Lãnh đạo trường vùng khó bật mí bài học quản lý thành công

GD&TĐ - Cải thiện chất lượng giáo dục, giúp cán bộ giáo viên yên tâm công tác, toàn tâm, toàn ý cống hiến; sĩ số, quy mô trường lớp ổn định, đó là một bài toán nan giải đối với trường vùng khó.

Một tiết học của học sinh Trường THPT Mường Quạ
Một tiết học của học sinh Trường THPT Mường Quạ

Nằm ở vùng biên giới, dân tộc, đặc biệt khó khăn, Trường THPT Mường Quạ (Nghệ An) từng có năm tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT chỉ đạt 30,4%, là một trường xếp loại yếu, tỷ lệ học sinh bỏ học cao.

Tuy nhiên, những năm gần đây, trường đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. Nếu như trước 2009 chưa một lần được công nhận là tập thể lao động tiên tiến, thì 5 năm học gần đây, trường liên tục đạt danh hiệu này. 

Tỷ lệ học sinh giỏi toàn diện trước đây không có, thì vài năm gần đây đã đạt tỷ lệ từ 1,2 - 1,7%; học sinh đỗ đại học ổn định, năm sau cao hơn năm trước...

Thầy hiệu trưởng Lê Thanh An chia sẻ những giải pháp mình và tập thể sư phạm đã quyết tâm thực hiện để có được sự lột xác này.

Xây dựng kế hoạch với quy trình chặt chẽ

Thầy An cho rằng, để đạt hiệu quả quản lý, trước hết phải xây dựng được kế hoạch khả thi. Kế hoạch này được người đứng đầu nhà trường chỉ đạo thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, sau khi phân tích tình hình mặt mạnh, mặt yếu của đơn vị.

Cụ thể, trước hết, người lãnh đạo phải có ý tưởng, phải xác định được lợi thế so sánh, rào cản đề xác định giải pháp ưu tiên. Sau đó, ý tưởng được đưa ra bàn bạc, thảo luận, hiến kế.

Sau khi lấy được nhiều ý kiến đóng góp, người lãnh đạo hoàn chỉnh kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch.

“Tôi xác định, làm giáo dục ở miền núi, nếu người giáo viên không có tâm huyết (Đức), không có cách làm (Tài) thì không thể làm được gì với bài toán chất lượng. 

Trong 2 yếu tố ấy, không xem nhẹ tài năng sư phạm, nhưng người giáo viên nếu không có tình thương, trách nhiệm, tâm huyết với con em đồng bào thực sự thì sẽ không làm được gì.

Người giáo viên dạy rất giỏi, nhưng thiếu tâm huyết, thiếu sự thấu hiểu, sẻ chia, thâm chí là sự hy sinh thì người đó cũng sẽ thất bại. Vì lẽ đó, trong chiến lược của tôi là phải bắt đầu từ đội ngũ nhà giáo” - Thầy An chia sẻ.

Xây dựng đội ngũ: Lưu ý cả tính chung và riêng

Do đội ngũ có vai trò quan trọng nên, thầy An cho biết đã chỉ đạo xây dựng đội ngũ với những tiêu chuẩn phù hợp, vừa có tính chung, vừa có tính riêng. 

Ví dụ như tính riêng giáo viên của trường là phải biết tiếng dân tộc thiểu số, phải am hiểu tâm lý học sinh miền núi, phải có cách tiếp cận riêng, phải hiểu học trò đang thiếu gì, mình sẽ giúp cái gì.

Đây là điểm khác biệt giữa người thầy ở miền núi và người thầy ở miền xuôi. Ở miền xuôi, người thầy phải giỏi chuyên môn, còn ở đây, người thầy phải là người anh, người cha, người bạn. Người miền núi chỉ thực sự làm khi họ đã hiểu và tin.

Cách làm hiệu quả để nâng cao chất lượng đội ngũ là phát động phong trào tự học trong cán bộ giáo viên. Nhà trường xác định giáo viên cần học cái gì? Nội dung gì là cần nhất? Và học sẽ có kiểm tra. Nhà trường kết hợp với trường bạn tổ chức kỳ kiểm tra năng lực giáo viên. Nội dung kiểm tra rất thiết thực.

“Đến nay, 34 cán bộ giáo viên của trường, có 4 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 5 thạc sỹ, và quan trong hơn là tất cả ai cũng am hiểu phong tục, biết cách tiếp cận, nhiều người nói được tiếng Thái, đưa tiếng Thái vào trong giảng dạy cho bài dạy sinh động, học sinh dễ tiếp thu” - Thầy Lê Thanh An cho biết.

Duy trì sĩ số: Làm mạnh công tác dân vận

Để duy trì sĩ số, theo thầy An, Trường THPT Mường Quạ đã làm các việc mà ít trường làm, như cử giáo viên hàng tháng đi đến tận các gia đình học sinh để cùng gia đình bàn bạc, tháo gỡ khó khăn.

Ít nhất một học kỳ, nhà trường tổ chức 2 lần cán bộ giáo viên đi thôn bản, đến nhà học sinh, nhất là các gia đình khó khăn, có học sinh học yếu, có nguy cơ bỏ học.

Cán bộ giao viên sẽ trao đổi, lắng nghe phụ huynh, tư vấn, cùng tháo gỡ khó khăn. Sau 2 năm áp dụng cách làm này mà phụ huynh rất nể trọng thầy cô, nhà trường, đồng thời họ cùng vào cuộc mạnh mẽ, thiết thực hơn.

Ở miền núi, dân vận không gì hay hơn là đến tận nhà, phải trao đổi, trò chuyện, thậm chí cùng nói bằng tiếng của họ. Vì vậy, dân họ đã tin, họ tin thì họ sẽ làm.

Một trong những giải pháp để duy trì sỹ số tốt là chủ trương xây dựng quỹ “Vì những học sinh ít cơ hội” trên cơ sở đóng góp tự nguyện của cán bộ giáo viên nhà trường nhằm giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày khai giảng, 20/11 hàng năm, dịp nghỉ Tết Nguyên đán, tổng kết năm học… nhà trường đều có kế hoạch chăm lo chu đáo cho những đối tượng này.

Nghĩa cử đó tuy vật chất không lớn, nhưng đã làm cho học sinh thấy được tình thương, trách nhiệm của thầy cô. Từ đó, các em cố gắng hơn, đỡ bỏ học giữa chừng hơn. 

Có nhiều em do sự hỗ trợ của thầy cô bằng kinh tế mà thành đạt, đỗ đại học. Ví dụ như em La Văn Ninh, dù nhà rất nghèo những đã nỗ lực để đỗ vào Học viện Biên Phòng với 24 điểm.

Cải thiện chất lượng: Làm quyết liệt

Trường THPT Mường Quạ cũng có cách làm rất công phu trong việc cải thiện chất lượng, giảm học sinh yếu kém.

Thầy Lê Thanh An cho biết, vào đầu năm, nhà trường phân loại học sinh, giao nhiệm vụ phụ kém cho từng người cụ thể, từ hiệu trưởng đến giáo viên (mỗi người tuỳ theo số lượng thực tế sẽ được hiệu trưởng giao bằng văn bản).

Công việc này làm cả năm, cả trong và ngoài giờ, giữa kì kiểm tra, rút kinh nghiệm, cuối kì cũng vậy.

Đồng thời, cách dạy của giáo viên ở trường cũng khác, vừa áp dụng đổi mới, vừa kết hợp cách làm cầm tay chỉ việc, nhưng không hạ thấp chuẩn, không làm hộ, nói thay, làm thay.

Mặt khác, trường lo nghĩ đến tầm nhìn xa hơn cho những khoá sau bằng cách giao lưu dạy và học với các trường THCS trong vùng để bổ trợ, bổ cứu cho nhau để mục đích có chất lượng tốt hơn. Các giải pháp đó đã đem lại hiệu quả rõ rệt.

Đối với số học sinh khá giỏi (do nguồn vào rất ít), nên để có chất lượng mũi nhọn, nhà trường phải có giải pháp ưu tiên, ưu tiên đầu tư mọi mặt, từ giáo viên, đến kế hoạch ôn luyện, bồi dưỡng.

Do ở trường, tỷ lệ này không nhiều nên khó tổ chức lớp ôn luyện như trường khác, trường giao cho các nhóm chuyên môn có trách nhiệm bồi dưỡng (đa dạng nhiều hình thức bồi dưỡng), thù lao dạy thêm do nhà trường trang trải từ tiết kiệm ngân sách và tiết kiệm các nguồn khác.

Ngoài những giải pháp trên, nhiều tâm huyết cũng được thầy Lê Thanh An chia sẻ, trong đó có giải pháp về xây dựng cơ sở vật chất, công tác tài chính, chế độ bằng thực hiện tiết kiệm chi tiêu; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, gương mẫu thực hành tiết kiệm, quan tâm đến chế độ của người dạy, người học.

Cùng với đó là thực hiện đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn nhằm phát huy tính tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn; đổi mới phương pháp dạy học nhằm tìm ra cách dạy, cách học phù hợp với đối tượng học sinh của trường; xây dựng môi trường giáo dục để giáo dục, lôi cuốn học sinh.

“Các giải pháp đó đã có hiệu quả tốt sau những năm triển khai, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm” - Thầy Lê Thanh An khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ