Làng hoa miền Tây tất bật vào xuân

GD&TĐ - Giáp Tết là mùa đẹp nhất ở miền Tây, với điểm nhấn là hàng chục làng trồng hoa kiểng thi nhau khoe sắc. Thị trường hoa Tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay đang sôi động với nhiều sản phẩm mới lạ…

Người dân trang trí vườn hoa thật đẹp để phục vụ du khách. Ảnh: Nguyễn Quốc
Người dân trang trí vườn hoa thật đẹp để phục vụ du khách. Ảnh: Nguyễn Quốc

Vượt qua năm khó khăn

Làng hoa tết miền Tây đẹp nhất từ đầu đến giữa tháng 12 âm lịch. Đến đây du khách sẽ bắt gặp những cánh đồng mênh mông phủ đầy sắc vàng, sắc đỏ của những loài hoa. Vào khoảng rằm tháng Chạp, người dân sẽ bắt đầu mang hoa đến các tỉnh miền Tây và đưa đi TPHCM bán, lượng hoa ở vườn sẽ còn rất ít hoặc có khi hết sạch. 

Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các làng hoa kiểng ở miền Tây lại tất bật để chuẩn bị sản phẩm phục vụ thị trường. Những làng trồng hoa quy mô lớn như Cái Mơn (Bến Tre), Sa Đéc (Đồng Tháp), Bà Bộ (Cần Thơ), Mỹ Tho (Tiền Giang)… đã sẵn sàng cung cấp hàng triệu giỏ hoa kiểng chưng Tết.

Cái Mơn là tên gọi chung cho các xã tập trung trồng nhiều hoa như Vĩnh Thành, Long Thới, Phú Sơn…Theo chia sẻ, năm 2020 làng hoa phải trải qua rất nhiều khó khăn. Trong đó gây thiệt hại nhiều nhất là hạn, mặn và thời tiết thất thường. Cộng thêm tình hình dịch Covid-19 nên người trồng hoa càng khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Văn Sang, ở xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho biết thời điểm hạn mặn, người dân hết sức lo lắng. Vì các loại hoa kiểng sức chống chịu độ mặn và khô hạn không cao. Lúc cao điểm, người dân phải mua 1m3 nước với giá hơn 200 ngàn đồng để tưới hoa kiểng. Nhiều hộ năm nay không trồng hoa tết nữa mà chuyển sang trồng cây giống. Do đó số hoa tết năm nay có sụt giảm so với các năm trước.

Huyện Chợ Lách có hơn 4.000 hộ dân tham gia trồng hoa kiểng, dự kiến Tết Nguyên đán Tân Sửu cung ứng ra thị trường khoảng 17 triệu sản phẩm các loại, trong đó nổi bật như cúc mâm xôi, hoa giấy, quất, mai vàng, cúc tiger, vạn thọ… Ngoài trồng hoa tết, Cái Mơn còn có nhiều hộ gia đình trồng kiểng. Bằng kinh nghiệm và bàn tay tài hoa, những nghệ nhân ở đây đã cho ra đời rất nhiều mô hình kiểng hoa, kiểng lá… với đủ tạo hình rồng, phượng và nhiều con vật thuộc 12 con giáp. 

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ vườn mai ở xã Vĩnh Thành, hiện 1.500 cây mai vàng của ông phát triển tốt. Thương lái đã đến vườn đặt mua với giá tương đương năm trước. “Dù trải qua một năm khó khăn nhưng nhà vườn cố gắng vượt qua. Hy vọng thị trường khởi sắc để sản phẩm hoa kiểng tiếp tục phát triển, người dân gắn bó với nghề”, ông Tuấn chia sẻ.

Bên cạnh hoa truyền thống, người trồng hoa còn sưu tầm nhiều giống hoa mới lạ.
Bên cạnh hoa truyền thống, người trồng hoa còn sưu tầm nhiều giống hoa mới lạ.

Trồng hoa Tết kết hợp làm du lịch

Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) cũng đang tất bật chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán. Mỗi năm, người dân nơi đây cung ứng khoảng 2,5 - 3 triệu giỏ hoa tết. Theo người dân, Sa Đéc có lợi thế không bị ảnh hưởng của hạn, mặn nên hoa kiểng phát triển tươi tốt. Các sản phẩm truyền thống, chủ lực của làng hoa Sa Đéc là cúc mâm xôi, cúc vàng, cúc tiger… Ngoài ra, Sa Đéc còn có các loại hoa mới lạ như cúc họa mi, dạ yến thảo kép, một số loại cúc mới, đồng tiền, lan ý, hoa chuông…

“Năm nay, tình hình dịch bệnh, kinh tế khó khăn nên người trồng hoa cũng lo lắng. Tuy nhiên, bên cạnh số lượng hoa tết như mọi năm thì người dân trồng thêm hoa kiểng phục vụ thị trường. Nhờ đó mà nguồn thu nhập ổn định, đời sống người dân khá hơn…” - ông Trần Văn Tiếp, Chủ nhiệm Hội quán Tôi Yêu Màu Tím, TP Sa Đéc cho biết.

Bên cạnh phục vụ thị trường tết, người dân Sa Đéc còn tận dụng vườn hoa để làm du lịch. Nhờ sự linh động này người trồng hoa có thêm nguồn thu nhập ổn định. Càng gần về những ngày tết Nguyên đán, tại các điểm tham quan, du lịch trong làng hoa Sa Đéc không khí luôn nhộn nhịp. Nhiều vườn hoa kiểng hoàn tất công tác chuẩn bị để đón khách tham quan. 

Ngoài những công trình, tiểu cảnh đã có trước đó như đài ngắm hoa, ngôi nhà úp ngược, cầu thang vô cực, năm nay, nhà vườn còn tìm tòi và sáng tạo thêm nhiều tiểu cảnh mới, độc lạ, màu sắc bắt mắt để thu hút khách tham quan trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 như con tàu Sa Nhiên ship, khinh khí cầu...

Ông Trần Thanh Hải ngụ phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc cho biết, 50% lượng hoa được thương lái tìm đến đặt hàng, còn lại bán cho khách hàng mua lẻ. Trong đó, khách du lịch vừa đến vườn hoa tham quan vừa có thể mua hoa kiểng đem về. Nhờ làm dịch vụ, du lịch kèm với bán hoa kiểng nên thu nhập ổn định. Người trồng hoa cũng luôn làm mới giống hoa và các dịch vụ thu hút du khách.

Nếu như ở làng hoa Chợ Lách thế mạnh trồng cây kiểng, cây giống, thì Sa Đéc nổi trội về hoa với hơn 1.500 chủng loại. Để hỗ trợ nông dân sản xuất hoa kiểng tết, Phòng Kinh tế TP Sa Đéc phối hợp các ngành liên quan hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác giống hoa kiểng sạch bệnh, chất lượng cao. 

Theo người trồng hoa, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tình hình tiêu thụ hoa kiểng chậm hơn, song giá hoa kiểng không giảm nhiều. Hiện nay, tình hình dịch bệnh lắng xuống và dần ổn định, nên dự báo thị trường hoa kiểng sẽ tăng vào dịp cuối năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.