Làm gì khi tuổi già gõ cửa?

GD&TĐ - Nhìn dáng vẻ thong thả, phong cách giản dị của ông Chu bây giờ, ít ai nghĩ trước kia ông từng là giám đốc một công ty xây dựng. Sau khi về hưu, ông về sống an nhàn với con cháu. 

Làm gì khi tuổi già gõ cửa?

Tưởng đâu được thư thái tinh thần nhưng sinh hoạt hằng ngày bị thay đổi. Con cháu đi làm từ sáng sớm đến chiều tối nên cũng không có dịp trò chuyện, tâm sự. Ông không có việc gì để làm nên chỉ đi ra đi vào, hết xem tivi, đọc báo lại tìm đến chiếc radio để bầu bạn. 

Gắng gượng một thời gian, ông chẳng những không thích nghi được mà còn cảm thấy mệt mỏi, tay chân đau nhức, luôn hồi hộp, lo lắng, nhịp tim nhanh hơn mức cho phép. Con cháu nhiều lần đưa ông đi khám nhưng vẫn không tìm ra bệnh. Cực chẳng đã, ông tìm đến một bác sĩ tâm lý để được tư vấn, bác sĩ phát hiện ông bị trầm cảm do hậu quả một bệnh lý stress lâu ngày.

Đúng là trước khi nghỉ hưu, ông chưa kịp chuẩn bị đầy đủ, cơ thể bị ép vào một chu trình hoạt động khác khiến nó khó thích nghi. Thời còn đương chức đương quyền, ông thức dậy từ 5 giờ sáng, đi làm lúc 6 rưỡi. Ngày nào cũng đều như vắt chanh, cơ thể ông đã được lập trình thường xuyên bởi múi giờ theo quy định và lượng công việc mà ông có thể đảm đương. Nhưng khi về hưu, chu trình sinh học đó bị đảo lộn, 7 giờ sáng ông vẫn ở nhà, không biết làm gì cho hết thời gian. Cùng với thời gian nghỉ hưu là các mối quan hệ xã hội bị phá vỡ khiến ông thấy trống rỗng và luôn có ý nghĩ mình là người thừa nên ngày càng tự ti, mặc cảm. 

Không ai chịu thấu hiểu ông. Họ luôn nghĩ ông “sướng như tiên” vì tuổi già được an nhàn, không phải lo kinh tế, bản thân ông đã có rất nhiều tiền, con cái đều thành đạt, giỏi giang. Chỉ đến khi gặp được bác sĩ tâm lý, ông mới nhận ra mình cũng chỉ là một trong số rất nhiều người mắc phải chứng bệnh khó được xã hội cảm thông này. Đa số người cao tuổi đều chưa chuẩn bị trước tâm lý vững vàng. Chính điều này khiến họ hụt hẫng, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. 

Với những người từng giữ chức vụ như ông, khi về hưu không còn tham gia công việc quen thuộc hằng ngày, lo lắng khi không được người khác tôn trọng. Họ cảm thấy như vừa bị mất đi tất cả: quyền lực, sự nể trọng, sự phục tùng của người khác… Điều này gây cho họ một cú sốc về mặt tâm lý thật sự. Bác sĩ khuyến cáo đây chính là nguyên nhân của stress, nếu nặng hơn sẽ đi đến trầm cảm và từ đó ảnh hưởng đến tim mạch gây cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa và dẫn đến những căn bệnh đáng sợ khác. 

Trước khi tiễn ông Chu về nhà, bác sĩ ghé tai ông, thầm thì điều gì đó. Ông Chu gật đầu liên tục ra vẻ tâm đắc lắm. Buổi tối, đợi cả nhà ăn cơm xong, ông nói với con trai: “Con thử tìm kiếm và nghiên cứu xem bố hợp với hình thức du lịch nào không?”.

Con trai ông tròn mắt ngạc nhiên: “Bố chuẩn bị đi du lịch với ai à? Con tưởng trước kia bố đi công tác các nơi nhiều nên chán rồi, giờ chỉ thích nghỉ ngơi thôi, hihi”. Ông Chu lắc đầu: “Khồng! Ở nhà mãi bức bí lắm con ạ”. 

Vì quá bận rộn nên con trai chưa có lúc nào quan sát kỹ tâm tư của bố. Nghe được lời đề nghị này của ông, con trai vừa thấy vui vừa thấy thương bố. Hôm sau, con trai đặt ngay cho ông một chuyến du lịch phù hợp với người cao tuổi. Ông Chu mạnh dạn kéo vali ra khỏi nhà, sẵn sàng gặp gỡ những người mới. Phần lớn trong số họ đều giống như ông, có người tâm sự: “Lúc còn trẻ chúng tôi lo cho con cái, muốn đi du lịch cũng không có thời gian. Khi con cái thành công thì mình đã già, chẳng có việc gì làm, đây là thời điểm để mình nghỉ ngơi, con cái mong muốn đặt tour cho mình đi du lịch đó đây cũng là vì thế. Phần lớn, khách du lịch cao tuổi như chúng ta có tâm lý ngại đi xa vì sức khỏe không ổn định, phải di chuyển nhiều, nhưng thực tế người già vẫn có nhu cầu đi du lịch để được gặp gỡ, tham quan phong cảnh đó đây”.

Những cái gật đầu tâm đắc, những tiếng cười sảng khoái là chính là điều ông Chu hay làm nhất khi ở bên những người bạn già trong tour du lịch này. Cảm giác lạ lẫm, e ngại đã không còn nữa, ông dần cởi mở và nói nhiều hơn. Khi ông đề cập vấn đề ở nhà chăm con cháu, mọi người đều phản đối. Có người bảo: “Như thế là không công bằng vì thời trẻ chúng ta vất vả nhiều rôi. Người cao tuổi có nhiều niềm yêu thích hơn là việc chỉ giữ nhà trông cháu. Ngoài những lúc đi du lịch như thế này, chúng ta còn có nhiều niềm vui khác như tập dưỡng sinh, khiêu vũ, dùng mạng xã hội…”.

Ông Chu gật gù: “Ông nói phải! Xê dịch khi đã về già còn là cách để chúng ta viết tiếp giấc mơ chinh phục thuở thanh xuân. Tuổi già gõ cửa, niềm vui khan hiếm, chúng ta càng khát khao đi tìm niềm vui, hưởng thụ cuộc sống”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ