Các ý kiến cũng cho rằng, nên tiếp tục để giáo viên THPT tham gia vào công tác chấm thi.
Thầy Vũ La Tin – Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hải Phòng): Nên có giáo viên THPT tham gia vào công tác chấm thi
Mặc dù Trường THPT Lương Thế Vinh năm nay dự định áp dụng thí điểm dạy học theo hướng liên môn tích hợp ở một số môn. Tuy nhiên, vì là phương pháp mới nên vẫn còn khá nhiều khó khăn và lúng túng. Do vậy nếu áp dụng thi theo bài như ở phương án 2 hoặc 3 sẽ không tránh khỏi bỡ ngỡ và những áp lực về tâm lý.
Thực ra, nếu nói là thích thì tôi thích thi theo phương án 3 – thi theo bài với 4 bài thi bắt buộc.
Đây là phương án được cho là hoàn hảo nhất, đánh giá được tổng thể chất lượng học tập của học sinh.
Hơn nữa nếu thi theo phương án này, sẽ không sợ học sinh học tủ, học lệch, giáo viên cũng không thể cắt xén chương trình dạy.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế giữa việc dạy và học như hiện nay thì thiết nghĩ phương án này chưa thể áp dụng ngay trong năm 2015 thậm chí là một vài năm tới. Mà chúng ta cần phải có lộ trình cụ thể và sự chuẩn bị kỹ càng từ cấp quản lý đến các giáo viên cũng như là các em học sinh.
Do vậy, để đảm bảo khách quan và công bằng cho cả thầy và trò, thiết nghĩ năm 2015 Bộ GD&ĐT nên lựa chọn phương án 1 – thi theo môn, để áp dụng thực hiện trong kỳ thi THPT Quốc gia. Đây có thể nói là phương án nhận được sự đồng tình của đại đa số các thầy cô giáo và các em học sinh của trường chúng tôi.
Thực tế cho thấy, không riêng gì Trường THPT Lương Thế Vinh mà hầu hết các trường trên địa bàn Thành phố Hải Phòng, việc dạy và học vẫn đang đi theo hướng đơn môn, nên phương pháp dạy theo hướng liên môn tích hợp vẫn còn khá mới mẻ với các thầy cô giáo. Do đó việc kiểm tranh, đánh giá theo bài liên môn, tích hợp vẫn còn khá xa lạ đối với thầy và trò.
Chính vì vậy mà tôi cho rằng, việc đổi mới là hoàn toàn cần thiết nhưng không thể vội vàng, gấp gáp. Do vậy, năm 2015 Bộ nên quyết định thi theo phương án 1 là hợp lý hơn cả vì ít nhiều giáo viên và học sinh đã được làm quen ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
Đối với phương án địa điểm tổ chức thi, theo tôi, Bộ nên tổ chức thành cụm thi theo địa bàn tỉnh và nên để lãnh đạo các địa phương cùng tham gia vào Hội đồng coi thi, chấm thi.
Việc thi theo cụm sẽ thuận tiện hơn cho người nhà và thí sinh đồng thời giảm được chi phí. Đơn cử như, nếu thi theo cụm mà mỗi tỉnh có một hoặc một số cụm thi thì rất nhiều thí sinh Hải Phòng sẽ không phải ra Hà Nội dự thi mà sẽ dự thi ngay tại tỉnh nhà.
Điều dễ dàng nhận thấy đó là: Chắc chắn các gia đình sẽ giảm được áp lực về tài chính, nhất là đối với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Riêng đối với phương án thành lập các Hội đồng coi thi, chấm thi mà Bộ đưa ra, tôi hoàn toàn tán thành. Tuy nhiên để hoàn hảo hơn, theo tôi nên bổ sung thêm giáo viên THPT tham gia vào công tác chấm thi. Các giáo viên phải là giáo viên giỏi, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt và phải được Sở GD&ĐT lựa chọn từ các trường THPT trên địa bàn.
Theo tôi nếu đưa giáo viên THPT tham gia vào chấm thi thì kết quả bài thi của các em được đánh giá sát với thực tế hơn. Giả sử với đề thi Ngữ văn được ra theo hướng tích hợp.
Trong quá trình làm bài có thể có những em sẽ gắn với văn hoá đặc trưng của vùng miền, vì vậy nếu là giáo viên bản địa họ sẽ hiểu hơn về nền văn hoá đó. Như thế khi chấm bài, giáo viên sẽ dễ cảm thụ rõ nét hơn và việc chấm bài sẽ sát hơn với những giảng viên đại học.
Còn đối với việc ra đề, tôi nghĩ rằng bộ nên tiếp tục ra đề theo hướng tích hợp và tăng dần các câu hỏi mở, các câu hỏi vận dụng để làm sao đánh giá được năng lực của học sinh ở các phương diện: Hiểu biết và có thể vận dụng vào thực tiễn.
Thầy Lê Xuân Trung - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội): Tôi đã mong đợi kỳ thi này từ rất lâu
Với tư cách là một nhà giáo và là hiệu trưởng trường THPT, tôi hoàn toàn đồng ý với chủ trương nên có một kỳ thi Quốc gia.
Trong 3 phương án dự thảo của Bộ GD&ĐT đưa ra, mỗi phương án đều có ưu và nhược điểm riêng. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế, vào sự khẩn trương và tính cấp thiết của đổi mới toàn diện nền giáo dục mà Bộ chọn khâu thi cử là khâu đột phá thì phương án 2 là khả thi hơn cả.
Nhưng, phương án này nên để học sinh thi cả 5 bài, không nên lựa chọn một trong hai bài Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội.
Tùy theo nguyện vọng của học sinh và gia đình, thì qua kỳ thi này, học sinh cũng đủ phông kiến thức nền để bước vào đời vững chắc. Phương án 2 cũng sẽ có tác dụng ngược trở lại quá trình dạy và học hiện nay. Tất nhiên sẽ có những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu.
Tóm tại, trước khi phương án 3 có thể áp dụng, đây là phương án tối ưu để phát huy được hiệu quả và thúc đẩy các nhà trường thực hiện nền học vấn giáo dục phổ thông toàn diện, phong phú, đa dạng để học sinh bước vào những bậc học cao hơn hoặc có thể rẽ sang thực hiện hoạt động hướng nghiệp độc lập.
Vấn đề còn lại ở đây là coi thi như thế nào để chúng ta nghiệm thu một kỳ thi chất lượng. Vấn đề này trong đề án có nói sẽ phối hợp vỡi lãnh đạo Sở GD&ĐT, cán bộ các trường đại học và các trường phổ thông, đó là phương án tốt, có thể ngăn chặn được sự cả nể, coi thi chưa chặt chẽ.
Để giảm sức ép và tạo điều kiện cho các em vào đời thì Bộ GD&ĐT cần có chỉ đạo chung, học sinh sau khi hoàn thành chương trình THPT xong, với những em tổng kết có học lực trung bình lớp 12 và cả 3 năm có thể cấp chứng chỉ hoàn thành xong chương trình phổ thông. Chứng chỉ này có giá trị lập nghiệp, vào đời, có thể học trung cấp, học nghề, hoặc có thể tham gia vào lực lượng vũ trang.
Cô Trần Minh Tuyết – giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng Hà Nội: Thi theo bài sẽ gây áp lực cho học sinh
Thi cùng lúc vài ba môn đối với các em là một áp lực nặng nề, chắc chắn sẽ có nhiều em không vượt qua được. Mặt khác, nếu thi vài ba môn trong một bài thi sẽ gây phức tạp trong khi chấm.
Ở phương án 1, tuy kì thi phải diễn ra trong 4 ngày, với lượng công việc nhiều hơn cho giáo viên và chi phí cho tổ chức kì thi tăng lên, nhưng đổi lại học sinh cảm thấy tự tin, thoải mái hơn.
Ngoài 3 môn thi bắt buộc và một môn thi tự chọn để xét công nhận tốt nghiệp thì các em còn có quyền đăng kí thêm các môn thi khác để sau này xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng có ngành đào tạo phù hợp, điều đó cho thấy các em sẽ có nhiều cơ hội để trở thành sinh viên của các trường Đại học, Cao đẳng hơn.
Tuy nhiên , tôi nhận thấy để có được đầu vào chất lượng cho các trường Đại học , Cao đẳng thông qua một kì thi hai mục đích như thế này cần phải có một quy trình ra đề thi, coi thi, chấm thi... vô cùng nghiêm túc và chặt chẽ.
Thí sinh dự thi đại học năm 2014 |
Thầy Lê Vinh - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng): Nên có thanh tra Bộ GD&ĐT cắm chốt
Dự thảo cũng đưa ra 3 phương án môn thi. Cá nhân tôi thấy rằng, để thực hiện được phương án 2 và 3 cần phải có lộ trình, không thể làm ngay; trước hết, giáo viên phải biết cách dạy tích hợp và điều này cần được đào tạo một cách hết sức bài bản. Do đó, phương án 1 là khả thi nhất trong điều kiện hiện nay.
Thầy Lê Vinh
Để có một kỳ thi THPT Quốc gia thực sự nghiêm túc, tôi cho rằng nên quay lại với việc có thanh tra cắm chốt của Bộ GD&ĐT tại các hội đồng thi cùng với thanh tra cắm chốt của Sở GD&ĐT.
Cách đây 3 năm kỳ thi tốt nghiệp THPT đã thực hiện điều này và các Hội đồng thi đều làm rất nghiêm túc. Thành phần của đoàn thanh tra chủ yếu là từ các trường ĐH, CĐ.
Theo dự thảo, địa điểm tổ chức thi được bố trí thành cụm thi theo địa bàn tỉnh; tại mỗi tỉnh có thể có một hoặc một số cụm thi tập trung ở thành phố, thị xã, thị trấn; các điểm thi là các trường THPT và các trường ĐH, CĐ.
Từ thực tiễn của Đà Nẵng, tôi cho rằng, nên tổ chức thành nhiều Hội đồng thi, nhưng mỗi hội đồng không nên có nhiều quá 30 phòng thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 tại Đà Nẵng, mỗi trường THPT là một Hội đồng thi.
Giám thị coi thi nên có cả lực lượng của phổ thông và các trường ĐH, CĐ. Nếu đạt được tỷ lệ 50 - 50 là tốt nhất.
Cô Nguyễn Thị Thu Cúc – Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh): Cán bộ coi thi nên có cả giảng viên đại học và giáo viên THPT
Phương án 2 và 3 đều là các phương án hay nhưng cần có lộ trình cụ thể và nên áp dụng sau khi đã thay đổi sách giáo khoa để cách học và cách dạy đều thống nhất.
Tuy nhiên nếu là thi theo phương án 1, theo tôi nên để môn Ngoại ngữ là môn thi tự chọn. Vì thực tế cho thấy rằng, đối với giáo viên, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, việc dạy và học Ngoại ngữ còn nhiều hạn chế. Do đó nếu bắt buộc thi Ngoại ngữ sợ rằng sẽ thiệt thời cho các em học sinh.
Về địa điểm tổ chức thi, theo tôi nên bố trí tổ chức thành cụm thi theo địa bàn tỉnh nhằm giảm chi phí cho các gia đình, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Riêng về Hội đồng coi thi, theo tôi chủ tịch nên là Hiệu trưởng hoặc hiệu phó của các trường đại học. Phó chủ tịch Hội đồng nên cử Hiệu trưởng hoặc hiệu phó các trường THPT.
Đối với cán bộ coi thi, cần có cả giảng viên đại học và giáo viên THPT. Nên huy động 50% giảng viên từ các trường đại học và giáo 50% là viên các trường THPT.
Còn về việc tổ chức chấm thi, theo tôi nên lấy cả giáo viên THPT cùng tham gia và nên tổ chức chấm thi chéo giữa các vùng miền nhằm hạn chế những tình huống tiêu cực có thể xảy ra.
Thầy Nguyễn Hữu Định – Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai (Cần Thơ): Đề thi nên ra theo hướng của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
Hai phương án còn lại cần có lộ trình để giáo viên và học sinh được làm quen.
Khi đã thích nghi với cách dạy, cách học theo hướng liên môn, tích hợp thì không có lý do gì mà chúng ta lại không tổ chức thi theo phương án 2 hoặc 3 – thi theo bài. Đây là xu thế tất yếu mà chúng ta cần phải hướng tới.
Hơn nữa, phương án 1 phù hợp hơn cả với học sinh vùng nông thôn, nhất là các em ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Ngoài ra, thi theo phương án này thì cơ hội vào đại học và các trường chuyên nghiệp của các em rộng mở hơn.
Còn về phương án địa điểm thi, theo tôi nên bố trí thành cụm thi theo địa bàn tỉnh. Tại mỗi tỉnh có thẻ có một hoặc một số cụm thi tập trung ở thành phố, thị xã hoặc là thị trấn.
Lãnh đạo các Hội đồng coi thi, chấm thi cần được lựa chọn từ các lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng và lãnh đạo các sở GD&ĐT. Việc làm này sẽ đảm bảo được tính khách quan, trung thực và thực chất của kỳ. Đặc biệt là tránh được tính chất địa phương cục bộ.
Riêng đối với, công tác ra đề thi, theo tôi trước mắt bộ nên tiếp tục và kế thừa theo hướng của kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2014.
Vì ra theo hướng này thì ít nhiều cả giáo viên và học sinh đã được làm quen, không còn bỡ ngỡ, lúng túng trong cách học, cũng như cách dạy. Như thế học sinh đỡ thiệt thòi và có một tâm thế hoàn toàn chủ động để bước vào kỳ thi THPT Quốc gia.