Những nội dung cần nắm vững
Lưu ý đầu tiên của thầy Nguyễn Đức Thắng là thí sinh cần học thật vững khái niệm, nhớ các tính chất đã học trên lớp. Đặc biệt là các công thức: Thể tích các khối đa diện, các khối tròn xoay, diện tích hình tròn xoay (Hình nón, hình trụ, hình cầu); công thức liên quan đến mũ và lôgarit; cùng với đó, cần vững các tính chất tích phân, phép toán số phức.
35 câu đầu tiên của đề tham khảo chủ yếu là các nội dung nằm trong chương trình học kỳ1 của lớp 12, học sinh cần luyện tập thật kĩ. Những nội dung thuộc chương trình học kỳ 2 nên ôn các dạng toán ở mức độ 1 và 2.
Cũng theo thầy Thắng, với những nội dung thuộc chương trình lớp 11, học sinh nên ôn tập lại các khái niệm: Phương trình lượng giác cơ bản; Quy tắc đếm, hoán vị, chỉnh hợp, tổ hợp, cấp số cộng, cấp số nhân. Đặc biệt là những bài toán liên quan đến phép đếm và xác suất.
Đồng thời, luyện tập kĩ năng xác định và tính góc giữa đường thẳng và mặt phẳng, góc giữa hai mặt phẳng và bài toán liên quan đến khoảng cách: Từ một điểm đến một mặt phẳng, khoảng cách giữa hai đường thẳng chéo nhau.
Đối với chương trình lớp 12, học sinh cần rèn luyện kĩ năng đọc bảng biên thiên, đọc đồ thị hàm số. Nắm vững các nội dung: các tính chất đặc trưng của hàm số (cực trị của hàm đa thức bậc 4 trùng phương; cực trị và đơn điệu của hàm đa thức bậc 3; bài toán liên quan đến khoảng cách và tiệm cận của hàm phân thức bậc 1/bậc 1); khái niệm và tính chất mũ và lôgarit; phương trình và bất phương trình mũ và lôgarit dạng đơn giản; phương pháp đặt ẩn phụ trong giải phương trình mũ và lôgarit; phương pháp đổi biến, phương pháp tích phân từng phần; công thức liên quan đến ứng dụng tích phân; số phức liên hợp, môdul của số phức, giải phương trình bậc 2 trên tập số thức với hệ số thực. Nắm các khái niệm liên quan đến vectơ chỉ phương của đường thẳng, vectơ pháp tuyến của mặt phẳng; điểm thuộc đường thẳng, điểm thuộc mặt phẳng,…
Các bài toán liên quan đến yếu tố thực tiễn, chủ yếu thuộc nội dung: ứng dụng của đạo hàm; Hàm số mũ và hàm số lôgarit; mặt tròn xoay va khối tròn xoay: Thí sinh nên ôn tập những dạng toán ở mức độ 2 và 3.
Những nội dung thuộc mức độ 3 và 4 được thầy Thắng chỉ ra gồm: Xác suất (Giải tích 11), Khoảng cách 2 đường thẳng chéo nhau (Hình học 11), bài toán tương giao, cực trị và đơn điệu của hàm ẩn; bài toán thiết diện của mặt phẳng với hình tròn xoay; Tỉ số thể tích hoặc cắt ghép khối đa diện; phương pháp tính tích phân, bài toán tham số trong giải phương trình, bất phương tình mũ và lôgarit.
Ôn tập theo từng giai đoạn
Đối với những thí sinh chỉ thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT, thầy Thắng lưu ý nên luyện tập thật kĩ các dạng toán thuộc nội dung 35 câu đầu của đề thi ở mức độ 1 và 2.
Trong khi đó, thí sinh xét tuyển đại học cần ôn tập thật chắc các câu ở mức độ 1 và 2 từ các đề thi sát với đề minh họa số 2 này. Nên rèn luyện thường xuyên sao cho thời gian làm 38 câu này chỉ khoảng 50 phút.
Thí sinh làm theo tuần tự các câu, những câu nào chắc chắn đánh dấu trừ; câu nào chưa chắc còn phân vân có thể đánh dấu cộng; câu nào chưa biết đánh dấu sao. Khi xem lại, thí sinh xem những câu đã đánh dấu cộng, suy nghĩ sâu hơn, xét các trường hợp khác nhau hoặc sử dụng phương pháp loại trừ, thử đáp án, sử dụng máy tính cầm tay đển chọn đúng đáp án.
Giai đoạn 1, thí sinh nên xem lại toàn bộ lí thuyết, công thức và tính chất nằm trong chương trình lớp 12 để làm chắc các câu ở mức độ 1 và 2. Sau đó, xem thêm các nội dung nâng cao thuộc chương trình học kỳ 1 lớp 12 (Chương 1,2,3: Giải tích 12, Chương 1,2: Hình học 12) và các nội dung liên quan đến góc, khoảng cách (Chương 3; Hình học 11), bài toán phép đếm, xác suất (Chương 2: Đại số 11).
“Các em hãy luyện tập thường xuyên qua các đề thi thử sát với đề minh họa số 2 để tạo cho các em kĩ năng làm bài, kĩ năng phân bố thời gian, tâm lí tham gia kì thi và xây dựng chiến lược làm bài hiệu quả. Đặc biệt, các em phải giữ sức khỏe, học tập hàng ngày để tránh lãng quên để chuẩn bị tốt nhất cho kì thi tốt nghiệp THPT sắp tới” thầy Nguyễn Đức Thắng nhắn nhủ.