán hàng này cho biết thì trước đây khách hàng chủ yếu là hộ tư nhân nên sản phẩm chủ đạo là loại 8 camera chung 1 đầu thu. 

Tuy nhiên gần đây hệ thống từ 20 camera/đầu thu cũng bán chạy. Giá bộ 8 camera/ 1 đầu thu tùy theo chất lượng có giá từ hơn 10 triệu đến 22 triệu đồng/ bộ. Còn với một bộ 20 camera/đầu thu có giá thấp nhất cũng khoảng 40 triệu đồng. 

Loại này phù hợp với một trường mầm non cỡ trung bình, còn với những trường tiểu học thì nếu mỗi khối có 4 lớp thì để lắp hết camera cho 5 khối cộng với các khu vực hành lang, vệ sinh… phải cần khoảng 30 camera. 

Đây là một khoản tiền lớn đối với các trường công lập phụ thuộc toàn bộ vào ngân sách cấp phát không có khoản nào dành cho camera giám sát.

Mới đây 4 đối tác lớn của chương trình tài trợ 20.000 camera cho nhà trẻ và mẫu giáo là Nguyễn Kim, VNPT, Questek Việt Nam và Công ty Sơn Ca đã chính thức công bố khởi động chương trình từ ngày 1/1/2014. 

Theo đó, từ ngày đầu năm mới, các đơn vị sẽ bắt đầu tiếp nhận các đơn đề nghị tài trợ lắp đặt camera giám sát của các trường mầm non. 

Cụ thể, mỗi trường sẽ được Nguyễn Kim tài trợ 80% chi phí lắp đặt 4 camera do Questek Việt Nam cung cấp. VNPT sẽ tài trợ 95% chi phí lắp đặt hòa mạng, miễn phí cước 6 tháng đầu, giảm 50% cước 6 tháng kế tiếp cho các trường. Công ty Sơn Ca tài trợ miễn phí server lưu trữ thông tin cho hệ thống giám sát và phần mềm theo dõi.

Tuy nhiên, tham khảo ý kiến của một vài hiệu trưởng trường mầm non công lập thì họ vẫn ngần ngại với chương trình này. Thứ nhất là số camera tài trợ cho mỗi trường hạn chế, phần “vốn đối ứng” để lắp số camera còn lại không hề nhỏ. 

Thứ hai là mối lo cước hòa mạng hàng tháng sau khi hết thời gian ưu đãi trong 12 tháng đầu… Tóm lại là dù có tài trợ thì vẫn phải huy động một khoản tiền lớn mới có thể lắp đặt camera trong toàn bộ trường.

Về nỗi lo “đầu tiên – tiền đâu”, hiệu trưởng một trường tiểu học quận Cầu Giấy (Hà Nội) thú thật là chẳng thể lấy đâu ra khoản tiền hàng trăm triệu đồng lắp camera tới các lớp học. 

Trường này đã có lắp một số camera giám sát nhưng chỉ hạn chế ở những khu vực cần giám sát an ninh như phòng kế toán, thủ quĩ; khu hành lang khuất nẻo; lối vào nhà vệ sinh… Mà khoản tiền lắp đặt này cũng là nhờ doanh nghiệp và phụ huynh tài trợ cho nhà trường.

Rào cản tâm lí

Trong thực tế thì việc lắp camera trong các lớp học mầm non cũng chỉ giúp phụ huynh an tâm về mặt tinh thần bởi camera không lia ống kính quan sát được tới những “góc chết” và không thể bảo đảm tuyệt đối giáo viên không đưa trẻ vào những “góc chết” này để bạo hành trẻ. Vấn đề vẫn nằm ở năng lực và trách nhiệm quản lí giáo viên của giám hiệu nhà trường.

Có dịp trao đổi về việc có nên lắp camera trong trường học hay không với một số hiệu trưởng trường tiểu học, ý kiến chung là sự hiện diện của camera đòi hỏi giáo viên nâng cao trách nhiệm nhưng đằng sau đó cũng có những “tác dụng phụ”.

Hiệu trưởng trường tiểu học Q (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: Giáo viên cũng là con người, trong ngày họ trải qua những cung bậc cảm xúc từ vui tới buồn và những chiếc camera giám sát khiến họ cảm thấy có một áp lực vô hình. 

Hiệu trưởng mà không nhận được sự đồng thuận của giáo viên cứ mắc camera bằng được sẽ bị coi là không tin tưởng vào những giáo viên trong trường học của mình!

Hiệu trưởng trường tiểu học D (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng với những trường có cơ sở xây dựng tương đối tập trung và vuông vắn thì biện pháp tốt nhất giám sát giáo viên là giám hiệu thường xuyên kiểm tra đột xuất trong giờ dạy. Còn để ngăn chặn hành vi trộm cắp hay bạo lực thì chỉ cần lắp camera giám sát tại những khu vực khuất nẻo. 

Hiệu trưởng này cũng cho biết đã nhờ cơ quan công an tư vấn những điểm nên lắp camera giám sát an ninh để vừa tiết kiệm, lại vừa có hiệu quả. 

Với những trường có khuôn viên rộng và xây dựng dàn trải, không tập trung, việc lắp camera sẽ giúp ban giám hiệu bám sát hoạt động dạy học hơn và cũng có tác dụng ngăn ngừa các hành vi xấu của học sinh, đặc biệt là với các trường bậc THCS.

Với bậc học mầm non, nguyện vọng chung của nhiều phụ huynh là trường học có lắp camera giám sát tới từng lớp. Điều này khiến họ yên tâm phó thác đứa trẻ bé bỏng chưa biết tự chăm sóc và bảo vệ mình cho nhà trường. 

Tuy nhiên như trên đã nói, muốn vậy chỉ có thể gửi con vào những cơ sở mầm non chất lượng cao mà với người lao động đều vượt quá khả năng chi trả học phí cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.