“Làng cổ vật” xứ Quảng

Vùng biển thôn Châu Thuận Biển (xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) còn có tên gọi khác là Vũng Tàu. Vùng biển này được người dân nhận định là có rất nhiều tàu cổ bị đắm. Từ lâu, với những gia đình ở sống ở đây, cổ vật đơn giản chỉ là món đồ chơi bày trong tủ kính.

Hầu như nhà nào ở thôn Châu Thuận Biển cũng có tủ trưng bày cổ vật.
Hầu như nhà nào ở thôn Châu Thuận Biển cũng có tủ trưng bày cổ vật.

Cả làng chơi cổ vật

Xung quanh thôn Châu Thuận Biển được bao bọc bởi những cánh đồng cát mênh mông. Một phía tiếp giáp với vùng phố cổ Thu Xà (huyện Tư Nghĩa), còn phía kia tiếp giáp biển. Ở giữa thôn bị biển khoét sâu vào trong nên từ lâu, người dân đã gọi nơi đây là eo biển vũng tàu.

Một điểm riêng ở bờ biển thôn Châu Thuận Biển là có độ dốc khá lớn, giống như bờ vực nên nhiều tàu thuyền vào đây neo đậu mà không sợ mắc cạn.

Theo những người cao niên ở địa phương, vì độ dốc lớn nên từ xa xưa, eo biển vũng tàu đã đón rất nhiều tàu thuyền vào neo đậu, tránh gió bão. Đến bây giờ, cứ mỗi lần biển động, ngư dân xã Bình Châu cũng đưa tàu thuyền vào đây lưu trú.

Đã từ lâu, thôn Châu Thuận Biển không chỉ nổi tiếng là thôn lặn biển cừ khôi nhất Quảng Ngãi, mà còn nổi tiếng là “làng cổ vật” bởi trong tủ nhà nào cũng có bình, lọ, chén, bát gốm sứ với nhiều niên đại khác nhau. Những nơi có tàu cổ đắm trên biển, ngư dân địa phương đều nắm rõ tọa độ, đặc điểm, cổ vật dưới tàu.

Tại nhà anh Nguyễn Văn Dũng (40 tuổi), chiếc tủ kính "đầy nhóc" cổ vật biển. Những chiếc hũ da trâu, những chiếc tô men Cù Lao Chàm, mâm đồng thau…

Nhiều cổ vật là hàng độc mà dân đồ cổ phải thèm muốn. Anh bảo, những người lặn biển ở đây, ai cũng mang về những cổ vật dưới đáy đại dương để trưng bày trong nhà.

“Nếu tính gộp thời gian thì một năm ngư dân thôn Thuận Châu Biển sống vài tháng dưới đáy biển. Vậy nên chúng tôi biết nhiều hang hốc dưới biển sâu.

Trong những chuyến đi khơi lặn biển ấy, ngư dân chúng tôi thường xuyên gặp tàu mấy trăm năm chìm dưới đáy biển. Có rất nhiều cổ vật nhưng chúng tôi chỉ lượm vài thứ mình thích về nhà trang trí chơi”, anh Dũng cho biết.

Ông Nguyễn Giáp (70 tuổi) kể, có khá nhiều ngư dân của ở thôn Châu Thuận Biển đi lặn tôm, cá đã “trúng mánh” cổ vật. Họ quăng lưới đánh bắt thủy sản nhưng khi vớt lên cổ vật lại nằm gọn trong đó.

Năm 2011, trong lúc hành nghề, một ngư dân trong thôn đã vớt được nhiều khúc gỗ lim đen sì của con tàu cổ nổi trên mặt biển cách bờ chỉ vài hải lý mang về làm nhà.

Tiếp xúc nhiều với cổ vật nên dù là những ngư dân bình thường nhưng khi nhắc đến đồ cổ thì ngư dân xã Bình Châu nói vanh vách về xuất xứ từng loại gốm sứ, loại nào có nước men đẹp, loại nào thuộc hàng hiếm, chẳng thua kém chuyên gia cổ vật thực thụ.

Trong căn nhà cấp 4 của mình, ông Trương Văn Đoàn (55 tuổi) trưng bày đầy chén, đĩa, lọ hoa và những đồ gốm sứ do ông sưu tập được trong cả chục năm nhặt nhạnh ở biển.

Đưa chúng tôi xem một chiếc đĩa có đường kính 25cm, tráng men xanh, in hình hoa lá bên trong, ông cho biết đây là đồ gốm Chu Đậu, khoảng cuối thế kỷ XIV.

“Tôi tìm thấy nó cách đây gần 10 năm, trong một lần lặn biển. Đồ gốm sứ kiểu này, rất nhiều người dân làng chài ở các xã Châu Tân, Châu Me, An Hải của huyện đảo Lý Sơn có được nhiều mảnh vỡ, ai may mắn thì sở hữu nguyên vẹn” - Ông Đoàn cho biết.

Chiếc tô men ngọc không còn nguyên vẹn được anh Dũng lưu giữ cẩn thận.

Dấu tích những con tàu

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại eo biển vũng tàu này, người dân đã phát hiện được 3 con tàu cổ bị đắm. Con tàu mới nhất được người dân phát hiện là vào tháng 9/2012. Đến tháng 6/2013, cơ quan chức năng bắt đầu khai quật con tàu.

Theo ông Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, con tàu này có niên đại thế kỷ XIII, cách ngày nay khoảng 700 năm; đồng thời có nhiều yếu tố riêng biệt, nhất là hệ thống bánh lái, vách ngăn chắc chắn, các loại hình hiện vật khai quật, trục vớt được mang lại cho các chuyên gia khảo cổ học trong nước những nhận thức mới về đồ gốm sứ thế kỷ XIII, nhất là loại hình, men, hoa văn trang trí; có mẫu để so sánh, giám định cổ vật của các con tàu đắm khác.

Trước đó, vào năm 1998, sau khi ngư dân phát hiện, lặn tìm một số đồ sứ cổ của con tàu đắm cách bờ biển thôn Châu Thuận Biển chừng 1km, tỉnh Quảng Ngãi phối hợp cùng Xí nghiệp Trục vớt cứu hộ 2 tiến hành khảo sát, tìm thấy số lượng lớn mảnh vỡ đồ sứ bát, đĩa, hũ, bình, chén… thời Minh, triều Tuyên Đức (1426 - 1435), thường gọi là đồ sứ Tuyên Đức, vùi lấp dưới lớp cát, đá và san hô.

Đến tháng 6/1999, các chuyên gia tiếp tục phát hiện nhiều hiện vật gồm đồ đồng, đồ sứ, đồ đá, tiền cổ ghi 4 chữ Hán “Vạn Lịch Thông Bảo” và cả bộ xương ngựa.

Năm 2011, cũng tại vùng biển này, ngư dân tìm thấy tàu cổ chìm bên trong có rất nhiều cổ vật như gốm sứ, gạch lát nền… “Với kết quả khai quật con tàu cổ năm 2013 và những tàng tích trôi dạt, cùng với việc con tàu này nằm cách con tàu cổ khai quật năm 1998 chỉ 200m, chúng tôi nhận định khu vực vùng biển xã Bình Châu còn khá nhiều tàu cổ đắm” - Ông Vũ nhận định.

Người dân ở thôn Châu Thuận Biển cũng cho rằng, vùng biển này không chỉ có 3 con tàu mà có khi đến hàng chục con tàu khác đang nằm sâu trong lòng cát.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Giáp cho rằng: “Ở xã Bình Châu này mỗi chiếc tàu được phát hiện thì cổ vật vớt lên đều kiểu rất riêng, không tàu nào giống tàu nào.

Tuy nhiên, cả vùng biển rộng lớn này thỉnh thoảng người ta vớt lên một nhóm cổ vật khác hẳn, và nhiều lần như thế chứng tỏ ở đây có nhiều con tàu đắm chìm sâu chứ không chỉ 3 chiếc”.

Theo ông Vũ, từ phía bờ cao giáp bãi biển Bình Châu phóng tầm mắt nhìn bao quát từ thôn Ghềnh Cả về Ghềnh Ráng có thể thấy vòng cung dài gần 5km của vịnh biển này hứng trọn chính diện hướng gió mùa đông bắc, thường xuyên đón những đợt sóng lớn từ biển. Hai đầu vịnh lại là hai bãi đá ngầm, đây có thể là một phần nguyên nhân của những chiếc tàu buôn cổ bị chìm.

Ngoài ra, việc phát hiện các hiện vật gốm men nâu có dấu hiệu lửa đốt làm chảy men dính liền nhau thành chồng, các phách gỗ tàu cháy sém cũng là một nguyên nhân khác lý giải một số con tàu đã bị cướp biển đốt cháy.

Chiếc đĩa gốm này được người dân vớt năm 2012, có niên đại thế kỷ XVII.

Nằm trên con đường gốm sứ

Theo các chuyên gia khảo cổ, trong lịch sử vùng biển xã Bình Châu dẫu không phải là thương cảng nhưng là một trong những nơi neo đậu tàu thuyền và địa điểm tụ họp của các nhà buôn phương Đông và phương Tây trước khi thâm nhập vào nội địa để buôn bán. Đây còn là con đường truyền giáo và đường gốm sứ trên biển từ nhiều thế kỷ trước.

“Hàng trăm năm trước, trên con đường thông thương dọc theo bờ biển miền Trung, mỗi khi gặp bão thì các nhà buôn thường ghé vào đây để neo đậu, mua bán, tiếp tế lương thực rồi tiếp tục hành trình. Điều này chứng minh eo biển vũng tàu ngày xưa là một điểm trung chuyển trên con đường gốm sứ, tơ lụa”, ông Vũ nhận định.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, con đường gốm sứ này dựa trên cơ sở phát hiện hàng loạt tàu cổ chở gốm sứ chìm trên vùng biển Đông và biển Đông Nam của Việt Nam.

Từ năm 1990 - 2002, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã tổ chức khai quật 5 con tàu đắm ở Hòn Cau (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 1990), Hòn Dầm (tỉnh Kiên Giang năm 1991), Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam năm 1997), tỉnh Cà Mau (năm 1998) và tỉnh Bình Thuận (năm 2001).

Tất cả 5 con tàu này được xác định là tàu buôn, chở đầy gốm sứ có niên đại từ thế kỷ XIII - XVIII, được sản xuất tại Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

Không chỉ có thế, hàng loạt tàu cổ chứa cổ vật gốm sứ khác cũng được người dân phát hiện và khai thác từ hàng chục năm qua ở bờ biển các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa...

Theo Pháp Luật VN

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Hoàng Thị Hương ân cần với học trò.

'Mầm xuân' ở vùng đất khó

GD&TĐ - Những cô giáo ở Mù Cang Chải (Yên Bái) ngày đêm miệt mài gieo hạt giống tri thức cho những học trò vùng cao gian khó...