Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam” năm 2023 góp phần lan tỏa tình yêu lịch sử tới đông đảo các thế hệ học trò. Đồng thời, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, tự hào về truyền thống dân tộc trong mỗi người con đất Việt.
Chiều 13/12, Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam” năm 2023 được tổ chức tại Hà Nội.
Dự Lễ tổng kết và trao giải có: Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) Nguyễn Danh Tiên, Tổng Biên tập Báo GD&TĐ Triệu Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) Đặng Khắc Lợi và đại diện các cục, vụ thuộc Bộ GD&ĐT, lãnh đạo một số Sở GD&ĐT...
Bồi dưỡng tinh thần yêu nước
Theo nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo GD&TĐ, Cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam” nhằm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về lịch sử dân tộc, truyền thống dựng nước và giữ nước, đoàn kết dân tộc.
Cạnh đó, cuộc thi còn bồi đắp tinh thần yêu quê hương, tự hào với các tấm gương tiêu biểu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tới giáo viên, sinh viên và học sinh cả nước.
Sau hơn hai tháng triển khai, cuộc thi đã thu hút rất nhiều tác giả, từ các em học sinh, sinh viên, cho đến giáo viên, phụ huynh, người cao tuổi. “Có thể thấy số lượng tác phẩm dự thi đã phản ánh sự lan tỏa cũng như sức hút, quan tâm của đông đảo độc giả và các tầng lớp nhân dân đến với lịch sử nước nhà, nâng cao niềm tự hào dân tộc”, nhà báo Triệu Ngọc Lâm đánh giá.
Theo ông Triệu Ngọc Lâm, các tác giả không chỉ dày công nghiên cứu, đầu tư vào nội dung tác phẩm mà còn trình bày sáng tạo theo các cách thức mới mẻ, lồng ghép hình ảnh và clip công phu, sinh động. Ban Giám khảo đã làm việc hết sức kỹ càng và công tâm để chọn ra những tác phẩm tiêu biểu, đáp ứng đúng thể lệ, tiêu chí của cuộc thi.
Còn PGS.TS Nguyễn Danh Tiên - Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, dưới góc nhìn của những người chấm giải, ông rất trân trọng những đóng góp, nỗ lực của các thầy cô giáo cũng như các học sinh, sinh viên. Ông Tiên nhấn mạnh, Chủ nghĩa yêu nước là truyền thống quý báu giúp các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ bồi đắp lòng yêu nước, ý thức tự tôn, tự trọng, tự cường dân tộc.
“Những người tham gia cuộc thi này đã khắc họa được khát vọng giành độc lập và giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tôi hy vọng thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục viết tiếp một trang sử mới, đó là xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc”, PGS.TS Nguyễn Danh Tiên nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Danh Tiên mong muốn, Báo GD&TĐ cũng như các bộ, ngành nhân rộng, giúp cuộc thi lan toả hơn, đồng thời tiếp tục lan toả tới cả những người Việt Nam đang sinh sống, học tập ở nước ngoài.
Vinh danh “Hành quân theo bước chân những người anh hùng”
Ban Tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam” năm 2023 đã nhận được gần 22.000 tác phẩm. Trong đó, 178 tác phẩm vào vòng Sơ khảo và 21 tác phẩm vào vòng Chung khảo.
Ban Tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 6 giải Khuyến khích, 2 giải tập thể và 2 giải thưởng phụ. Nhiều Sở GD&ĐT tham gia với số lượng lớn bài thi của giáo viên và học sinh như: Bắc Kạn, Hòa Bình, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Phú Thọ, Nghệ An, Hậu Giang, Cần Thơ…
Tác giả Nguyễn Thị Thiên Sinh, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bắc Kạn với tác phẩm “Hành quân theo bước chân những người anh hùng” bày tỏ, rất vui và hạnh phúc khi được Ban Tổ chức trao giải Nhất.
Cô Sinh chia sẻ, “đứa con tinh thần này” được vun đắp bằng sự cố gắng cùng niềm đam mê với lịch sử và lòng yêu nước. Tất cả hòa quyện, biến ý tưởng thành tác phẩm hoàn chỉnh.
Theo cô Sinh, cuộc thi không chỉ giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc mà còn khơi dậy tình yêu với thiên nhiên, con người đất nước Việt Nam và truyền thống anh dũng của cha ông ta.
Cô Sinh cho biết thêm, nội dung tác phẩm dự thi thể hiện tình yêu lịch sử của bản thân, sự tri ân các thế hệ cha ông đi trước đã hi sinh xương máu bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Cùng với cảm xúc trên, cô Nguyễn Thị Chuyền - giáo viên Trường THCS Thị trấn Nhã Nam (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) đạt giải Nhì cuộc thi chia sẻ, bản thân vinh dự là một trong những tác giả có tác phẩm đạt giải.
“Tác phẩm của tôi được viết dưới dạng bài viết tay theo bố cục giới thiệu về truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam và những hoạt động giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh tại Trường THCS Thị trấn Nhã Nam đã và đang thực hiện, đem lại hiệu quả tốt...”, cô Chuyền nói.
Cũng theo cô Chuyền, cuộc thi đã lan tỏa thông điệp học sinh tích cực tìm hiểu về lịch sử dân tộc cũng như lan tỏa niềm vinh dự, sự tự hào là người dân Việt Nam. Đồng thời, qua cuộc thi này, chính các giáo viên cũng được gợi lên lòng nhiệt huyết truyền đạt niềm yêu môn Lịch sử cũng như các giá trị tự hào của dân tộc cho học sinh.
“Lịch sử hàng nghìn năm hào hùng của dân tộc Việt Nam luôn gắn với các cuộc chiến tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc. Lòng yêu quê hương đất nước cùng niềm tự hào dân tộc như sức mạnh nội sinh không bao giờ vơi cạn, bồi dưỡng thắm đượm cho thế hệ trẻ.
Vì vậy, việc giáo dục lịch sử trong các nhà trường sẽ góp phần hình thành nhân cách, bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp cho học sinh. Từ đó, các em hoàn thiện đức, trí, thể, mỹ theo đúng mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông”, cô Chuyền nói.
* Thông tin chi tiết về lễ trao giải, danh sách tác giả đoạt giải, xem trên giaoducthoidai.vn.