Làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản

Làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chọn Việt Nam là nước đến thăm đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông vào tháng 1/2013
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chọn Việt Nam là nước đến thăm đầu tiên  trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông vào tháng 1/2013
 

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Nhật Bản và dự một số hội nghị liên quan từ ngày 12-15/12 tới.

Trong những năm qua, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực. Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn các cấp.

Về phía Nhật Bản: Thủ tướng Nhật Bản thăm Việt Nam 8 lần (Murayama tháng 8/1994, Hashimoto tháng 1/1997, Obuchi tháng 12/1998, Koizumi tháng 4/2002 và tháng 10/2005 nhân dự Cấp cao ASEM 5; Shinzo Abe tháng 11/2006 và tháng 1/2013; Naoto Kan 10/2010); Hoàng tử Nhật Bản Akishino thăm chính thức Việt Nam tháng 6/1999 và thăm với tư cách cá nhân tháng 8/2012; Hoàng Thái tử Nhật Bản thăm chính thức Việt Nam tháng 2/2009.

Từ sau khi nhậm chức (ngày 28/12/2012), Thủ tướng Shinzo Abe đã điện đàm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng 2 lần để trao đổi về quan hệ hai nước đồng thời chọn Việt Nam là nước đầu tiên đến thăm trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên (16-17/1/2013).

Về phía Việt Nam: Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm chính thức Nhật Bản tháng 4/1995 (Nhật Bản là nước đầu tiên trong các nước G7 Tổng Bí thư thăm chính thức); Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm chính thức tháng 10/2002 và tháng 4/2009; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm cấp Nhà nước tháng 11/2007; Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm chính thức tháng 4/1993; Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức tháng 4/1999 và sau đó thăm làm việc vào tháng 6/2001, tháng 4/2003, tháng 12/2003, tháng 6/2004; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức tháng 10/2006 và tháng 10/2011, thăm làm việc tháng 5/2009, dự Hội nghị cấp cao Mê Công-Nhật Bản 11/2009 và 4/2012; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức tháng 3/2008, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm chính thức tháng 12/2012.

Hợp tác kinh tế là một trong những điểm sáng trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011).

Đến nay, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam (cam kết ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam đạt 2,3 tỷ USD/năm tài khóa 2012) và nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam (cả về tổng vốn đầu tư và vốn đã giải ngân).

Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư (tháng 12/2004), Hiệp định đối tác kinh tế Việt-Nhật (VJEPA) (tháng 10/2009)... tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Sau khi "Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 7/2013, hai bên đang hợp tác triển khai. Ban Chỉ đạo do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng Ban (ngày 13/8/2012) hoạt động tích cực với sự tham gia của đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội.

Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam; kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Nhật Bản năm 2012 đạt khoảng 24,7 tỷ USD; 11 tháng đầu năm 2013 đạt 22,933 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 12,356 tỷ USD (tăng 3,4%), nhập khẩu đạt 10,577 tỷ USD (giảm 0,3%). Việt Nam tiếp tục xuất siêu sang Nhật Bản.

Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999.

Hai bên đã hoàn thành Giai đoạn IV Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản về cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam và đang triển khai Giai đoạn V.

Về hợp tác lao động, từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã cử khoảng 31.000 tu nghiệp sinh sang Nhật Bản. Hiện có khoảng 18.000 lao động, thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản. Trong những năm gần đây, số lượng lao động, thực tập sinh liên tục tăng (năm 2009: 5.500 người, năm 2010: 5.000 người, 2011: 7.000 người, 2012: 8.500 người).

Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về việc Nhật Bản tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lý của Việt Nam (trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế song phương EPA) 10/2011.

Về lĩnh vực văn hoá thông tin, Nhật Bản có nhiều dự án giúp Việt Nam nghiên cứu bảo tồn, tôn tạo các ngôi nhà ở dân gian truyền thống tiêu biểu ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam.

Chính phủ Nhật Bản bắt đầu hợp tác và hỗ trợ cho việc bảo tồn di tích Hoàng Thành Thăng Long vào năm 2004. Năm 2006, Ủy ban hỗn hợp Việt-Nhật bảo tồn di tích Hoàng Thành Thăng Long đã được thành lập.

Từ đó đến nay, Nhật Bản đã cử nhiều chuyên gia về khảo cổ học sang Việt Nam cùng điều tra, khai quật và nghiên cứu. Ngoài ra, hai bên cử nhiều đoàn sang thăm, làm việc, biểu diễn nghệ thuật, tham dự triển lãm, liên hoan phim, tổ chức Lễ hội tại mỗi nước. Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản đã được tổ chức thường niên từ năm 2008; Đại nhạc hội Việt Nam-Nhật Bản tổ chức vào các năm 2008 và 2010.

Hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa thiết thực trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

Từ đầu năm 2013 đến nay, hai bên tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao và Năm Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản 2013.

Về giáo dục đào tạo, quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển dưới nhiều hình thức, bao gồm hợp tác giữa hai Chính phủ, giữa các trường học, giữa các tổ chức, giữa các cá nhân. Những năm gần đây, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành GDĐT Việt Nam. Việt Nam cũng đã mời nhiều giáo sư, chuyên gia Nhật Bản sang giảng dạy, đồng thời tiếp nhận các học giả Nhật Bản sang tìm hiểu về văn hoá, lịch sử Việt Nam.

Về hợp tác khoa học, công nghệ, kể từ khi Hiệp định giữa Chính phủ hai nước Việt-Nhật về khoa học và công nghệ được ký năm 2006 đến nay, Ủy ban hỗn hợp Việt-Nhật về hợp tác khoa học và công nghệ đã tổ chức họp được 3 lần (lần thứ 3 vào tháng 8/2011 tại Tokyo). Số lượng các nhà khoa học Việt Nam sang Nhật Bản và các nhà khoa học Nhật Bản sang Việt Nam để tiến hành các hoạt động nghiên cứu chung ngày càng tăng.

Về du lịch, Nhật Bản là một trong những nước có lượng khách du lịch lớn nhất đến Việt Nam (chiếm gần 10% tổng lượng khách vào Việt Nam). Hai bên đã ký Tuyên bố chung về hợp tác du lịch Việt Nam-Nhật Bản (4/2005) tạo điều kiện cho việc thu hút khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam. Số lượng khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam tăng đều trong những năm qua (năm 2010: 442.089 lượt, năm 2011: 481.519 lượt, năm 2012: 576.386 lượt). 11 tháng đầu năm 2013, có 553.585 lượt khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2012.

Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản, đặc biệt là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển cũng như sự phối hợp giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

* Cũng trong dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ Đối thoại ASEAN-Nhật Bản và Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 5, tại Tokyo.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.