Thực tế, bằng hành động thiết thực, vẫn còn rất nhiều người âm thầm chung sức cùng cộng đồng với việc làm khác nhau. Trước tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế, nhờ có sẵn nghề may, chị Nguyễn Thị Kim Hằng (ngụ ở phường Bình Khánh, TP Long Xuyên) đã nghiên cứu, thiết kế nhiều mẫu khẩu trang vải.
Sau khi tham khảo và được nhiều người đánh giá cao, chị vận động bạn bè cùng dành ngày cuối tuần tập trung tại nhà may khẩu trang để tặng miễn phí cho người dân. Trong đó, khẩu trang người lớn được may 3 lớp vải, khẩu trang trẻ em may 4 lớp vải, nguyên liệu do chị tự mua, những người còn lại góp công. Khởi động việc thiện nguyện ngày 8/3, buổi đầu tiên nhóm của chị Hằng đã hoàn thiện hơn 100 cái khẩu trang.
“Do không có thời gian nên ai đến phụ tiếp được thì đến, sau đó sẽ duy trì hàng tuần, tùy theo điều kiện của mọi người và tình hình dịch bệnh rồi tính tiếp” - chị Hằng cho biết. Không thuận tiện đi lại vì đôi chân bị tật, cô thợ may tốt bụng bố trí sẵn giỏ khẩu trang vải trước nhà kèm bảng thông báo cho miễn phí. Ngoài người dân nhận trực tiếp, hiện đã có một số cá nhân liên hệ chị Hằng xin thêm số lượng để tặng trong cộng đồng.
Nghiên cứu chiết xuất từ trái chúc vùng Bảy Núi thành tinh dầu, những ngày qua, Công ty TNHH tinh dầu chúc Yến Hương Vina (Tri Tôn) còn khẩn trương cho ra đời nước rửa tay hương chúc. Với sản phẩm này, công ty tặng miễn phí 500 chai nước rửa tay diệt khuẩn dạng khô và ướt hiệu Bergamot cho người dân và học sinh trên địa bàn huyện.
Trong tháng thanh niên 2020 của tuổi trẻ cả nước, với chủ đề “Thanh niên Việt Nam tình nguyện, sáng tạo vì cộng đồng”, Trung ương Đoàn yêu cầu hoạt động đảm bảo thiết thực, hiệu quả, bám sát chương trình công tác năm, có tính hành động cao, phù hợp hoạt động và nhu cầu của địa phương.
Trung ương Đoàn cũng quyết định không tổ chức lễ ra quân Tháng thanh niên năm 2020 cấp toàn quốc như kế hoạch trước đó. Thay vào đó, các tỉnh, thành đoàn tổ chức Tháng thanh niên gắn liền với phòng chống dịch Covid-19.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cũng như nhiều tỉnh, thành trên cả nước, tỉnh Yên Bái đã phải cho HS nghỉ học kéo dài để phòng dịch. Trong thời gian này, các trường trên địa bàn tỉnh đã hướng dẫn HS học tập online qua các ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, đối với những trường học vùng sâu vùng xa, các trường nội trú, bán trú còn khó khăn về cơ sở vật chất, gia đình các em chưa có điều kiện để sử dụng các ứng dụng thông minh, nên nhà trường rất khó khăn trong việc giao bài tập về nhà cho HS.
Trước tình hình đó, Tỉnh đoàn Yên Bái đã có sáng kiến phối hợp với Sở GD&ĐT ban hành kế hoạch hỗ trợ học sinh học tập trong thời gian tạm nghỉ học. Theo đó, đối với những HS ở nơi không có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin, giáo viên sẽ ra bài tập, photo, lập danh sách học sinh theo thôn, bản; các trường phối hợp với Đoàn xã tại địa phương chuyển trực tiếp bài tập đến từng học sinh 1 lần/tuần.
Theo anh Lại Phương Tuyến (chuyên viên Tỉnh đoàn Yên Bái), ngay sau khi kế hoạch được triển khai, các huyện, thị, thành Đoàn đã khẩn trương thành lập đội thanh niên tình nguyện, cùng giáo viên của các trường hằng tuần mang bài tập phát đến tận tay các em học sinh. Công việc này được triển khai từ ngày 21/2 và sẽ duy trì cho đến khi học sinh quay trở lại trường học.
Tất cả mọi người cần trang bị kỹ năng rửa tay đúng cách. |
Nhiều chủ phòng trọ, nhà trọ đã thông báo giảm giá tiền phòng trong mùa dịch Covid-19. Thu Hương, SV năm thứ 2 (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) thuê phòng tại khu trọ nằm ngay cạnh trường ở quận Thủ Đức. Vẫn đang trong những ngày nghỉ để phòng dịch Covid-19, từ quê nhà ở Bình Dương, Hương được chủ trọ thông báo qua Zalo: “Tháng 3/2020, tiền phòng trọ giảm 50% cho tất cả các phòng. Các bạn chuyển khoản hay đóng trực tiếp cũng được”.
Một khu trọ khác nằm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh, TPHCM) cũng dán ngay bảng thông báo tại cửa thang máy: Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ký túc xá Xô Viết Nghệ Tĩnh sẽ hỗ trợ các bạn sinh viên theo các mức sau: Nếu các bạn đi học lại vào ngày 15/3 được miễn phí nửa tháng tiền phòng. Còn các bạn được nghỉ học đến hết tháng 3 thì các bạn sẽ được miễn phí tiền phòng 1 tháng (trong tháng 3).
Bên cạnh đó còn là những hành động tích cực khác như phát khẩu trang miễn phí, “giải cứu” nông sản cho bà con khi bị tắc biên… xã hội đã và đang lan tỏa những làn sóng đẹp giữa mùa dịch.
1. Rửa tay
Đây là lưu ý hàng đầu và được nhiều chuyên gia coi là quan trọng nhất trong dịch Covid-19. Tốt nhất, hãy rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch. Trong khi rửa tay, bạn phải lưu ý thời gian chà xà phòng tối thiểu là 20 giây, và phải chà tất cả bề mặt trên bàn tay bao gồm lòng bàn tay, mu bàn tay, kẽ ngón tay, móng tay và cổ tay. Khi bạn phải ở ngoài đường hay đến các khu vực công cộng, không phải ở đâu cũng có sẵn xà phòng và nước sạch. Do vậy, trang bị cho mình một chai nước rửa tay gốc cồn là điều cần thiết trong dịch Covid-19.
2. Hạn chế bắt tay, chạm tay lên mặt
Bắt tay là một hành vi thể hiện sự lịch sự và tôn trọng. Bạn có thể xem xét bắt tay một ai đó khi họ không có nguy cơ dịch tễ (không đi về từ vùng dịch, không có biểu hiện sốt, ho, khó thở). Tuy nhiên, tốt nhất vẫn nên hạn chế. Hạn chế tối đa việc chạm tay lên mặt. Đó là một thói quen vô thức và rất khó bỏ. Tuy nhiên, bạn hãy hạn chế đến mức tối đa có thể.
3. Đeo khẩu trang
Khẩu trang có tác dụng phòng ngừa dịch bệnh khi bạn đeo nó đúng cách và đúng thời điểm. Đeo khẩu trang đúng là phải đeo kín khít khuôn mặt, che được toàn bộ mũi và miệng. Các thời điểm cần đeo khẩu trang là khi: Bản thân bạn có triệu chứng sốt, ho, hắt hơi; phải chăm sóc một người thân trong nhà có các triệu chứng Covid-19; ở chung phòng, trong một không gian nhỏ hoặc tiếp xúc gần dưới 2 mét với một người mà bạn nghi rằng họ nhiễm bệnh.
4. Sử dụng nhà vệ sinh
Dịch Covid-19 là thời điểm mà các nhà vệ sinh công cộng, nhất là ở các tòa nhà nên để mở chốt cửa luôn luôn. Điều này cho phép mọi người sử dụng chân để đẩy cửa vào, thay vì chạm vào nắm đấm cửa và phải xoay nó. Nếu phải sử dụng tay nắm cửa, nên dùng giấy vệ sinh lau tay nắm trước khi cầm.
5. Vệ sinh điện thoại
Điện thoại di động có lẽ là bề mặt mà bạn chạm vào nhiều nhất trong ngày, cũng là nơi có khả năng lưu giữ virus rất lâu. Bởi vậy, hãy vệ sinh điện thoại của bạn ít nhất một lần mỗi ngày.
6. Sử dụng khẩu trang tiết kiệm, đừng tích trữ
Một số bác sĩ đã phải kêu gọi người dân ngừng mua tích trữ khẩu trang và sử dụng chúng trong các trường hợp không cần thiết. Điều này có thể tạo ra sự khan hiếm, khiến những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất không có khẩu trang để sử dụng.
7. Không nên dự trữ quá nhiều thực phẩm
Tại Việt Nam, việc dự trữ thực phẩm không được khuyến cáo vì có thể gây ra sự hoảng loạn không cần thiết. Tập trung quá đông người ở các siêu thị cũng là một điều kiện làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
8. Tránh đi du lịch, tự cách ly khi quay trở về
Không nên đi du lịch tới các địa điểm được coi là vùng dịch và Covid-19 đang lây lan. Nếu bắt buộc phải đi, hoặc phải đi công tác, bạn nên tuân thủ đúng các biện pháp vệ sinh, tự bảo vệ bản thân và khai báo y tế trung thực tại các điểm đến và khi bạn quay trở về nhà. Nếu đi về từ vùng dịch, hãy tự cách ly và tìm sự hỗ trợ từ phía cơ quan y tế.
9. Hãy ở nhà khi có thể
Những người già, người mắc bệnh nền có nguy cơ tử vong cao trong dịch Covid-19 hãy ở trong nhà khi có thể. Các doanh nghiệp, trường học, tổ chức có thể xem xét áp dụng các hình thức học tập và làm việc từ xa.
10. Khi nào cần đi khám?
Nếu đi về từ vùng có dịch, bạn cần khai báo y tế hết sức trung thực ngay từ khi nhập cảnh để có được sự hỗ trợ y tế tốt nhất. Sự không trung thực của bản thân bạn có thể ảnh hưởng đến chính gia đình bạn, những người thân xung quanh mà bạn tiếp xúc và cả xã hội. Những người không đi về từ vùng dịch, không có yếu tố dịch tễ nhưng có biểu hiện cúm, sốt, ho nên tự cách ly tại nhà và gọi đường dây nóng khi có triệu chứng khó thở nặng.