(GD&TĐ) - Đó là nhận định đầy khả quan dựa trên các cứ liệu cụ thể về tình hình kinh doanh sản xuất cả nước hai quý đầu năm 2013.
Xuất khẩu “cứu” hàng tồn kho
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, chỉ số tiêu thụ có tăng trưởng nhưng nhiều hàng hóa tiêu dùng vẫn tiêu thụ chậm, nhiều ngành sản xuất vẫn gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
Đáng chú ý, chỉ số tồn kho đã giảm dần kể từ đầu năm. Nếu như ở thời điểm đầu quý 1, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,9%; thời đến thời điểm cuối quý 2, mức tăng chỉ 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tính từ thời điểm tồn kho đầu năm (1/1/2013) đến nay (1/6/2013) chỉ số tồn kho đã giảm được 11,8 điểm phần trăm.
Một trong những “cửa ra” quan trọng cho hàng hóa là xuất khẩu.
Trong số này, xuất khẩu của nhóm các mặt hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là điểm nổi bật trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm với mức tăng trưởng cao nhất (27,2%) và đóng góp lớn nhất (hơn 9,1 tỷ USD) vào gia tăng kim ngạch xuất khẩu chung.
Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng cho nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi này |
Dự báo nhiều khả quan cho kế hoạch năm 2013
Bà Kim Thoa cho biết bắt đầu từ tháng 2, các doanh nghiệp trong nước có xu hướng gia tăng nhập khẩu nguyên vật liệu, đây có thể coi là tín hiệu tốt cho sự hồi phục của sản xuất; bước vào mùa hè, nhiều sản phẩm như: sản xuất điện, sản xuất hàng thiết bị điện, điện lạnh, sản xuất đồ uống... có mức tiêu thụ tăng dẫn đến sản xuất sẽ tăng; với nỗ lực của Chính phủ trong việc giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản, một số dự án nhà ở xã hội được khởi công xây dựng sẽ giải quyết tồn kho, thúc đẩy sản xuất của những ngành sản xuất công nghiệp có liên quan đến thị trường này phát triển; các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu từng bước phát huy tác dụng, các hoạt động xúc tiến bán hàng trên thị trường nội địa cũng được tích cực triển khai sẽ góp phần tiêu thụ sản phẩm, giảm lượng hàng tồn kho.
Để tiếp tục thực hiện chỉ tiêu kế hoạch năm 2013, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp. Đối với xuất nhập khẩu, cần tích cực và chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị trong Bộ triển khai các giải pháp, các đề án trong Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030.
Đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương, đa phương nhằm mở rộng thị trường thúc đẩy xuất khẩu… Đối với thị trường trong nước, điều quan trọng nhất, theo bà Kim Thoa, là cần bảo đảm giữ vững cân đối cung cầu các mặt hàng trọng yếu của nền kinh tế quốc dân trong mọi tình huống.
Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các yếu tố ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa trong nước để kịp thời chỉ đạo và kiến nghị Chính phủ các giải pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường, đặc biệt là đối với những mặt hàng trọng yếu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, ngăn chặn nguy cơ lạm phát quay trở lại, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và duy trì tăng trưởng kinh tế.
Đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả các chương trình Xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo. Đặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền vận động và nâng cao nhận thức của người dân về hàng Việt Nam, góp phần thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Thu Ba