Làm gì giúp trẻ vượt qua cú sốc tâm lý có cha mẹ ly hôn?

Áp lực, xa cách và nhiều nguyên nhân khác có thể khiến hôn nhân đổ vỡ đồng thời để lại những hệ luỵ đau xót cho các con của bạn. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ nên học cách cùng con cái đối diện với những đổ vỡ, mất mát này.

Đừng để con cái trở thành nạn nhân của việc cha mẹ ly hôn.
Đừng để con cái trở thành nạn nhân của việc cha mẹ ly hôn.

Đừng cố che giấu một vụ ly hôn đã “lơ lửng” trước mặt

Nếu bạn cố gắng giữ bí mật đến phút cuối cùng thì con cái càng có xu hướng bối rối thậm chí bị sốc nặng hơn. Hãy thông báo cho con biết về quyết định của bạn và cho con biết con hoàn toàn không phải là lý do dẫn tới việc đổ vỡ này.

Ngoài ra, đừng tìm cách nói xấu người từng đầu gối tay ấp với mình vì điều đó càng khiến con trẻ tổn thương hơn.

Tiếp tục duy trì liên hệ với đối phương

Dù cha mẹ đã ly hôn nhưng nếu cả hai cùng hỗ trợ nuôi dạy con cái thì đứa trẻ vẫn sẽ được giáo dục tốt và nhận được đầy đủ tình yêu từ cha mẹ. Trong các sự kiện gia đình, đặc biệt là trong dịp sinh nhật con, cha mẹ hãy cố gắng cùng ngồi lại, để cho con hiểu rằng việc ly hôn không hề ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của con.

Duy trì những sinh hoạt lành mạnh

Đừng để việc ly hôn khiến bạn xao lãng con cái cũng như chính bản thân mình. Ăn đủ bữa, ngủ đủ giấc, tắm giặt, tản bộ… những thói quen tốt lành bạn và con từng có thì hãy tiếp tục duy trì như trước.

Tránh tranh giành quyền nuôi con dai dẳng

Tranh chấp quyền nuôi con cũng thường phát sinh khi cha mẹ ly hôn. Điều này không chỉ gây ra căng thẳng cho cha mẹ mà còn ảnh hưởng tới con cái. Vì vậy, cha mẹ hãy cố gắng giữ cho con tránh xa các rắc rối tại toà án và không nên công kích người cũ trước mặt con.

Không cấm đoán con gặp cha/mẹ

Dù đã giành được quyền nuôi con, bạn cũng không nên cấm đoán con gặp người cũ. Mối liên hệ huyết thống là vô cùng thiêng liêng và con bạn cũng có quyền được có đầy đủ cả cha lẫn mẹ như mọi đứa trẻ bình thường khác.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ