Làm gì khi trẻ sơ sinh khó ngủ?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tình trạng trẻ sơ sinh khó ngủ hay tỉnh giấc và quấy khóc vào ban đêm có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Phụ huynh cần tạo môi trường ngủ an toàn cho trẻ.
Phụ huynh cần tạo môi trường ngủ an toàn cho trẻ.

Tuy nhiên, khó ngủ cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý.

Chỉ thức dậy khi đói

Theo bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc – Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, mỗi ngày, trẻ sơ sinh ngủ trung bình khoảng 18 - 20 giờ. Trẻ gần như ngủ suốt cả ngày lẫn đêm, chỉ thức dậy khi đói.

Do hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, thể tích dạ dày nhỏ nên trẻ nhanh đói. Vì vậy, sau khoảng 2 - 3 giờ, trẻ sẽ thức giấc để bú mẹ. Đặc biệt, đối với những bé non tháng, nhẹ cân, hay bị trào ngược dạ dày thực quản… thì mẹ nên cho bú thường xuyên hơn.

Trẻ sơ sinh chưa phân biệt được ngày đêm, nên nhiều bé sẽ có thói quen ngủ nhiều vào ban ngày và thức giấc vào ban đêm. Chỉ đến khi được 3 tháng tuổi, bé mới bắt đầu ngủ suốt đêm và không quấy khóc mẹ.

Theo bác sĩ Ngọc, tình trạng trẻ sơ sinh khó ngủ, hay tỉnh giấc và quấy khóc vào ban đêm có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết, đó có thể là do nguyên nhân sinh lý giấc ngủ.

“Theo các chuyên gia, giấc ngủ thường chia thành hai giai đoạn đó là: Rapid Eye Movement (REM) và Non Rapid Eye Movement (Non - REM). Đối với giấc ngủ của người trưởng thành, thì giai đoạn Non - REM chiếm 75% tổng số thời gian ngủ, 25% thời gian còn lại là giai đoạn REM. Đối với trẻ sơ sinh thì hai giai đoạn này có thời gian gần như là bằng nhau”, bác sĩ Ngọc dẫn chứng.

Cụ thể, khi giấc ngủ ở giai đoạn REM, các cơ quan hô hấp sẽ tăng cường hoạt động khiến trẻ thở nhanh và tăng nhịp tim đập. Lúc này, chỉ cần một cử động nhẹ cũng có thể làm trẻ thức giấc. So với người lớn, thì giai đoạn REM chiếm nhiều thời gian trong giấc ngủ của trẻ hơn. Do đó, trẻ sơ sinh thường hay bị giật mình hoặc tỉnh giấc bởi các tác động từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, việc trẻ sơ sinh khó ngủ còn có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý. Trẻ có thể thiếu vi chất. Bởi, trẻ có thể mắc bệnh còi xương do thiếu các chất dinh dưỡng như kẽm, magie, sắt... Đồng thời, cơ thể luôn mệt mỏi sẽ khiến trẻ ngủ không sâu giấc, hay ngủ gà vào ban ngày. Do đó, trẻ hay tỉnh giấc và khó ngủ vào ban đêm. Ngoài ra, trẻ có thể mất ngủ do nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Bác sĩ Ngọc cho biết thêm, sức đề kháng của trẻ sơ sinh còn yếu, không thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Do đó, trẻ dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp và có thể mắc một số bệnh lý như: Viêm mũi, viêm phổi, viêm phế quản…

Khi mắc phải một trong những bệnh lý này, trẻ có biểu hiện thở khò khè, khó thở, hay thở bằng miệng… dẫn đến trẻ sơ sinh khó ngủ và quấy khóc mẹ. Tình trạng thừa cân, béo phì cũng có thể khiến đường thở bị phì đại gây khó khăn cho trẻ khi thở. Trẻ thường phải thở bằng miệng do khó thở. Vì vậy, trẻ rất khó đi vào giấc ngủ mà thường tỉnh giấc, không chịu ngủ và hay quấy khóc vào ban đêm.

Trẻ sơ sinh mất ngủ cũng có thể do một số nguyên nhân khác. Ví dụ, trẻ thường xuyên bị mộng du, khi ngủ sẽ hay bị giật mình, tỉnh giấc vào giữa đêm. Từ đó, trẻ trở nên khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.

Hoặc, trẻ quấy khóc, không chịu ngủ do tã, bỉm bị ướt, giường chiếu và quần áo không sạch khiến bé cảm thấy khó chịu, ngứa ngáy. Lý do khác cũng có thể là do ánh sáng ở phòng ngủ quá sáng hoặc không thích hợp với trẻ. Nhiệt độ trong phòng quá nóng hoặc quá lạnh cũng sẽ khiến trẻ khó ngủ.

Một số nguyên nhân khác có thể bao gồm: Môi trường xung quanh ồn ào, bật nhạc quá to… dễ làm cho trẻ giật mình tỉnh giấc; Trẻ ngủ nhiều vào ban ngày nên khó ngủ khi về đêm; Trẻ bú ít, không đủ lượng sữa cần thiết nên nhanh đói.

Do đó, trẻ thường ngủ không sâu giấc và hay thức dậy để bú mẹ; Trẻ đã quen được mẹ bế bồng hoặc đưa võng khi ngủ. Do đó, nếu không được bế ẵm hoặc không được nằm nôi thì trẻ sẽ khó đi vào giấc ngủ và quấy khóc.

Trẻ sơ sinh gần như ngủ suốt cả ngày lẫn đêm, chỉ thức dậy khi đói.

Trẻ sơ sinh gần như ngủ suốt cả ngày lẫn đêm, chỉ thức dậy khi đói.

Mang lại môi trường ngủ an toàn

Theo BS.CK1 Phạm Lê Mỹ Hạnh – Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), để giúp trẻ ngủ ngon và tạo môi trường ngủ an toàn cho bé, phụ huynh có thể áp dụng phương pháp quấn khăn. Cách làm này giúp trẻ vẫn còn cảm giác được bao bọc như lúc còn trong tử cung.

Từ đó, khiến trẻ luôn cảm thấy an toàn, tránh giật mình hay phản xạ Moro. Đây là phản xạ nguyên thuỷ không tự điều khiển được. Ngoài ra, quấn khăn còn giữ người thẳng, nhất là khi trẻ sơ sinh chưa kiểm soát được cổ.

Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho trẻ, cần quấn khăn đúng cách, tránh quấn khăn quá chặt. Bảo đảm hai chân trẻ vẫn cử động thoải mái và dang ra được, hông cũng cử động được. Trẻ vốn quen với tư thế 2 chân hơi dạng và gối gấp như trong tử cung. Nếu bị quấn trong tư thế ép chân thẳng, trẻ có khả năng bị loạn sản hông và trật khớp háng. Khi trẻ được 2 tháng tuổi, cha mẹ không nên quấn khăn cho bé nữa.

Hoặc, cha mẹ cũng có thể cho trẻ nằm kén. Mục đích của phương pháp này cũng tương tự như quấn khăn nhưng có ưu điểm là không hạn chế cử động của trẻ. Đồng thời, giúp trẻ luôn giữ tư thế gập sinh lý và có thể xoay trở bé. Một lưu ý khác là phụ huynh cần tạo môi trường ngủ an toàn cho trẻ.

Theo các chuyên gia, trước khi ngủ, phụ huynh nên vệ sinh sạch sẽ, mặc áo quần rộng rãi, thoáng mát cho bé. Bên cạnh đó, việc cho trẻ cầm nắm đồ vật yêu thích sẽ giúp bé dễ đi vào giấc ngủ hơn. Một không gian mát mẻ cùng với bản nhạc êm đềm có thể giúp trẻ ngủ ngon và sâu giấc hơn.

Bác sĩ Ngọc chia sẻ: Sự phát triển mạnh mẽ của các tế bào não chỉ diễn ra trong những năm tháng đầu đời, nhất là khi trẻ đang ngủ. Do đó, giấc ngủ ngon có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển trí tuệ của trẻ trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, không phải trẻ sơ sinh nào cũng ngủ ngon tới sáng. Tình trạng trẻ sơ sinh khó ngủ, tỉnh giấc hay quấy khóc vào ban đêm gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ sau này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ