Làm gì để giảm nguy cơ đột quỵ?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chuyên gia chỉ cách phòng ngừa bệnh đột quỵ, giảm thiểu nguy cơ biến chứng.

Làm gì để giảm nguy cơ đột quỵ?

Cần 400 đơn vị đột quỵ thời gian tới

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) cho biết, trên bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam hiển thị với màu đỏ sẫm.

Nước ta thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới, tỷ lệ ước tính vượt 218/100.000 dân.

Với dân số gần 100 triệu người, mỗi năm Việt Nam có khoảng trên 200.000 ca đột quỵ. Mặc dù vậy, số lượng đơn vị đột quỵ lại quá ít, đến mức rất báo động.

Theo bác sĩ Thắng, đơn vị đột quỵ đầu tiên ở Việt Nam bắt đầu hoạt động vào năm 2005, tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM).

Đến nay, cả nước đã có 110 đơn vị/trung tâm đột quỵ. Mặc dù vậy, phần lớn các đơn vị này lại tập trung tại TPHCM và Hà Nội.

Hậu quả là khá nhiều bệnh nhân từ các tỉnh phải mất vài giờ mới có thể tiếp cận được trung tâm đột quỵ gần nhất.

Bác sĩ Thắng tính toán, hiện nay, cứ một đơn vị đột quỵ ở Việt Nam phải phụ trách trên 2.000 bệnh nhân/năm. Trong khi đó, con số tại Mỹ là 300 bệnh nhân/đơn vị, con số khuyến cáo trong điều kiện lý tưởng là 500 bệnh nhân/đơn vị đột quỵ.

“Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ cần 400 đơn vị đột quỵ trong những năm tới. Hoặc ít ra, phải có khoảng 200 đơn vị để đạt con số 1.000 bệnh nhân/năm/đơn vị đột quỵ”, bác sĩ Thắng chia sẻ.

Phản ứng tức thời tăng cơ hội phục hồi

Theo Bộ Y tế, đột quỵ là biến cố xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho một phần não của chúng ta bị giảm hoặc mất hoàn toàn do mạch máu não bị tắc hoặc bị vỡ.

Đột quỵ được chia thành 2 dạng, đột quỵ do tắc mạch máu não và đột quỵ chảy máu não.

Trong đó, 85% các ca đột quỵ là đột quỵ do tắc mạch não.

Tình trạng này xảy ra khi mạch máu não bị bít tắc (thường là do huyết khối), khiến vùng não bị ảnh hưởng không nhận được máu mang oxy và chất dinh dưỡng tới nuôi. Các tế bào não vùng bị ảnh hưởng sẽ bị hoại tử và không thực hiện được chức năng của nó.

Nguyên nhân của đột quỵ tắc mạch não thường do động mạch não bị hẹp hoặc tắc theo thời gian do xơ vữa hoặc huyết khối.

Những yếu tố thúc đẩy tiến trình xơ vữa động mạch hoặc hình thành huyết khối thường gặp như hút thuốc lá, cao huyết áp, béo phì, tăng cholesterol máu, đái tháo đường, lạm dụng rượu, bệnh lý mắc kèm.

15% các trường hợp đột quỵ là đột quỵ chảy máu não. Tình trạng này xảy ra khi mạch máu não bị vỡ. Từ đó, gây chảy máu trong não hoặc xung quanh não.

Cao huyết áp là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra đột quỵ chảy máu não. Tuy vậy, cao huyết áp thường chưa được kiểm soát và quản lý đầy đủ.

Bệnh nhân cao huyết áp nếu giảm được chỉ số huyết áp cũng sẽ giảm khả năng gặp phải biến cố đột quỵ.

Những nguyên nhân gây tăng huyết áp gồm: Thừa cân, béo phì, ít vận động; hút thuốc lá, lạm dụng rượu; stress - căng thẳng có thể gây ra tăng huyết áp ngắn hạn.

Ngoài tăng huyết áp, những bất thường/ dị dạng mạch máu não cũng là nguyên nhân gây ra đột quỵ do chảy máu não.

Thầy thuốc ưu tú, PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, nhiều nước trên thế giới hiện đưa ra chữ “FAST” để phổ cập các dấu hiệu của đột quỵ.

“FAST” có nghĩa là nhanh (phản ứng tức thời), đồng thời là chữ viết tắt của Face (khuôn mặt), Arm (tay), Speech (lời nói) và Time (thời gian).

Trước hết, dấu hiệu dễ nhìn thấy của đột quỵ là mặt bệnh nhân bị méo. Nếu nghi ngờ, cần yêu cầu bệnh nhân cười, vì khi đó, tình trạng méo có thể rõ hơn.

Dấu hiệu tiếp theo là tay bị liệt. Tình trạng này cũng có thể có diễn tiến từ từ như tê một bên tay, vẫn điều khiển được tay nhưng kém chính xác.

Ngoài tay còn có một số dấu hiệu ở chân như nhấc chân không lên, đi rớt dép...

Dấu hiệu rõ nhất là một số người đột quỵ bị “á khẩu” hay nói đớ. Điều quan trọng là cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế khám ngay khi ghi nhận những dấu hiệu trên.

Có những triệu chứng ở người bị đột quỵ có thể kể đến như: Lẫn lộn, sảng, hôn mê; thị lực giảm sút, hoa mắt; chóng mặt, người mất thăng bằng, không thể đứng vững; đau đầu; buồn nôn, nôn ói…

“Đột quỵ có thể dẫn đến tử vong hoặc nếu may mắn sống sót cũng để lại nhiều biến chứng nặng nề đối với người bệnh. Tùy theo thời gian người bị đột quỵ được phát hiện, đưa vào bệnh viện và điều trị mà mức độ tổn thương hệ thần kinh sẽ khác nhau”, PGS.TS Liệu cho biết.

Theo chuyên gia này, khi bị đột quỵ, càng chậm trễ trong việc điều trị cấp cứu thì hệ thần kinh càng bị tổn hại nặng nề, gây nên hậu quả nghiêm trọng, thời gian phục hồi lâu và thậm chí là không thể phục hồi.

Thông thường, phải mất ít nhất 30 ngày để người bị tai biến mạch máu não có thể phục hồi. Thậm chí, trong một số trường hợp, biến chứng có thể gây thương tổn vĩnh viễn.

Một số biến chứng thường gặp sau khi bị đột quỵ gồm: Bị liệt (1 tay, 1 tay hoặc hết tứ chi); khả năng vận động yếu, khó cử động tay chân; mất ngôn ngữ, nói ngọng, gặp khó khăn trong giao tiếp.

Người bị đột quỵ còn có thể gặp các vấn đề thị giác, vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn cảm xúc…

Thậm chí, trường hợp nặng sẽ dẫn đến tử vong hoặc sống thực vật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ