Làm gì để ứng phó trước một lớp học "hỗn loạn"

GD&TĐ - Chia sẻ một tình huống, câu chuyện thực địa trực tiếp chứng kiến tại một lớp học có thể khiến giáo viên bất lực, 2 giảng viên của Trường ĐH Thành Đô đã chia sẻ giải pháp của mình và cho rằng, việc truyền cảm hứng, phát huy tính tích cực của người học để tạo động lực cho người học là điều kiện tiên quyết cho thành công trong dạy học.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Từ tình huống có thực

Th.S Nguyễn Thị Bích và Th.S Phan Thị Phương Thảo - Khoa Du lịch - Ngoại ngữ (Trường ĐH Thành Đô) ghi lại một tình huống được chứng kiến trong lớp học.

Tại lớp học này, giáo viên đã tích hợp một loạt các phương pháp giảng dạy truyền thống và đổi mới. Cô đã kết hợp một bài giảng ngắn gọn, đặt câu hỏi hay với các nội dung hấp dẫn, cố gắng tạo tình huống thảo luận. Giảng viên thực sự đã nỗ lực để thu hút sinh viên, mặc dù vậy lớp học vẫn hỗn loạn.

Một lớp học với 28 sinh viên trong lớp chia làm 4 nhóm để thảo luận. Một cô gái đang kẻ mắt, tô son, miệng cô vẫn trò chuyện thản nhiên với hai nam sinh cùng bàn. Các thành viên khác người quan sát, người hùa theo.

Hai chàng trai và một cô gái phía sau lớp đang bàn tán chủ đề về vòng chung khảo cuộc thi Miss của trường diễn ra vào cuối tuần. 1 nhóm muốn thể hiện mình có quan tâm đến đề tài được giao nên có người đã nói câu lớn trả lời một cách tự do.

Một cô gái ngồi phía cuối lớp học, hoàn toàn cô lập bản thân và không thể hiện một hoạt động giao tiếp nào với bạn bè hay giáo viên của mình.

Một nhóm khác ngồi ở bàn phía trước lớp, họ không chia sẻ ý kiến và dường như không kết nối. Một bạn nữ khác đeo tai nghe và hát trong suốt thời gian học.

Một cô gái khác đứng dậy và đi vòng quanh phòng. Cô ấy được yêu cầu ngồi xuống. Cô ấy làm, nhưng 5 phút sau đứng dậy và đi vòng vòng nữa, sau đó trở về chỗ và rõ ràng không quan tâm đến cuộc thảo luận trên lớp.

Một cậu bé ở giữa lớp phủ đầu bằng mũ, cúi xuống bàn và ngủ; hai cô gái khác cùng bàn cùng trò chuyện về ban nhạc mà họ hâm mộ tới Việt Nam đêm nay.

Giáo viên làm gì với một lớp như thế này? Đây là một tình huống rắc rối mà giáo viên thường gặp phải đặc biệt với những giáo viên trẻ mới đứng lớp.

Truyền cảm hứng

Một số đề xuất trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc truyền cảm hứng cho người học được Th.S Nguyễn Thị Bích và Th.S Phan Thị Phương Thảo đề xuất. Theo đó, điều đầu tiên là cần kích thích tính tò mò nhận thức và chỉ cho người học lợi ích của nội dung học.

Thứ hai, biết giao tiếp sư phạm hiệu quả, tạo được bầu không khí thân thiện trong lớp học.

Thứ ba, sử dụng các phương pháp dạy học và các kỹ thuật dạy học phát huy tính tích cực của người học.

Muốn làm được vậy, người giảng viên cần: Biết giao nhiệm vụ rõ ràng cho người học; giảng viên cần biết phản hồi sự tham gia với nghệ thuật sư phạm cao; cần thiết phải biết tạo áp lực nhẹ cho người học thông qua thủ thuật “bỏ bom” vào bất cứ người học nào trong lớp hay thủ thuật thông qua “khoảng lặng trước cơn bão” (hỏi xong lướt nhìn toàn bộ lớp và chú ý hơn vào người học ít phát biểu và chờ đợi các cánh tay giơ lên hay “bỏ bom” theo ý đồ của giảng viên);

Kích thích sự tham gia thông qua các câu hỏi thiếu thông tin (điền khuyết, câu hỏi nhiều lựa chọn).

Giảng viên cần biết đặt các câu hỏi dẫn dặt. Loại câu hỏi kiến thức hướng vào cái gì, ở đâu, khi nào chủ yếu là câu hỏi mở đầu dành cho tất cả đối tượng đặc biệt là người học có năng lực học tập hạn chế. Logic tiến hành bài học cần được chuẩn bị kỹ và áp dụng khoa học, phù hợp.

Giảng viên cần thu hút sự tham gia của người học vào cuộc tranh luận thân thiện; duy trì hứng khởi, tiếp thêm năng lượng cho người học.

Giao tiếp thân thiện, mối tương tác giữa giảng viên và người học là vô cùng quan trọng trong việc huy động sự tham gia của người học trong lớp.

"Chúng ta nhớ lại trong hóa học có các nguyên tố gọi là khí trơ, đây là những nguyên tố không tham gia vào phản ứng hóa học. Nó giúp tôi liên tưởng đến trong việc giảng dạy.

Nếu người học thực sự không muốn học, không thích học thì dù người giảng viên có sử dụng phương pháp hướng dẫn nào cũng khó để có được hiệu quả. Việc truyền cảm hứng, phát huy tính tích cực của người học để tạo động lực cho người học là điều kiện tiên quyết cho thành công trong dạy học" - 2 giảng viên chia sẻ.

"Huy động sự tham gia của người học vào bài học nói riêng và các hoạt động học trên lớp nói chung là một kỹ thuật và nghệ thuật. Muốn thực hiện được điều đó, giảng viên cần có bài giảng lên lớp phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học.

Bài giảng đó giống như một kịch bản với ba màn: Màn 1 chiếm khoảng 3-5 phút dành cho việc khởi động để thu hút sự tập trung của tất cả các thành viên vào chủ đề bài học. Màn 2 là màn “tổ chức hoạt động học trên lớp” cho người học với các phương pháp và kỹ thuật dạy học hiệu quả, huy động sự tham gia tích cực của người học.Màn cuối dành khoảng 5 phút giảng viên phải chốt lại được nội dung cốt lõi cần ghi nhớ của bài học".

Th.S Nguyễn Thị Bích và Th.S Phan Thị Phương Thảo 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.