Như anh, người chiến sĩ ấy!

Như anh, người chiến sĩ ấy!

Chúng tôi hát để cho những thế hệ mai sau không quên lịch sử dân tộc, không quên quá khứ, không quên những con người đã hi sinh xương máu bảo vệ quê hương, đất nước. Hát để nhắc nhở mọi người rằng, chiến tranh đã qua rồi nhưng vẫn còn đó những nỗi đau, còn đó những tấm lòng người mẹ Việt Nam đang ngày ngày khắc khoải khôn nguôi...

Chiến tranh đã lùi xa hơn 45 năm nhưng người chiến sĩ từng để lại một phần máu thịt của mình cho cuộc sống hòa bình và độc lập dân tộc hôm nay vẫn không ngừng cống hiến cho đất nước. Nêu cao tinh thần của người bộ đội trong thời bình, thương binh nặng Trần Mạnh Tuấn và những đồng đội tiếp tục đóng góp cho đất nước, cho quê hương trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần "thương binh, tàn nhưng không phế".

Tàn nhưng không phế

Như anh, người chiến sĩ ấy! ảnh 1
Thương binh Trần Mạnh Tuấn kể về những tấm huân, huy chương của mình. 

Tôi đến thăm cựu chiến binh, thương binh nặng Trần Mạnh Tuấn tại nhà riêng của anh ở phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội vào một ngày tháng 7 nắng như đổ lửa. Trái ngược với thân thể và tâm hồn chứa đầy những vết tích chiến tranh, người thương binh dáng vẻ gầy gò ấy xuất hiện trước mắt tôi bình dị mà tràn đầy sức sống và nụ cười hiền hậu trên môi.

Trên chiếc xe lăn trong ngôi nhà tập thể ngăn nắp, giản dị, thương binh Trần Mạnh Tuấn di chuyển tới mọi ngóc ngách của ngôi nhà. Anh tự tay chuẩn bị nước mời khách, tự tay lấy những món kỷ vật chiến tranh, những huân - huy chương mà anh được trao tặng trong thời chiến và những huy chương giành được trong thời bình. Anh bày tất cả ra trước tôi, kể về từng cái một, rành rẽ và đầy cảm xúc. 

Những tấm huy chương bắn súng, đua xe lăn trong các kỳ Paragame, thế vận hội thể thao dành cho người khuyết tật tổ chức tại Thái Lan, Việt Nam hay Paralympic games năm 2004… của người thương binh ấy nhiều hơn cả những huân - huy chương anh được Nhà nước trao tặng cho những chiến công trong thời chiến.

Cựu binh Trần Mạnh Tuấn nhập ngũ năm 1971, năm nay đã ở tuổi 67. Anh đóng quân tại Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 Đông Nam Bộ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Năm 1974, theo đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn người trai gốc Hà Nội đã để lại 96% sức khỏe nơi chiến trường Bến Cát (Bình Dương), Phước Long (Bình Phước) với những viết thương trong não, tủy sống và đôi chân không còn nguyên vẹn. 

Bị thương, anh được luân chuyển về các trại điều dưỡng thương binh sau đó điều trị tại Viện 27/7 (Cục Quân y). Sau gần 10 năm điều trị mới ngồi được và hồi phục 85% trí nhớ. Những ngày trái gió trở trời, vết thương cũ lại hành hạ anh... nhức nhối...

Cô Hồ Thị Phương, vợ của thương binh Trần Mạnh Tuấn, kể: Sau hơn 10 năm điều trị, điều dưỡng qua hầu khắp các bệnh viện quân y, các trung tâm điều dưỡng thương binh nặng đến năm 1990 anh mới được về với gia đình. Việc tái hòa nhập vào cuộc sống thực sự, cuộc sống trong nền hòa bình do chính anh hi sinh xương máu để gìn giữ, tạo nên mới đầu cũng không hề dễ dàng. 

Những cơn đau từ những vết thương luôn nhức nhối... Sức khỏe có hạn khiến anh làm việc gì cũng khó... Thế nhưng, là anh bộ đội Cụ Hồ, từng được tôi rèn qua thử thách, gian khổ chiến tranh, nêu cao tinh thần "thương binh tàn nhưng không phế", anh Tuấn kiên trì tập luyện, phấn đấu làm việc.

Từ những nỗ lực ấy, anh tiếp tục có những cống hiến cho đất nước, cho xã hội từ phần sức khỏe còn lại của mình. Anh từng tham gia và giành nhiều huy chương ở các cuộc thi thể thao cho người khuyết tật cả ở trong nước và quốc tế. Tham gia công tác quản lý, điều hành tại Công ty TNHH Hòa Bình, trước có tên gọi là Công ty Thương binh nặng Hòa Bình. Anh vẫn tham gia hoạt động biểu diễn văn nghệ cùng các đồng đội tại Câu lạc bộ Ca khúc Đồng Đội, đặc biệt là trong những ngày kỷ niệm quan trọng của người lính, ngày thống nhất đất nước...

Thương binh Trần Mạnh Tuấn trong buổi tập chương trình nghệ thuật kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sĩ 27/7.

"Đồng đội ơi tôi nhớ"...

Như anh, người chiến sĩ ấy! ảnh 4
Anh Trần Mạnh Tuấn trong cuộc sống thường nhật.

Trên đường cùng anh đến một buổi tập văn nghệ của những cựu chiến binh, thương binh Câu lạc bộ Ca khúc Đồng Đội để "tận mục sở thị". Nhìn người thương binh Trần Mạnh Tuấn cất cao giọng hát trên chiếc xe lăn, cùng những người đồng đội là cựu chiến binh, thương binh miệt mài tập luyện chuẩn bị cho buổi biểu diễn chương trình kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ sắp tới mà tôi không khỏi xúc động. Các anh, các chị ai cũng mang trên mình những vết tích chiến tranh. Nhiều thành viên lên sân khấu trên chiếc xe lăn, nhiều anh chị là thương binh hạng đặc biệt. Vậy nhưng, họ vẫn tập hăng say với tâm hồn tràn đầy nhiệt huyết, nhiệt huyết từ thời trai trẻ oai hùng.

Thương binh Trần Mạnh Tuấn tâm sự: "Những chiến sĩ, thương binh như chúng tôi chỉ ao ước một điều, không phải cho bản thân mình mà cho những người đồng đội đã ngã xuống. Những người chiến sỹ ấy khi cha mẹ sinh ra có tên, có tuổi. Vậy mà bây giờ trên tấm bia đá chỉ vẻn vẹn hai chữ: Vô danh. Các anh không có tên và mãi mãi vẫn ở tuổi đôi mươi. Đất nước đã hòa bình rồi, chúng tôi ước sao không còn những bà mẹ già vẫn khắc khoải tìm kiếm con mình, không biết các anh đã nằm xuống ở nơi đâu, các anh có tên có tuổi hay không? Vì thế mà những người lính thương binh chúng tôi vẫn hát, hát lên những ca khúc của tình đồng đội, của những người chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ".

Anh Tuấn bảo, anh và thành viên Câu lạc bộ Ca khúc Đồng Đội là những người chiến sĩ còn sống trở về, dẫu lành lặn hay trên mình mang thương tích thì vẫn "còn sống trở về". Cũng bởi vì thế, vì tri ân cuộc sống, tri ân đồng đội mà: "Chúng tôi hát lên những tâm tư, tình cảm dành cho những người đồng đội đã nằm xuống trên khắp các chiến trường, những người chiến sĩ đã ngã xuống, đã hi sinh cho mảnh đất này… Chúng tôi hát để cho những thế hệ mai sau không quên lịch sử dân tộc, không quên quá khứ, không quên những con người đã hi sinh xương máu bảo vệ quê hương, đất nước. Hát để nhắc nhở mọi người rằng, chiến tranh đã qua rồi nhưng vẫn còn đó những nỗi đau, còn đó những tấm lòng người mẹ Việt Nam đang ngày ngày khắc khoải khôn nguôi"...

Anh Tuấn cho biết, đã thành thông lệ, tháng 7 này, Câu lạc bộ Ca khúc Đồng Đội lại nhận "nhiệm vụ" vào lại chiến trường xưa, bên bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị), nơi bến sông từng nhuộm đỏ bởi bao nhiêu máu xương đồng đội, nơi đã trở thành một nghĩa trang liệt sĩ đặc biệt và duy nhất trên khắp cả nước - nghĩa trang không có mộ. 

Nơi đây, hàng năm, người đến tri ân, tưởng nhớ sẽ thả những thuyền hoa cho các liệt sĩ vô danh xuống bến sông xưa. Các anh, chị sẽ đi viếng những người đồng đội ở Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9… Họ sẽ hát cho những người dưới mộ, cho những người mẹ, người chị, người em, cho những thân nhân của những người đồng đội không thể trở về. Để tưởng nhớ, để không quên các anh, những người đã ngã xuống. Để vơi đi những nỗi niềm của người còn sống.

"Đồng đội ơi tôi nhớ, chiến tranh qua lâu rồi, lòng vẫn thầm thì gọi, đồng đội đồng đội ơi…..". Lời ca khúc "Đồng đội ơi" cất lên như lời nhắn nhủ của các anh, các chị đến với những thế hệ mai sau, như lời Bác Hồ đã dặn: "Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả những khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta".

Còn tôi, khi chia tay anh, trong tôi cứ ngân nga những câu hát của ca khúc "Người chiến sĩ ấy": "Người chiến sĩ ấy! Ai đã gặp anh không thể nào quên.../Bao nhiều năm trường trên đường cách mạng/Anh vẫn đi đi mãi không ngừng/Như cánh chim trời không biết mỏi/Mỗi bước đi biết mấy gian nan/... Như anh người chiến sĩ ấy"...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.