Mặt bằng lãi suất thấp là nguyên nhân chính và chủ yếu khiến áp lực tỷ giá luôn thường trực khi chỉ số đô la Mỹ (DXY) vẫn duy trì ở mức cao. Vấn đề đặt ra là có nên điều chỉnh tăng lãi suất để giải tỏa áp lực cho tỷ giá?
Lãi suất thấp hơn giai đoạn dịch Covid-19
Theo thống kê, từ đầu tháng 5/2024 đến nay, một số ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất ở một số kỳ hạn từ 0,2 - 0,5 điểm % và chủ yếu tại các kỳ hạn dưới 12 tháng.
Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất huy động vẫn ở mức thấp, thậm chí vẫn thấp hơn mặt bằng lãi suất trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Đây cũng là nguyên nhân chính và chủ yếu khiến áp lực tỷ giá luôn thường trực khi chỉ số đô la Mỹ (DXY) vẫn duy trì ở mức cao.
Trong khi đó, thời gian qua, để làm giảm áp lực cho tỷ giá, phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã rất quyết liệt trong điều hành khi áp dụng nhiều giải pháp như: Điều tiết lượng tiền trong lưu thông, điều hành lãi suất hợp lý, thúc đẩy cho vay xuất khẩu để tạo nguồn cung ngoại tệ, điều hành tỷ giá trung tâm phù hợp để ngăn đầu cơ tích trữ ngoại tệ của doanh nghiệp và ngân hàng thương mại…
Ngoài ra, công cụ mua - bán ngoại tệ kỳ hạn giao ngay hoặc có kỳ hạn cũng được NHNN tính tới để hỗ trợ doanh nghiệp. Giải pháp cuối cùng, nếu cần thiết NHNN sẽ sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để bán ngoại tệ can thiệp thị trường.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ước đạt khoảng từ 3 - 4 tháng nhập khẩu, cao hơn không nhiều so với mức 3 tháng nhập khẩu do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đề xuất. Vì vậy, theo chuyên gia này, Việt Nam có dư địa bán ngoại tệ dự trữ để ổn định tỷ giá, song nguồn lực không quá dồi dào.
Vì vậy, trong nhiều báo cáo mới phát hành của các công ty chứng khoán đều đưa ra nhận định chung rằng, khi VND đã mất giá gần 5% với đồng USD thì đã đến “ngưỡng” buộc NHNN phải có các biện pháp mạnh tay hơn để đảm bảo các cân đối vĩ mô.
Trong báo cáo vừa phát hành, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, nền lãi suất liên ngân hàng tăng lên, cộng với thanh khoản hệ thống bớt dồi dào đã khiến các ngân hàng tăng lãi suất huy động trở lại, hầu hết tập trung vào các kỳ hạn ngắn, mức tăng từ 20 - 30 điểm phần trăm.
Dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng 70 - 100 điểm phần trăm từ giờ đến cuối năm trong bối cảnh nhu cầu tín dụng kỳ vọng sẽ hồi phục.
“Chúng tôi cho rằng, mức tăng này vẫn trong chừng mực kiểm soát và chưa thể tác động làm tăng lãi suất cho vay. Các ngân hàng vẫn sẽ tập trung đi theo định hướng hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, đồng thời việc giữ mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp cũng giúp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, vốn là ưu tiên của các ngân hàng ở thời điểm hiện tại”, chuyên gia KBSV nhận định.
Lãi suất có tăng thời gian tới?
Trong bối cảnh tỷ giá vẫn neo cao, các chuyên gia kinh tế dự báo NHNN sẽ sử dụng nhiều hơn các công cụ về lãi suất, trong đó có khả năng lãi suất tiền gửi sẽ được các ngân hàng điều chỉnh thêm 0,5 - 1,5% trong 3 - 6 tháng tới.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là NHNN sẽ có biện pháp điều hành chính sách tiền tệ như thế nào để hài hòa giữa hai mục tiêu ổn định tỷ giá nhưng lãi suất cho vay vẫn ở mức thấp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp?
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, lãi suất tiết kiệm liên tục dò đáy thời gian qua khiến nguồn gửi vào ngân hàng sụt giảm, trong khi tín dụng bắt đầu tăng trưởng dương tạo sức ép tăng lãi suất huy động với các ngân hàng thương mại.
Chưa kể, khi lãi suất giảm mạnh sẽ tác động lên tỷ giá, khiến áp lực tỷ giá gia tăng và thực tế, chỉ trong hơn một quý đầu năm nay, tỷ giá đã tăng khoảng 5%.
“Đó cũng là lý do nhà điều hành mạnh tay hút tiền trong lưu thông thời gian vừa qua, nhằm giảm áp lực tỷ giá”, ông Huân nói và nhấn mạnh, lãi suất đang nhích tăng do áp lực tỷ giá, tín dụng cải thiện và ngân hàng phải chuẩn bị tốt thanh khoản để đón đầu cầu vốn tín dụng cuối năm.
Chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương thì cho rằng, NHNN mới đây cũng thông báo trên các phương tiện truyền thông rằng không có chủ trương, cũng không đặt nặng vấn đề tăng lãi suất để xem đây như là một trong những biện pháp đóng lại việc trượt giá của đồng nội tệ.
“Tôi cho rằng NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách lãi suất thấp ở mức chấp nhận được và ổn định chứ không phải biến động lúc thấp lúc cao. Bởi, chỉ có giữ lãi suất ổn định mới tốt cho nền kinh tế, tốt cho doanh nghiệp”, ông Phương nói.
Theo chuyên gia này, lãi suất liên quan đến chi phí vốn, dự án đầu tư, kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp mà nếu doanh nghiệp không nắm chắc chi phí vốn biến động thế nào thì sao dám đẩy mạnh việc phát triển, tăng trưởng.
“Thời gian qua NHNN đã rất thành công trong điều hành chính sách tiền tệ. Chẳng hạn như kể cả các quốc gia lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… chưa giảm lãi suất nhiều thì Việt Nam đã chủ động giảm lãi suất trước và giữ trong một thời gian khá dài giai đoạn vừa qua nên tôi tin các giải pháp điều hành của NHNN thời gian tới sẽ linh hoạt và hiệu quả hơn nữa”, ông Phương nói thêm.
Trong khi đó, ở góc độ nhà quản lý, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, điều hành lãi suất đòi hỏi phải hợp lý, vì có liên quan tới chính sách tỷ giá.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này NHNN vẫn chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất, dù tăng hay giảm, mà duy trì lãi suất điều hành hiện nay và khuyến khích các tổ chức tín dụng chủ động giảm lãi suất cho vay, nhất là ở các lĩnh vực ưu tiên, dựa trên lợi thế cạnh tranh, công nghệ, tiết giảm chi phí...
“Thời gian qua, tỷ giá có dao động, đồng nội tệ mất giá, có thời điểm lên đến 5,9%, khiến chi phí nhập khẩu của các doanh nghiệp tăng lên, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu chưa chắc hưởng lợi.
Vì vậy, NHNN đang cố gắng dùng nhiều biện pháp để ổn định tỷ giá, chứ không cố định, bảo đảm trạng thái ngoại tệ bằng 0 chứ không thể âm. Trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ dùng dự trữ ngoại hối, đây là biện pháp mạnh”, ông Tú khẳng định.
“Không để cho mặt bằng lãi suất tăng cao để bù đắp việc biến động của tỷ giá hối đoái, đó là sự đánh đổi đắt giá nhất. Bởi vì, thực tế hiện nay khi tín dụng được mở ra, lãi suất giảm, thì doanh nghiệp đã ở tình trạng quá khó khăn. Do đó, nếu lãi suất vừa giảm xuống ở mặt bằng thấp, giờ lại tăng lên, thì sẽ rất khó cho cả nền kinh tế”. TS Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia