Làm sao vực dậy văn hóa đọc

GD&TĐ - Từ lâu, sách đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, thế nhưng, thực tế việc đọc sách trong những năm gần đây lại diễn ra ngược lại, khiến cho “văn hóa đọc” bị “xuống dốc” nghiêm trọng.

Làm sao vực dậy văn hóa đọc

Con số thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) khiến mỗi chúng ta đều không khỏi không suy nghĩ nhìn nhận lại chính bản thân mình đó là, tính đến năm 2013, mức hưởng thụ bình quân của người dân Việt Nam mới chỉ đạt 3,2 bản sách/người (kể cả sách giáo khoa).

Còn theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm tại thư viện. Số sách phân bổ tại các thư viện bình quân là 0,35 bản sách/người. Khảo sát của Thư viện Quốc gia Việt Nam cho thấy, bạn đọc của thư viện chỉ chiếm khoảng 8 - 10% dân số. Có khoảng 30 nghìn bạn đọc thường xuyên đăng ký đọc tại trụ sở, còn thư viện cấp tỉnh chỉ khoảng 1.000 - 2.000 bạn đọc, con số đó tại các thư viện cấp huyện, xã còn thấp hơn nhiều: 5 - 600 và 1 - 200. Ở nông thôn, miền núi, thậm chí còn thấp hơn.

Một điều nhìn thấy rõ, nếu như trước kia bước vào nhà của hầu hết giới tri thức, nhà giáo... thường đập ngay vào mắt khách là tủ sách chật ních, thì nay dường như những tủ sách đó đã không còn, nếu còn thì nhiều khi cũng chỉ là một vài quyển “cơ bản”. Văn hóa đọc bị “xuống dốc” và trở nên nghiêm trọng hơn khi nó lan sâu vào cộng đồng trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Trước kia, sách, truyện... là những món quà quý giá mà các cô cậu học trò háo hức, mong ước được cha mẹ tặng mỗi khi được điểm cao hay vào các dịp lễ, Tết… thì nay những món quà đám trẻ mong muốn thường là các trò chơi điện tử hiện đại; điểm đến của các em thường là điểm Internet thay vì thư viện như trước kia.

Đúng là có thể chưa đến “đèn đỏ” nhưng “đèn vàng” đã cảnh báo một nguy cơ tụt lùi của “văn hóa đọc” đã chạm ngưỡng. Chính vì thế ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Đây thật sự là cơ hội, là thời cơ để các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức và cả cộng đồng xã hội cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng một xã hội học tập và học tập suốt đời. Mỗi người cần dành một khoảng thời gian quý báu trong ngày, trong tuần để đọc sách, để làm giàu thêm vốn tri thức cho mình.

Mỗi một trường học cần phát động phong trào đọc sách trong thư viện nhà trường; tổ chức các câu lạc bộ về sách với các hoạt động ngoại khóa; tổ chức các phong trào, chương trình thu gom sách, ủng hộ sách, hỗ trợ cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn... nhằm xây dựng và duy trì văn hóa đọc cho học sinh, sinh viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ