Lạm phát len lỏi vào bữa ăn học đường

GD&TĐ - Viện Nghiên cứu Tài chính ước tính nếu chi phí theo kịp lạm phát, giá một bữa ăn ở trường học có thể lên tới 2,87 bảng Anh.

Giá thực phẩm tại Anh và xứ Wales tăng cao vì lạm phát.
Giá thực phẩm tại Anh và xứ Wales tăng cao vì lạm phát.

Một số trường học Anh thay thế thịt bằng đậu trong khi số khác cắt giảm khẩu phần ăn của học sinh vì chi phí tăng cao, thiếu lương thực và vấn đề chuỗi cung ứng. Những nhà cung cấp thực phẩm cho trường học cảnh báo họ đang đứng “bên bờ vực”.

Theo khảo sát của LACA - School Food People, đại diện cho các nhà cung cấp thực phẩm ở Anh và xứ Wales, cứ 10 nhà cung cấp thì 3 đơn vị đã thay thế thịt bằng các nguyên liệu rẻ hơn như đậu lăng, đậu.

Cụ thể, 77% đơn vị được hỏi cho biết họ phải thay đổi thực đơn bữa ăn học đường vì vấn đề nguồn cung. Còn 26% buộc phải cắt giảm lựa chọn. 98% nhà cung cấp tham gia khảo sát cho biết họ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực.

Khảo sát dành cho 900 thành viên của LACA. Những đơn vị này đang cung cấp dịch vụ cho hơn 11.500 trường học và thức ăn cho 1,1 triệu học sinh ở Anh và xứ Wales mỗi ngày.

Một đơn vị cung cấp thực phẩm cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng hết sức để đáp ứng các tiêu chuẩn bữa ăn. Điều đó cực kỳ khó khăn và chúng tôi phải thừa nhận rằng không thể đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn dinh dưỡng mỗi ngày. Bữa ăn trường học giờ đây không còn bền vững”.

Những nhà cung cấp thực phẩm cho biết họ ngày càng lo ngại cho tương lai của chương trình bữa ăn học đường, nhất là tại vùng nông thôn, nơi chi phí vận chuyển tăng cao khiến vấn đề thêm nghiêm trọng. Họ cũng cảnh báo tình trạng thiếu hụt các mặt hàng cơ bản như trứng, cà chua, cá, thịt gà hay dưa chuột...

Nguyên nhân chính gây nên tình trạng trên là giá thực phẩm tăng cao hơn 20% từ tháng 11 năm ngoái. Để tiết kiệm chi phí, 13% đơn vị đã chuyển từ sử dụng thịt của Anh sang thịt nước ngoài.

Một số đơn vị cung cấp buộc phải tăng giá bữa ăn học đường nhưng cố gắng kiểm soát giá một cách tối đa và tìm các giải pháp thay thế. Hiện nay, giá một suất ăn trong trường học là 2,8 bảng (khoảng 81 nghìn đồng). Viện Nghiên cứu Tài chính ước tính nếu chi phí theo kịp lạm phát, giá một bữa ăn ở trường học có thể lên tới 2,87 bảng Anh.

Trong khi đó, để duy trì chương trình bữa ăn học đường miễn phí, Chính phủ Anh đang tài trợ 2,41 bảng cho một học sinh thuộc diện khó khăn và 2,47 bảng cho các trường thiếu hụt kinh phí tổ chức.

Chủ tịch LACA, ông Brad Pearce, cho biết: “Cuộc khảo sát góp phần cho thấy tình trạng khó khăn hiện nay của các nhà cung cấp thực phẩm và cần phải tăng tài trợ cho chương trình bữa ăn học đường lên gấp đôi nếu muốn trẻ em tiếp tục được thưởng thức những bữa ăn nóng hổi, bổ dưỡng, lành mạnh”.

Người phát ngôn của Bộ Giáo dục Anh cho biết: “Nhận thấy những áp lực mà các trường học đang phải đối mặt, vào tháng 4/2022, chúng tôi đã tăng 18 triệu bảng tài trợ cho chương trình bữa ăn miễn phí dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại trường học để hỗ trợ chi phí về thực phẩm, phương tiện vận chuyển và trả lương nhân viên”.

Còn Chính phủ xứ Wales thông báo sẽ cung cấp bữa trưa miễn phí cho tất cả học sinh tiểu học vào năm 2024. Ở Scotland, trẻ em được ăn miễn phí ở trường học trong 5 năm đầu tiên.

Theo TG

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Tổng kho tủ cơm công nghiệp Quang Huy Plaza Suất ăn công nghiệp địa chỉ đặt tiệc tại nhà