Theo nhiều hộ trồng hoa tại quận Gò Vấp, trước đây, mỗi dịp xuân về, những con đường như Cây Trâm, Phan Huy Ích luôn ngập tràn sắc màu với đủ các loại hoa Tết, nhà nào cũng có từ hàng trăm đến cả ngàn gốc Cúc đại đóa, Cúc bi, Mào gà... luôn sẵn sàng có mặt tại khắp các chợ hoa ở TP.HCM. Bây giờ, chỉ còn ít gia đình là giữ được nghề trồng hoa tết.
Gắn bó với những chậu hoa Tết đã hơn 20 năm, chú Lê Minh Định (Quận Gò Vấp) chia sẻ về cái nghề lắm niềm vui mà cũng nhiều vất vả này: "Trong ký ức của chú, khoảng những năm 80, 90, nơi đây là một vựa hoa lớn nhất nhì ở Sài Gòn. Cứ đến mùa tết, nhà nào cũng tất bật từ sáng đến tối với việc gieo hạt, chăm hoa. Có những nhà, vàng rực với cả héc ta hoa Cúc, nhiều nhà khác lại đỏ thắm với hoa Mào gà, không có gia đình nào là thiếu hoa Tết cả".
Đến bây giờ, cuộc sống thay đổi nhiều, nhiều người đã không còn lưu luyến với cái nghề này nữa, cả năm trời chỉ trông đợi vào vụ hoa Tết, nhiều nhà thiếu kinh nghiệm, không chú ý chăm sóc là mắt trắng ngay. Gọi là làng hoa vì nơi này vẫn còn đẹp trong ký ức của rất nhiều người, chứ thật sự số người giữ được nghề thì còn không nhiều. Lúc làng nhộn nhịp có cả hơn trăm hộ cùng canh tác, đến bây giờ số hộ trồng hoa và giữ nghề chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Nhiều người muốn giữ nghề, giữ nghiệp của gia đình cũng phải chuyển đi các vùng ven thành phố để thuê đất làm, chứ ở vùng trung tâm thế này, giữ được mảnh vườn, mảnh đất để trồng hoa thì khó lắm.
Đa số những người trồng hoa ở mảnh đất Gò Vấp này ngày trước đều đã chuyển về các quận như Thủ Đức và Q.12 để trồng, giảm chi phí thuê đất.
Cứ khoảng vào rằm tháng 8 âm lịch hàng năm, những hộ còn theo nghề trồng hoa tại Gò Vấp lại bắt đầu vào vụ Tết, chuẩn bị chậu, hạt giống và chăm sóc đến tận ngày cây lớn, trổ bông. Những ngày chờ thương lái đến, từng chậu hoa xen kẽ nhau trên cánh đồng rộng hàng mẫu đất, khiến ai đi qua cũng phải nán lại để ngắm vẻ đẹp của "làng" này.
"Năm nay, dịch Covid-19 cũng đánh một đòn nặng vào những người trồng hoa, sức tiêu thụ đã không nhiều, giờ còn phải giảm đi một nửa số hoa trong vườn. Năm ngoái, vườn có hơn 3.000 gốc hoa, đến giờ chú chỉ dám trồng 1.500 gốc, lời thì chẳng được mấy đồng, nhưng mình vẫn không bỏ nó được, thấy nhà người ta gieo hoa, mình lại ngứa ngáy chân tay".
"Mình gắn bó với nghề này, cũng như là cái nghiệp của mình, mình chọn theo đuổi nó, dù có khó khăn, mình vẫn theo, tiền bạc thì không được nhiều nhưng cái mình được nhất là niềm vui và quan trọng hơn hết là mình còn giữ được cái tiếng "Làng hoa" cho nơi đây" - chú Định nói.