Lắng nghe để hoàn thiện

Lắng nghe để hoàn thiện

(GD&TĐ) - Hội nghị tổng kết năm học 2008-2009 đã kết thúc trong một âm hưởng rất phấn khởi, hào hứng và tràn đầy niềm tin, hi vọng. Không chỉ bởi tiền đề của những tâm cảm ấy đã hé lộ, mà còn vì một thái độ tích cực đã được xác lập trong toàn ngành: Lắng nghe, học hỏi để tiếp tục hoàn thiện mình, để 2 chủ đề lớn của năm học là “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục” sẽ được thành tựu.

Nâng cao chất lượng giáo dục là 1 trong 2 chủ đề lớn của năm học mới
Nâng cao chất lượng giáo dục là 1 trong 2 chủ đề lớn của năm học mới

Tưởng như mới lạ nhưng thực ra đó là một chân lý tươi rói từ thực tiễn cuộc sống cũng như trong công tác chỉ đạo của ngành. Còn nhớ những năm bắt đầu thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội về đổi mới GD phổ thông, mặc dù chủ trương là đúng đắn nhưng trong quá trình triển khai vẫn không tránh khỏi những khiếm khuyết, thậm chí đôi lúc sai lệch. Với thái độ cầu thị và dân chủ, chúng ta đã luôn luôn tiếp thu ý kiến đóng góp từ phía những người trong cuộc là CBQL, GV, HS và cả xã hội, những người luôn quan tâm đến sự nghiệp đã được xác định là “quốc sách hàng đầu”. Mỗi năm hai kỳ họp Quốc hội, toàn ngành đã luôn lắng nghe các đại biểu của dân góp ý cho ngành, mỗi bên cùng điều chỉnh để cùng đi đến một tiếng nói chung vì sự phát triển.

Rất nhiều cuộc hội thảo tầm cỡ quốc gia cũng đã thu hút được trí tuệ và tâm huyết của các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý và cả đội ngũ giáo viên hàng triệu người đóng góp ý kiến cho ngành GD. Rồi theo đó là Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2001-2010 cũng được nhìn nhận lại sau 5 năm thực hiện để đi đến quyết định điều chỉnh vừa trước mắt vừa lâu dài, chuẩn bị cho Chiến lược phát triển GDVN giai đoạn 2009-2020. Chiến lược quan trọng này cũng đã qua 14 lần dự thảo và lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia cũng như dư luận rộng rãi, và trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới. Gần đây nhất là việc Quốc hội thông qua chủ trương định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ 2010 – 2011 đến 2014-2015. Đó là một quá trình đầu tư trí tuệ để xây dựng đề án đã đành, còn là một quá trình luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp và hoàn thiện cho một Đề án thấu lý, đạt tình, vừa khả thi, vừa đảm bảo tính nhân văn sâu sắc.

Năm học 2008-2009 cũng là một năm học khẳng định tinh thần “lắng nghe và hoàn thiện” đã là một trong những yếu tố góp phần làm nên thành tựu cho những chủ trương, cuộc vận động hay phong trào lớn của ngành. Như cuộc vận động “Hai không” bước vào năm thứ 3 với nhiều nội dung mới, như cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với nội hàm tập trung vào hành động cụ thể thiết thực, như việc lần đầu tiên đề xuất phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã nhận được sự ủng hộ toàn tâm toàn ý toàn lực của các bộ ban ngành cũng như chính quyền địa phương và toàn xã hội. Hay như chủ trương đổi mới phương pháp dạy học đã song hành cùng quá trình triển khai đổi mới GD phổ thông theo Nghị quyết của Quốc hội nhưng đến năm học này sau nhiều hội thảo quốc gia liên tiếp được tổ chức để lấy ý kiến từ chính những người trực tiếp thực hiện nên đã được đẩy lên một bước phát triển về chất, hoàn thiện cả một quy trình từ dạy-học đến kiểm tra, đánh giá.  Việc ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý sau nhiều năm triển khai đến khi trở thành chủ đề của năm học 2008-2009 đã đẩy mạnh hơn nhằm đạt đến hiệu quả thực chất.

Có thể nói 5 thành tựu nổi bật của năm học 2008-2009 là kết quả của một quá trình luôn luôn lắng nghe và hoàn thiện của toàn ngành GD, từ công tác quản lý chỉ đạo đến việc thực hiện ở cơ sở. Tuy nhiên, 5 hạn chế yếu kém đã được thẳng thắn nhận ra cũng đòi hỏi chúng ta vẫn còn phải tiếp tục lắng nghe để hoàn thiện và trước mắt là hoàn thành 2 chủ đề lớn của năm học mới “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. Xa lộ thông tin hai chiều (giữa các cấp quản lý GD từ trung ương đến địa phương, giữa ngành GD và toàn xã hội) cần được mở rộng. Như bài học kinh nghiệm đã chỉ ra: Các cấp QLGD phải tích cực đề xuất với các cấp có thẩm quyền những vấn đề có tính chiến lược cho phát triển GD; phải bám sát thựuc tiễn cơ sở, sẵn sàng nghe các khó khăn yếu kém của cơ sở, đồng thời phát hiện và nhân rộng mô hình tốt, giải quyết kịp thời dứt điểm các vướng mắc phát sinh”.

Và lời khẳng định của Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã củng cố thêm niềm tin và hi vọng cho toàn xã hội: Nghe cái hay, cái tốt, để nhân rộng và phát huy “tài nguyên” nhưng Bộ cũng sẵn sàng nghe những khó khăn, những điều chưa được, những cái chưa vui, để từ đó có những biện pháp đáp ứng đúng thực tiễn. Rất mong đây sẽ là truyền thống của ngành.

Tường Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ