“Lán tác chiến” độc đáo ở Sơn La

GD&TĐ - Rạng sáng, người dân Phiêng Khàng đã có mặt ở nhà ông Xỏm trưởng bản. Họ theo chân ông vào rừng, chọn những cây tre to, chắc, khỏe nhất mang về.

Những chiếc “lán tác chiến” được hình thành nhanh chóng ở khu cách ly của bản Phiêng Khàng.
Những chiếc “lán tác chiến” được hình thành nhanh chóng ở khu cách ly của bản Phiêng Khàng.

Hôm nay, cả bản tính sẽ dựng “khu cách ly” để sẵn sàng đón những người con Phiêng Khàng xa xứ trở về…

Mỗi bản xây dựng một khu cách ly dự phòng

Dù trên địa bàn xã Phiêng Pằn chưa có trường hợp đi làm ăn xa trở về. Nhưng khi có chủ trương từ huyện Mai Sơn, dân bản Phiêng Khàng đã hăng hái tiên phong. Họ chủ động dựng lên các căn lều tạm để làm “khu cách ly” tập trung, sẵn sàng đón lao động địa phương trở về.

Hôm nghe phát động mỗi bản xây dựng một “khu cách ly” dự phòng để giảm áp lực cho địa phương khi đang khó khăn về cơ sở vật chất, ông Vì Văn Xỏm - Trưởng bản Phiêng Khàng cũng thấy lo âu. Tiếng là trưởng bản mà không lo được việc này thì kể cũng ái ngại với bà con. Nghĩ vậy, ông Xỏm nhắn nhủ các hộ trong bản buổi tối ăn cơm sớm, đại diện các hộ lên nhà văn hóa “họp khẩn”.

Nghe ông Xỏm thông báo: Bản mình chuẩn bị dựng khu cách ly, đón những người đi làm ăn xa về, dân bản Phiêng Khàng đều nhất trí, đồng tình ủng hộ. Khi ý tưởng được thông qua, các hộ sẵn sàng bỏ công, bỏ việc nương rẫy ra để đi làm. “Kẻ góp của”, người góp công, cứ thế mà “khu cách ly” đơn sơ sớm hình thành.

Theo sự phân công của trưởng bản, mỗi hộ cắt cử một người đóng góp ngày công. Trong quá trình làm việc sẽ phân theo tổ, mỗi tổ từ 15 - 20 người. Họ làm từng lán một theo hình thức cuốn chiếu. Tổ nào xong sớm sẽ hỗ trợ những nơi còn dang dở. Dù đêm đã khuya nhưng mọi người vẫn ở lại phân chia công việc, chuẩn bị sớm mai bắt tay vào thực hiện tiếp.

Tang tảng sáng, ông Xỏm cùng một số thành viên đã được phân công mang theo “đồ nghề” vào rừng kiếm tre, tìm cột. Trước khi đi, ông cũng không quên dặn vợ con ở nhà: “Hôm nay không đi nương nữa mà đến nơi xây dựng khu cách ly giúp được cái gì             thì giúp”.

Giờ hẹn đã đến, chẳng ai bảo ai, mọi nhà có mặt đông đủ ở địa điểm dự kiến dựng lán. Có hộ còn mang thêm cả bạt che, dây thép từ nhà đi để đóng góp. Giữa cái nắng gay gắt ngày cuối Hè, ai ai cũng hăng say lao động, chẳng kịp nghỉ ngơi.

Ông Vì Văn Xỏm – Trưởng bản Phiêng Khàng chia sẻ: “Tre chúng tôi đi lấy ở rừng. Bạt, dây thép nhà nào có thì mang đi không có thì cùng góp tiền để mua. Mỗi hộ từ 10 – 20 nghìn đồng, chỉ cần mọi người cùng đóng góp là đủ tiền mua nguyên liệu. Dù phải huy động cả về kinh tế nhưng bà con đều rất ủng hộ công việc chung của toàn xã”.

“Tôi huy động mỗi hộ một người tham gia, cũng có hộ cả gia đình cùng đi giúp đỡ. Như nhà tôi có cả vợ và con cũng đi cùng. Có mấy anh bộ đội Biên phòng cũng đến giúp đỡ nữa. Đông người, đông sức, 2 ngày là chúng tôi đã làm được 10 lán rồi”, ông Xỏm vui vẻ nói.

Bộ đội Biên phòng đóng chân trên địa bàn hỗ trợ dân bản xây dựng khu cách ly. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bộ đội Biên phòng đóng chân trên địa bàn hỗ trợ dân bản xây dựng khu cách ly. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giảm áp lực cho chính quyền sở tại…

Những chiếc “lán tác chiến” được dựng lên như thế từ chủ trương của huyện ủy và UBND huyện Mai Sơn. Mục tiêu nhằm giảm áp lực khi khu cách ly của huyện quá tải. Từ chủ trương trên, các xã đã chủ động làm lán trại hoặc tìm các địa điểm phù hợp để làm khu cách ly. Xã Phiêng Pằn là một trong những nơi đầu tiên của huyện Mai Sơn triển khai xây dựng khu cách ly tập trung “kiểu mẫu”.

Theo thống kê, toàn xã có 217 người đang làm việc ở một số tỉnh như: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên. Trong 1 tháng vừa qua, trên địa bàn không có người đi từ nơi khác trở về. Tuy vậy, xã đã lên kế hoạch sẵn sàng ứng phó với tình huống khi có hàng trăm người lao động cùng trở về địa phương để tránh dịch.

Bà Lò Thị Phiên, Chủ tịch UBND xã Phiêng Pằn cho biết: “Chúng tôi đã thành lập tổ Covid-19 cộng đồng tại các bản để kiểm tra chặt chẽ người ra vào địa bàn. Hạn chế tình trạng những người từ nơi khác trở về mà không khai báo. Đồng thời, các tổ cũng rà soát những hộ không đủ điều kiện cách ly tại nhà. Trong trường hợp này, người thân của họ trở về sẽ phải cách ly tập trung”.

“Chúng tôi đã triển khai mô hình xây dựng khu cách ly ở từng bản. Phiêng Khàng là nơi chúng tôi thí điểm. Dự kiến, mỗi bản sẽ có từ 5 – 10 lán. Mỗi lán sẽ được 1 – 2 người. Các lán đều được lắp đặt điện, nước và có nhà vệ sinh riêng biệt, bảo đảm công tác an toàn phòng chống dịch và sinh hoạt cho người cách ly”, bà Phiên cho biết thêm.

Theo kịch bản đưa ra, khi có người thực hiện cách ly tại các bản, gia đình có người thân ở “khu cách ly” sẽ lo nhu yếu phẩm cho người nhà.

Quá trình vận chuyển nhu yếu phẩm giữa người nhà và người bị cách ly sẽ chuyển tiếp qua khâu trung gian, đó là thành viên tổ Covid-19 của bản. Thành viên tổ sẽ tiếp nhận đồ ăn rồi chuyển tiếp đến người trong khu cách ly.

Điều này sẽ hạn chế nguy cơ lây nhiễm nếu có dịch bệnh xảy ra. Đặc biệt, góp phần giảm áp lực cho chính quyền địa phương khi phải lo kinh phí cũng như cơ sở vật chất trong điều kiện khó khăn như hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quân đội Israel khiến Gaza đổ nát.

Chiến tranh thế giới thu nhỏ

GD&TĐ - Chưa từng có về quy mô và thời gian, cuộc chiến tranh hỗn hợp Israel-Hamas có thể dễ dàng leo thang thành 'Chiến tranh thế giới thu nhỏ'.