Làm rõ trách nhiệm dự án 'đội vốn' hơn 300 tỷ đồng ở Đắk Lắk

GD&TĐ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản phúc đáp liên quan đến việc "đội vốn" 332 tỷ đồng tại dự án đường tránh Đông TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Đông TP Buôn Ma Thuột (ảnh: TT).
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Đông TP Buôn Ma Thuột (ảnh: TT).

Theo đó, Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Trong đó, 100% vốn Ngân sách Trung ương, thời gian thực hiện từ 2020-2023.

Tổng chiều dài toàn tuyến hơn 39km, đi qua 4 địa phương gồm: TP Buôn Ma Thuột và 3 huyện (Cư Kuin, Krông Pắc, Cư M'gar). Tuy nhiên, quá trình triển khai Dự án gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu giải phóng mặt bằng (GPMB), điều này đã làm tăng 332 tỷ đồng.

Vì vậy, tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tháo gỡ khó khăn, nhưng Bộ GTVT lại đề xuất tỉnh sử dụng Ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn 332 tỷ tăng thêm này.

Gặp khó khăn trong GPMB khiến Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Đông TP Buôn Ma Thuột đội vốn hơn 300 tỷ đồng (ảnh: TT).

Gặp khó khăn trong GPMB khiến Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Đông TP Buôn Ma Thuột đội vốn hơn 300 tỷ đồng (ảnh: TT).

Phúc đáp ý kiến của Bộ GTVT về việc lồng ghép nguồn vốn để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, Dự án do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản, chịu trách nhiệm bố trí vốn triển khai dự án theo tổng mức đầu tư được phê duyệt.

Do đó, việc Bộ GTVT đề xuất UBND tỉnh Đắk Lắk sử dụng vốn Ngân sách tỉnh để bố trí chi trả toàn bộ kinh phí GPMB phát sinh của dự án cần được xem xét về nhiệm vụ chi giữa Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương.

Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT rà soát, cân đối nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ để bố trí đối với phần tăng thêm 332 tỷ đồng cho dự án. Bộ KH&ĐT cũng đề nghị Bộ GTVT làm rõ căn cứ pháp lý điều chỉnh dự án trong trường hợp bổ sung 332 tỷ đồng làm tăng tổng mức đầu tư dự án theo Luật Xây dựng; đồng thời, làm rõ những khoản chi phí phát sinh làm tăng chi phí đền bù GPMB do tiến độ GPMB chậm, trách nhiệm của các bên liên quan trong công tác GPMB dẫn tới tăng thêm 332 tỷ đồng.

Trường hợp thuộc diện điều chỉnh dự án theo quy định pháp luật dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, thì Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT thực hiện các trình tự, thủ tục và phê duyệt quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo thẩm quyền.

Trước đó, theo báo cáo của Bộ GTVT (cơ quan ra quyết định đầu tư dự án) nêu: Nguyên nhân phải bổ sung vốn Ngân sách địa phương để thực hiện lồng ghép nguồn vốn thực hiện dự án là do UBND tỉnh Đắk Lắk chậm thực hiện GPMB, dẫn đến phát sinh tăng chi phí đền bù GPMB so với giá trị trong tổng mức đầu tư dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt (tăng 332 tỷ đồng). Từ đó làm tăng tổng mức đầu tư dự án.

Phần Ngân sách Trung ương không thay đổi so với quyết định phê duyệt đầu tư dự án (Quyết định số 1872 ngày 30/9/2020).

Do đó, Bộ GTVT căn cứ theo Luật Đầu tư công năm 2019 và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lồng ghép nguồn vốn để cùng thực hiện dự án. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư được tính vào kinh phí thực hiện dự án và là một nội dung của tổng mức đầu tư.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.