Làm gì để chủ động ngăn ngừa tai nạn điện trong trường học?

GD&TĐ - Việc một học sinh bị điện giật tử vong tại một trường tư thục ở TPHCM mới đây đã làm dư luận nóng lên câu hỏi: Các trường cần làm gì?

Trường THPT Nguyễn Thị Diệu luôn chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn điện cho học sinh trong trường.
Trường THPT Nguyễn Thị Diệu luôn chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn điện cho học sinh trong trường.

Thiết bị điện nào cũng có thể rò rỉ

Mới đây, một học sinh lớp 10 trong lúc chơi thể thao, chạy tới lấy nước uống tại máy lọc nước nóng - lạnh trong khu nội trú một trường tư thục tại TPHCM thì bị điện giật tử vong. Nguyên nhân khiến em học sinh bị điện giật có thể do điện từ máy nóng lạnh bị rò ra những chỗ có khả năng dẫn điện trên bình (như vỏ kim loại của bình).

Theo nhìn nhận của thạc sĩ Hồ Thanh Phương, giảng viên khoa Điện-Điện tử (Trường đại học Bách khoa-ĐHQG TPHCM), việc rò rỉ điện có thể xảy ra ở máy nước nóng cũng như bất kỳ một thiết bị điện nào khác ở nhà trường. Bởi, tất cả các thiết bị điện đều có khả năng xảy ra nguy cơ hư hỏng cách điện, từ đó gây ra điện giật. Nguyên nhân có thể do chất lượng của sản phẩm hay môi trường ẩm ướt dẫn đến thiết bị bị rò điện ra ngoài.

Mức điện áp 220V rất nguy hiểm đối với con người. Vì vậy, biện pháp phòng ngừa chung là phải đảm bảo được sự cách điện, môi trường khô ráo sẽ giúp cách điện duy trì được chất lượng tốt hơn. Đồng thời trang bị thêm thiết bị CB chống giật (ECB, ELCB, RCBO, RCD), biện pháp này quan trọng và cần thực hiện ngay.

“Ngoài sử dụng hệ thống điện hoạt động trong trường, hiện nay nhiều trường dùng máy lọc nước nóng lạnh, máy lọc nước ion kiềm cần chú ý đảm bảo an toàn điện cho học sinh.

Để đảm bảo an toàn 100% cho học sinh khi sử dụng thiết bị điện, các trường (cơ sở công cộng sử dụng nhiều thiết bị điện) phải làm dây bảo vệ nối đất (Dây PE) cho vỏ máy thiết bị sử dụng nguồn kết hợp với ECB. Nếu hệ thống hiện hữu không có công trình dây PE nối đất, trường vẫn có thể gắn thêm ECB để chống giật điện cho học sinh. ECB này cần lắp ở các lớp học, khi có thiết bị rò điện thì CB sẽ tự ngắt kết nối với nguồn điện”, Thạc sĩ Phương nêu đề xuất.

Ngoài ra, Thạc sĩ Hồ Thanh Phương cũng khuyên học sinh phải có kỹ năng tự bảo vệ mình trước các tai nạn do rò điện. Đồng thời nhà trường cũng cần phổ biến kiến thức về sinh hoạt an toàn điện cho học sinh cũng như thông báo về các thiết bị điện trong trường để đảm bảo sử dụng an toàn.

“Khi sử dụng các thiết bị điện hoặc lấy nước, thức ăn… từ các thiết bị điện, các em phải đứng trên giày khô ráo. Người phải khô ráo, tay chân khô ráo, không chạm vào kim loại, không nên dùng ly chén inox, kim loại để lấy nước từ các bình có cắm điện để lỡ thiết bị có bị rò rỉ điện thì người cũng không bị điện giật. Cha mẹ học sinh cũng cần dạy cho các em về an toàn điện để tránh những tai nạn thương tâm”, Thạc sĩ Phương chia sẻ.

Tuyên truyền kiến thức về an toàn điện. Ảnh minh hoạ/INT

Tuyên truyền kiến thức về an toàn điện. Ảnh minh hoạ/INT

Chủ động ngăn ngừa tai nạn

Cùng với việc chủ động rà soát lại hệ thống, trang thiết bị điện, đảm bảo công tác dạy và học trong năm học 2023 - 2024, các trường học tại TPHCM luôn chú trọng đến việc tuyên truyền, trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng sử dụng điện an toàn cho học sinh. Đặc biệt, sau sự cố đã có học sinh bị điện giật tử vong ngày 5/9 vừa qua, công tác đảm bảo an toàn về điện trong trường học rất cần được các nhà trường chú trọng hơn nữa.

Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Quận 3) có 1.765 học sinh với 40 lớp học. Để đảm bảo an toàn về điện trong quá trình học tập, thường vào dịp hè nhà trường đã tiến hành rà soát lại toàn bộ lưới điện, sửa chữa, thay thế kịp thời những thiết bị không đảm bảo an toàn.

Cô Nguyễn Thị Tường Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu cho biết, nhà trường thường xuyên nhắc nhở, trang bị những kiến thức cơ bản về sử dụng điện an toàn thông qua các tiết sinh hoạt dưới cờ, dán poster an toàn điện, tiết kiệm điện ở bảng tin và trong lớp học.

Qua đó học sinh đã nắm bắt được thông tin về công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, phòng ngừa tai nạn điện, công tác phòng chống cháy nổ và sử dụng an toàn, tiết kiệm điện... Ngoài ra, hàng ngày vào giờ tan lớp, tổ trưởng giám thị và nhân viên thiết bị sẽ đi từng phòng kiểm tra về các thiết bị điện.

“Ngoài tiết sinh hoạt dưới cờ, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nhắc nhở học sinh sử dụng an toàn điện qua các tiết sinh hoạt lớp. Tất cả cũng nhằm một mục đích giáo dục các em trong quá trình sử dụng điện tại trường hoặc ở nhà đều phải có kỹ năng cơ bản để phòng tránh tai nạn. Việc học sinh được trang bị đầy đủ các kiến thức về sử dụng điện an toàn sẽ giúp các em có ý thức, trách nhiệm hơn trong sử dụng điện, hạn chế tối đa các tai nạn đáng tiếc do điện gây ra”, cô Minh chia sẻ.

Còn đối với các trường tiểu học, mầm non, nơi học sinh chưa nhận thức đầy đủ về các thiết bị điện, ban giám hiệu cũng như các thầy, cô giáo thường xuyên nhắc nhở các em về an toàn điện cũng như tạo môi trường an toàn nhất cho các em, tránh những sự cố đáng tiếc.

Tại Trường Tiểu học Sơn Cang (quận Tân Bình), cùng với kiểm tra, thay thế những thiết bị điện không đảm bảo an toàn trước khi bước vào năm học mới, nhà trường thường xuyên nhắc nhở, trang bị những kiến thức cơ bản về sử dụng điện an toàn thông qua các tiết học, giờ ngoại khóa cho cán bộ, giáo viên, học sinh.

Thầy Nguyễn Hồng Phúc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường có 873 học sinh, các em đang ở độ tuổi tò mò hiếu động, thích khám phá. Do đó, để đảm bảo an toàn khi các em đến trường, nhất là an toàn điện, thầy, cô giáo đã hướng dẫn, tuyên truyền cho học sinh nhằm giáo dục các em trong quá trình sử dụng điện tại trường hoặc ở nhà đều phải sử dụng an toàn, đúng cách để phòng tránh tai nạn.

Trong đó chú trọng đến những nội dung như: Không nên chạm vào dây điện đứt rời hoặc dây điện bị hở hay không được đưa ngón tay hoặc que đâm, chọc vào các ổ cắm điện và tuyệt đối không chạm đến bất kỳ dụng cụ điện nào khi tay còn ướt để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc về điện xảy ra…”.

Em Thái Đặng Bảo Linh, lớp 11A05, Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Quận 3) cho biết: “Hàng tuần, em và các bạn trong lớp đều được giáo viên chủ nhiệm, thầy cô giám thị hướng dẫn, tuyên truyền và có kỹ năng cơ bản nhất để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc về điện. Nắm rõ những kỹ năng đó em cũng đã chia sẻ với người thân, những người mình biết để mọi người giữ an toàn cho bản thân”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.