Làng “có tiếng, có mùi”

Làng “có tiếng, có mùi”

Nhưng để “biến” tre thành tác phẩm nghệ thuật mang đậm phong cách làng nghề truyền thống thì chỉ có Xuân Lai. 

Tre thử lửa

Xuân Lai vốn là cái tên có từ lâu đời của làng cổ đất Gia Bình, xứ Kinh Bắc. Nằm ven dòng sông Đuống hiền hòa với những bãi đê thoai thoải tre trúc, đây chính là vựa nguyên liệu mà hàng trăm năm nay người Xuân Lai coi là nguồn sống mà tạo hóa ban cho.

Làng “có tiếng, có mùi” ảnh 1
Tre hun khói là cách rất sáng tạo của người Xuân Lai.

Ông Nguyễn Kim Vượng - Chủ tịch UBND xã Xuân Lai, cho hay: “Quê tôi được xem là cái nôi của nghề chế tác tre trúc. Từ xưa, người Xuân Lai đã quen sử dụng các vật dụng bằng tre như bàn ghế, giá sách, tủ, mắc áo, lọ hoa, ốp tường nhà. 

Rồi dần dà, họ phát triển từ nghề truyền thống sang mỹ nghệ, nổi tiếng với các sản phẩm bằng tre trúc như tranh khắc, xe đạp tre, lồng đèn… được nhiều người yêu thích”.

Theo cụ Lê Văn Thiệp, nghệ nhân cao tuổi làng Xuân Lai, trong tâm thức của mỗi người Việt Nam, tre trúc được xem như biểu tượng khí phách đại diện người quân tử, tượng trưng cho ý chí kiên cường và sức sống mãnh liệt của dân tộc. 

Tre cũng là biểu tượng đặc trưng của văn hoá nông thôn, làng xã, là nguồn cảm hứng bất tận của nghệ nhân và có sức lôi cuốn kỳ diệu.

Cụ Thiệp cho rằng, Xuân Lai có tuổi nghề phải vài trăm năm. Đến khoảng cuối thế kỷ 18, từ làng “róc mấu tre”, Xuân Lai chuyển sang nghề làm “tre hun khói” và tự mày mò sáng chế ra các vật dụng dùng trong sinh hoạt như chõng, trường kỷ, dát giường, nong nia, rổ, rá…

Hun khói tre là cách làm chỉ có ở Xuân Lai. Họ cạo lớp vỏ xanh của thân cây tre rồi dùng rơm rạ để hun cho thân tre chuyển sang màu nâu, màu đen, sau đó chẻ ra chế biến thành các sản phẩm tuỳ theo yêu cầu của các loại vật dụng. Với công nghệ hun khói độc nhất vô nhị này, người Xuân Lai đã tạo ra nhiều sản phẩm mới mang phong cách nghệ thuật.

Nghệ nhân Lê Văn Xuyên, hiện là chủ một xưởng sản xuất lớn trong làng cho rằng: Tre thử lửa cũng chẳng khác nào vàng thử lửa. Cái độc đáo khi đem tre hun khói là làm cho vật dụng bền, đẹp, thẩm mỹ hơn. Đồng thời, khi tre được hun khói cũng tạm gọi là “nướng tre” thì lúc nào cũng có mùi thơm tự nhiên rất cuốn hút.

Chính vì thế, nhiều người khi đến Xuân Lai sẽ gọi đây là làng “tre nướng”. Mùi thơm từ các xưởng sản xuất lan tỏa khắp làng. Mùi “tre nướng” rất đặc trưng nhưng khó tả như cách nói của ông Xuyên là “đi đâu rồi cũng nhớ mùi tre nướng”. Và hiển nhiên, nhiều người bảo rằng, Xuân Lai không chỉ là làng nghề có tiếng mà còn có mùi.

Người thử khéo tay

Để tạo được dấu ấn riêng trên mỗi sản phẩm, người dân Xuân Lai đã rất sáng tạo khi tô điểm lên đó chữ song hỷ, đôi chim bồ câu, cảnh vật thiên nhiên hay những bông hoa bằng công nghệ cạo vỏ tre rất điêu luyện. 

Không chỉ sáng tạo trong cách làm tranh, mọi người ở đây, từ già đến trẻ đều được truyền dạy bí quyết nghề tre hun khói.

Làng “có tiếng, có mùi” ảnh 2
Nhờ lửa, nghệ nhân có thể uốn nguyên liệu tùy ý.

Tuy nhiên, theo ông Xuyên không phải ai trong làng cũng làm nghề và càng không phải ai cũng làm được nghề. 

Trong nghề sản xuất tre trúc cũng phân chia ra nhiều thứ hạng. Có người chỉ làm được hàng thô, có người chuyên điêu khắc mỹ nghệ ở mức cầu kỳ.

“Nếu như tre phải thử lửa thì người phải thử xem có khéo tay hay không. Chúng tôi làm nghề nên nhìn cái là biết ngay. Những người muốn làm nghề thì chỉ cần cầm dao róc mấu tre. Người khéo tay sẽ róc nhẵn mà da tre không bị hư hại. Người như vậy, sau sẽ làm nghề ở mức đỉnh cao”, nghệ nhân Lê Văn Xuyên cho hay.

“Hiện nay, thôn Xuân Lai có hơn 840 hộ thì 255 hộ chuyên sản xuất nghề từ tre trúc; 45 gia đình chuyên sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ và chất lượng cao. Làng nghề thu hút trên 500 lao động thường xuyên. Tổng giá trị sản xuất từ nghề tre trúc của thôn ước đạt khoảng 40 tỷ đồng/năm”

Ông Nguyễn Kim Vượng, Chủ tịch UBND xã Xuân Lai

Hiện nay, ở Xuân Lai có hàng chục nghệ nhân, đồng thời là những bậc thầy trong nghề sản xuất tre trúc. Họ thông thạo từ cách chọn tre cho đến cách chế tác. Có những người, chỉ cần nhìn da cây tre là biết tuổi đời, và phán đoán chắc chắn cây tre ấy dùng tốt nhất vào việc gì.

Có những người sành nghề đến mức bịt mắt vẫn sản xuất được sản phẩm hoàn hảo. 

Để được như vậy, họ phải trải qua vài chục năm làm nghề, và bàn tay đã trải qua hàng vạn sản phẩm. Đó là điều lý giải tại sao ở Xuân Lai, những người già cả thì làm việc khó, việc nặng; người trẻ thì làm việc ở mức giản đơn.

“Một người thợ lành nghề phải trải qua ít nhất 10 năm mới có thể làm được tất cả các sản phẩm. Tuy nhiên, cũng tùy thuộc vào sự khéo léo của đôi tay và óc thẩm mỹ mà có sự chênh lệch trong sản phẩm. 

Có những người làm ra cái gì là người ta mua hết ngay, nhưng cũng có người xếp hàng tồn ế mấy năm không bán nổi”, cụ Lê Văn Thiệp bày tỏ.

Sản xuất nội thất từ tre trúc là hướng đi mới của Xuân Lai.
Sản xuất nội thất từ tre trúc là hướng đi mới của Xuân Lai.
Một bức tranh từ nguyên liệu tre hun khói.
Một bức tranh từ nguyên liệu tre hun khói.

Giàu nhờ tre

Ở làng Xuân Lai bây giờ, người ta dễ tìm thấy những vật dụng thường dùng bằng tre như chõng, giường, tủ, trường kỷ, sa lông… đến những đồ trang trí mỹ nghệ tỉ mỉ như tranh vẽ. 

Những bức tranh do nghệ nhân Xuân Lai chế tác, không chỉ mang hồn cốt như họa sĩ vẽ mà còn “gửi” vào tác phẩm tinh thần sống và sáng tạo của người nông dân.

Làng “có tiếng, có mùi” ảnh 5
Xe đạp làm từ tre.

Nhờ sản xuất các mặt hàng tre trúc mà Xuân Lai trở nên giàu có. Từ một làng quê bình thường, giờ đây Xuân Lai đã trở thành làng tỷ phú. 

Nhiều ngôi nhà cao tầng, biệt thự nhà vườn, xe ô tô… được tạo dựng từ chính nghề truyền thống mà cha ông để lại.

Một điều dễ thấy là người Xuân Lai ít phải tha hương. Người già có việc của người già, trẻ nhỏ có việc của trẻ nhỏ. Bởi là nghề truyền thống, lại được thị trường ưa chuộng nên người Xuân Lai lúc nào cũng bận bịu, bất kể mưa nắng, đêm ngày.

Chúng tôi vào một xưởng sản xuất ở giữa làng của nghệ nhân Nguyễn Văn Thành. Bên trong xưởng có hơn chục người thợ đang cần mẫn làm tranh. 

“Làm tranh chứ không phải vẽ tranh. Từ tre hun khói có màu cánh dán, chúng tôi điêu khắc, cạo lớp màu bên ngoài để tạo đường nét của tranh. Đơn giản thế thôi nhưng tranh lại có giá”, ông Thành cho hay.

Ở Xuân Lai, người ta có thể làm bất cứ loại tranh nào, từ dòng truyền thống Đông Hồ, Hàng Trống đến tranh tứ quý, tranh hiện đại, mỹ thuật bụi… Mỗi bức tranh có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng. Thậm chí, có những bức tranh lớn, mức độ phức tạp có giá đến vài chục triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Đình Nam, trưởng thôn Xuân Lai, hiện nay nhiều xưởng sản xuất chuyển hướng làm đồ cao cấp. Những bộ bàn ghế, đồ nội thất, đồ trang trí mỹ nghệ đẹp mắt có giá hàng trăm triệu đồng. Đó là khoản thu nhập rất lớn, giúp cho Xuân Lai duy trì nghề và trở nên giàu có.

“Chúng tôi cũng không thể biết rõ nghề làm tre trúc có từ bao giờ. Ngày xưa, các cụ sản xuất và đem đến các chợ ở khắp các tỉnh thành để bán. Bây giờ mức độ sản xuất theo xu hướng thị trường,đi sâu sản xuất đồ nội thất trang trí. Xuân Lai cũng xuất khẩu vật dụng đi khắp thế giới”. Ông Nguyễn Đình Nam, Trưởng thôn Xuân Lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ