Tuy nhiên, để minh bạch trong việc sử dụng cơ sở vật chất công - tư, thực hiện đúng quy chế đấu thầu còn nhiều băn khoăn.
Thầy cô “rảnh” việc
Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng có số lượng học sinh ăn bán trú lớn. Theo cô Hiệu trưởng Đoàn Thị Thu Hằng, thực hiện các văn bản hướng dẫn của quận, nhà trường làm quy trình và ký hợp đồng cung cấp thức ăn bán trú với doanh nghiệp từ tháng 10/2022.
Thuận lợi trong việc hợp đồng cung cấp suất ăn bán trú tại trường là được sự đồng thuận của phụ huynh. Đội ngũ nhân viên nấu ăn tại trường trước đây được doanh nghiệp tiếp nhận lại nên đều quen việc. Đặc biệt, tổ chăm nuôi bán trú của trường có thời gian quan tâm công tác chuyên môn.
Dù hợp đồng đã cam kết chặt chẽ, thay vì giao nhận thực phẩm như trước đây, tổ chăm nuôi chỉ cần giám sát quy trình. Ban đầu thầy cô rất băn khoăn về an toàn thực phẩm nên đi sớm và kiểm tra nhiều lần trong 1 buổi. Nhà trường vừa giám sát chất lượng đầu vào, vừa giám sát quy trình chế biến. Thực đơn được ký duyệt vào thứ 6 hàng tuần, dựa trên khuyến cáo của Dự án Bữa ăn học đường do Công ty Ajinomoto Việt Nam và Viện Dinh dưỡng quốc qua cung cấp.
Năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học Quán Toan có trên 1.700 học sinh, 88% trong số này đăng ký ăn bán trú. Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hạnh, là trường xa trung tâm quận, nhận thức của phụ huynh không đồng đều nên làm thế nào để bữa ăn bán trú an toàn hiệu quả, phụ huynh an tâm gửi con là vấn đề ban giám hiệu luôn trăn trở. Tự tổ chức bếp ăn thì thầy cô vất vả do đảm nhận từ khâu giao nhận, quản lý thực phẩm, quản lý bán trú.
Năm học 2022 - 2023, căn cứ tình hình thực tế, trường đã họp với giáo viên và phụ huynh quyết định tìm hướng đi mới là thực hiện hợp đồng cung cấp suất ăn. Thực hiện từ tháng 9/2022, trường đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu, giám sát chặt chẽ nguồn thực phẩm đảm bảo tươi sống. Hằng tuần, trường kiểm tra, điều chỉnh thực đơn phù hợp với học sinh.
Ảnh minh họa ITN. |
“Vướng” quy trình đấu thầu
Theo thông tin từ Phòng GD&ĐT quận Hồng Bàng, sau 1 năm thí điểm hợp đồng cung cấp suất ăn bán trú tại các trường tiểu học đã có nhiều kết quả khả quan. 9/9 trường tiểu học trên địa bàn quận đã ký hợp đồng cung cấp suất ăn bán trú với công ty cung cấp.
Trong Hội nghị sơ kết 1 năm thí điểm hợp đồng cung cấp suất ăn bán trú, ông Nguyễn Xuân Chiến - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý Vệ sinh an toàn thực phẩm Hải Phòng nhận định: Vấn đề an toàn thực phẩm trong trường học tại quận Hồng Bàng được đánh giá tốt. Việc cung cấp suất ăn là xu thế tất yếu.
Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, ông Phạm Quốc Hiệu cho hay, đăng ký cho con ăn bán trú là nhu cầu thực tế của phụ huynh không chỉ ở khu vực nội thành mà cả ngoại thành nơi có khu, cụm công nghiệp. Hợp đồng cung cấp suất ăn trong trường phù hợp đảm bảo điều kiện thực tế trong khi giáo viên, nhân viên bậc tiểu học còn thiếu nhiều.
Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, Phó Giám đốc sở cho rằng, mỗi trường cần thành lập ban chỉ đạo. Ngoài giám sát phải xây dựng kế hoạch, tình huống khi có sự việc xảy ra và có giám sát cộng đồng với sự tham gia của đại diện cha mẹ học sinh.
Là đơn vị đăng ký suất ăn, các trường bày tỏ mong muốn đơn vị cung cấp cần có chuyên gia dinh dưỡng, người quản lý chuyên nghiệp, tăng cường đầu tư trang thiết bị, ổn định nhân sự bếp ăn. Đặc biệt, năm học tới cận kề, các cấp sớm có văn bản chỉ đạo hướng dẫn về hình thức lựa chọn, thủ tục đấu thầu và sử dụng tài sản công đúng pháp luật, để nhà trường không lúng túng.
Trước đề xuất trên, ông Phạm Văn Đoan - Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng nhận định, một năm thí điểm là bước ban đầu lựa chọn nhà thầu. Nếu tiếp tục thực hiện cho những năm tiếp theo, các phòng ban chuyên môn nghiên cứu, thảo luận báo cáo thường trực quận ủy, thống nhất quan điểm chỉ đạo về việc đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp suất ăn, sử dụng tài sản Nhà nước, kinh phí đóng góp của phụ huynh…
Ông Phan Giang Tử - Trưởng ban Đại diện cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng cho hay, bóc tách phần việc cung cấp suất ăn bán trú đã giảm tải phần nào công việc để thầy cô tập trung giảng dạy nhưng phụ huynh cũng rất lo lắng. “Nhà trường vẫn phải kiểm tra thực phẩm vào các buổi sáng. Trường hợp xảy ra vấn đề liên quan đến chất lượng bữa ăn, hiệu trưởng vẫn phải là người chịu trách nhiệm”, ông Phan Giang Tử bày tỏ.