Làm gì để giúp trẻ biến việc học thành niềm vui?

GD&TĐ - Con không muốn học là hiện tượng thường thấy khiến nhiều phụ huynh đau đầu. Vậy nên làm gì để giúp con biến việc học thành niềm vui?

Cha mẹ nên sắp xếp vị trí học phù hợp cho trẻ. Ảnh minh hoạ.
Cha mẹ nên sắp xếp vị trí học phù hợp cho trẻ. Ảnh minh hoạ.

Để giúp trẻ biến việc học thành niềm vui, cha mẹ cần xác định thời điểm thích hợp, tốt nhất cho việc học là vào đầu giờ chiều. Ở thời điểm đó, trẻ sẽ nhớ tốt hơn.

Nếu trẻ phải đi học cả ngày, cha mẹ có thể sắp xếp để con học và làm bài cách bữa ăn tối ít nhất là một giờ.

Nguyên nhân trẻ không thích học

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự ham học hỏi góp phần lớn vào kết quả học tập. Ví dụ, khi tò mò về những loài động vật, trẻ sẽ tìm hiểu về chúng qua sách báo, Internet hay tất cả những nguồn mình có. Tò mò, ham học là sự thúc đẩy để chúng ta tìm hiểu những điều mới. Khi trưởng thành, có nhiều cách để kích thích trí tò mò ở mỗi người. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu duy trì điều đó ngay từ khi trẻ còn nhỏ.

Từ khi còn ở trong bụng mẹ, trẻ đã bắt đầu cảm nhận được thế giới bên ngoài. Trẻ có thể cảm nhận được âm thanh, ánh sáng. Đặc biệt, trẻ cũng có thể cảm nhận được cảm xúc của người mẹ, nghe và ghi nhớ thông tin.

Tuy nhiên, càng lớn, trẻ càng trở nên lười học. Điều đó đặt ra yêu cầu về việc có một phương pháp giáo dục hiệu quả. Từ đó, giúp trẻ ham học và giữ được hứng thú với việc học.

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh - Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý - đào tạo kỹ năng Rồng Việt cho biết, thông thường, trẻ kém tập trung trong việc học bởi nhiều lý do. Về lý do khách quan, có thể là vì trẻ không có không gian học tập thích hợp như bàn học không gọn gàng, thiếu dụng cụ học tập. Hoặc, thời điểm học tập không phù hợp, hay thiếu ổn định.

Trong khi đó, lý do chủ quan có thể vì trẻ chưa có sự chuẩn bị về tâm lý - thể chất. Hoặc, trẻ không xác định mục tiêu học tập, cũng như thiếu hứng thú, cảm thấy bị ép buộc. Bên cạnh đó, một số lý do bản thân có thể là thiếu kỹ năng học tập, tập trung và ghi nhớ.

Theo chuyên gia, các phụ huynh có thể thay đổi và cải thiện những yếu tố này bằng cách tạo một không gian học tập giúp trẻ ham học.

“Không gian học tập không đơn thuần là cái bàn học, mà còn là khung cảnh xung quanh. Tùy theo điều kiện gia đình, nhưng bố mẹ hãy sắp xếp để trẻ có được một góc học tập tương đối yên tĩnh, thoáng mát, sáng sủa và không bị các hình ảnh xung quanh chi phối. Cần bố trí ánh sáng phù hợp từ trên và từ bên trái phía sau chiếu đến. Trong giờ học, tránh việc cắt ngang (trẻ đang học chạy đi vệ sinh, uống nước, người giám sát việc học bỏ đi làm việc khác, anh chị em của trẻ đến bàn học nói chuyện...)”, ông Lê Khanh chia sẻ.

Cụ thể, cha mẹ cần chuẩn bị cho trẻ bàn học thích hợp, đủ đồ dùng học tập như bút, thước, hồ dán, kéo, giấy, sách học. Lưu ý, không để tình trạng trẻ ngồi vào bàn rồi mới đi tìm đồ dùng. Ngoài ra, cha mẹ cần dạy trẻ không bầy đồ lung tung trên mặt bàn, chỉ để những gì cần thiết liên quan đến bài học.

Ngoài ra, bàn học và ghế ngồi cần phù hợp với chiều cao của trẻ. Nhờ đó, tránh việc trẻ phải ngồi một cách gò bó, cố gắng viết và nhìn bài tập.

Trẻ có thể dành thời gian ngắn để nghỉ giữa buổi học. Ảnh minh hoạ.

Trẻ có thể dành thời gian ngắn để nghỉ giữa buổi học. Ảnh minh hoạ.

Thời điểm thích hợp

Theo chuyên gia Lê Khanh, thời điểm thích hợp, tốt nhất cho việc học là vào đầu giờ chiều. Ở thời điểm đó, trẻ sẽ nhớ tốt hơn. Nếu trẻ phải đi học cả ngày, cha mẹ có thể sắp xếp để con học và làm bài cách bữa ăn tối ít nhất là một giờ. Việc học sẽ đạt hiệu quả cao khi trẻ làm việc trong khoảng thời gian liên tục từ 20 - 30 phút. Sau đó, trẻ có thể nghỉ ngơi 5 - 10 phút để uống nước, vệ sinh.

Trước khi quay lại việc học, trẻ có thể chơi một số trò trí tuệ. Những trò chơi này sẽ hỗ trợ cho việc nâng cao sự chú ý của trẻ. Trong trường hợp trẻ mệt mỏi hoặc thiếu tập trung, cha mẹ có thể để con nghỉ 10 phút.

“Hãy giúp trẻ thực hiện một lịch hoạt động trong ngày. Trong đó, xác định rõ ràng thời gian học tập tại nhà mỗi ngày. Trước khi bước vào giờ học, trẻ phải đánh dấu vào việc đã làm để thấy rõ là sau việc này sẽ đến giờ học. Tạo sự thoải mái, vui vẻ, không tạo những tình huống hay thông tin chi phối sự tập trung của trẻ trước giờ học. Ví dụ, không la mắng các sai phạm (nếu có) của trẻ, không nói về buổi đi chơi cuối tuần hay một chương trình, một bộ phim hay...”, ông Lê Khanh khuyến cáo.

Ngoài ra, cha mẹ và trẻ cần đặt mục tiêu rõ ràng cho buổi học và trả lời được các câu hỏi như: Hôm nay học những bài gì? Mục tiêu học hôm nay học bao nhiêu trang, làm bao nhiêu bài tập? Bài học có thể chia làm 2 - 3 phần (nếu dài) không?

Các biện pháp để phát triển kỹ năng cho trẻ đến trường:

“Nếu trẻ chưa có thói quen ngồi vào bàn học trong những giờ nhất định, hãy tập ngồi vào bàn theo các nguyên tắc. Trong tuần lễ đầu, mỗi buổi học chỉ dài tối đa 30 phút và có thể chia làm 2 (nghỉ giữa buổi khoảng 5 phút).

Trong tuần lễ đầu nên xen kẽ các bài học và bài tập khả năng chú ý (dưới dạng trò chơi). Trò chơi có thể chiếm một nửa thời gian học để trẻ dần có tâm lý hứng thú với việc ngồi học hơn”, chuyên gia gợi ý.

Khi trẻ đã có thói quen tự ý ngồi vào bàn học khi đến giờ, cha mẹ có thể tăng giờ học lên khoảng 1 - 1 giờ 30 phút. Phụ huynh cần động viên, khích lệ những gì trẻ làm được, làm đúng trong giờ học. Không nên chê bai, phê phán hay đánh mắng khi trẻ thất bại, khó tập trung, quên bài.

Theo ông Lê Khanh, phụ huynh nên biết rằng, mỗi trẻ có nhịp sống (hay đồng hồ sinh học) khác nhau. Vì vậy, nếu được, cha mẹ nên xếp giờ học của trẻ vào thời điểm con tỏ ra thoải mái, sung sức nhất. Do đó, cha mẹ cần lưu ý để xếp giờ học phù hợp.

Việc tham gia trò chơi có thể tạo hứng thú cho trẻ trong học tập. Ảnh minh hoạ.

Việc tham gia trò chơi có thể tạo hứng thú cho trẻ trong học tập. Ảnh minh hoạ.

Dấu hiệu cảnh báo tâm lý

Trong khi đó, chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, Đơn vị Tâm lý - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho rằng, một số trẻ gặp khó khăn trong việc học so với các bạn cùng lứa. Đằng sau những khó khăn đó, ở góc độ tâm lý – tâm thần, cha mẹ cần lưu ý tới một số vấn đề có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập của trẻ.

Cụ thể, trẻ có thể chậm phát triển tâm thần. Khi đó, trẻ có trí tuệ dưới mức trung bình, IQ dưới 70, suy kém trong các hành vi đáp ứng như giao tiếp, kỹ năng sống, xã hội hóa… Những trẻ này thường khó khăn trong việc hiểu và sử dụng ngôn ngữ ở nhiều mức độ khác nhau. Các dấu hiệu thường khởi phát sớm trước 18 tuổi.

Ngoài ra, trẻ học kém cũng có thể do tăng động, kém tập trung. Theo chuyên gia này, rối loạn nổi bật với các triệu chứng kém chú ý, tăng hoạt động, xung động không phù hợp theo tuổi. Những triệu chứng gây ra ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt và các hoạt động trong đời sống hằng ngày. Các vấn đề thường khởi phát trước 7 tuổi và sẽ kéo dài khi trẻ ở tuổi vị thành niên, thậm chí là trưởng thành.

Trẻ cũng có thể mắc các rối loạn đặc hiệu kỹ năng ở trường. Trẻ mắc các rối loạn này thường có trí tuệ ở mức bình thường (không chậm phát triển). Tuy nhiên, trẻ thường thể hiện một số dấu hiệu khó khăn trong đọc, viết chính tả, hoặc tính toán… Các rối loạn này thường xuất hiện kèm theo các vấn đề khác như giảm chú ý, rối loạn hành vi, rối loạn đặc hiệu ngôn ngữ và lời nói…

“Thường, những rối loạn kể trên sẽ là một quá trình diễn tiến từ nhỏ đến tuổi đi học. Nếu trẻ nào mắc các rối loạn thì từ lúc nhỏ đã có một số biểu hiện như chậm nói, chậm vận động, ít chú ý, hay lăng xăng… Vì thế, không phải đợi đến tuổi đi học, phụ huynh mới nhận ra vấn đề khó khăn con gặp phải, mà cần là một quá trình đồng hành cùng con từ nhỏ”, chuyên gia Toàn Thiện chia sẻ.

Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ đang có kết quả học tập bình thường, bỗng kết quả sụt giảm hoặc không chịu đi học, quấy khóc, đó có thể là những dấu hiệu cảnh báo tâm lý bé cần được quan tâm, hỗ trợ. Theo chuyên gia, vấn đề ở đây có thể là gia đình, nhà trường, quan hệ với thầy cô, bạn bè.

“Một số trẻ gặp khó khăn trong tương tác với giáo viên chủ nhiệm, cách giáo dục chưa phù hợp cũng có biểu hiện giảm điểm số hay không chịu đi học. Ngoài ra, phụ huynh cần quan tâm chú ý đến những thay đổi bất thường trong kết quả học tập vì có thể đó là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ trẻ bị bắt nạt, bạo hành ở trường, hay thậm chí là xâm hại. Trong trường hợp này, cha mẹ chính là nguồn lực để giúp trẻ vượt qua. Trong một số trường hợp, tình trạng của trẻ trở nên tiêu cực, cha mẹ cũng nên đưa con đến với các tâm lý gia lâm sàng để được hỗ trợ”, ông Thiện khuyến cáo.

Mô hình đa trí thông minh được Giáo sư Howard Gardner của Trường Đại học Havard (Mỹ) đưa ra vào 1983. Theo ông, ngoài trí thông minh logic toán học, trí thông minh ngôn ngữ mà mọi người thường chú trọng, con người còn có thể sở hữu trí thông minh không gian, cơ thể, âm nhạc, tự nhiên… Từ đó, cho thấy khả năng của trẻ là vô hạn. Vì vậy, rất có thể, trong mỗi đứa trẻ đều tiềm ẩn nhiều khả năng chưa được khám phá và phát huy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ