Lạm dụng mạng xã hội: Dễ cô đơn, trầm cảm

Sự việc một nam thanh niên trèo lên tận đỉnh tháp cầu Thuận Phước, Đà Nẵng (cao 50m) quay video nhào lộn mạo hiểm để đăng lên mạng xã hội “câu view” cho thấy, “sống ảo” ngày càng có xu hướng trở thành trào lưu. Nhiều người, dù đang ở đâu cũng đều sẵn sàng chụp ảnh, đăng lên mạng xã hội, thậm chí luôn dán mắt vào màn hình điện thoại thay vì trò chuyện cùng nhau... 

Lạm dụng mạng xã hội: Dễ cô đơn, trầm cảm
Việc lạm dụng mạng xã hội đã và đang gây ra nhiều hậu quả khó lường, nhất là khiến bản thân dễ rơi vào trạng thái cô đơn, trầm cảm.

Nam thanh niên “sống ảo” (dấu x) trèo lên tận đỉnh tháp cầu Thuận Phước, Đà Nẵng được lực lượng chức năng đưa xuống an toàn


“Sống ảo”, hậu quả thật...

Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), nếu như trước đây, trung bình mỗi ngày, tại đây chỉ có khoảng 20-30 bệnh nhân đến khám về các vấn đề tâm lý, tâm thần, trầm cảm, thì hiện nay con số này đã tăng lên từ 200 đến 250 bệnh nhân. Điều đáng nói, không ít trường hợp được gia đình đưa đến điều trị trầm cảm, tâm thần phân liệt có yếu tố liên quan tới việc “nghiện” mạng xã hội Facebook, thích “sống ảo”…

Viện Sức khỏe tâm thần từng tiếp nhận điều trị chứng trầm cảm cho một sinh viên (20 tuổi, quê ở Thái Nguyên), học tại trường đại học lớn ở Hà Nội. Do nghiện mạng xã hội trong một thời gian dài, sinh viên này đã phải bỏ dở việc học hành, trở về quê. Đến khi sức khỏe ngày càng giảm sút, dấu hiệu trầm cảm rõ rệt, gia đình mới đưa bệnh nhân đến viện…

Không chỉ ở Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) mà tại Bệnh viện Tâm thần trung ương I, các bác sĩ cũng tiếp nhận không ít bệnh nhân ngại giao tiếp trong thực tế, thường xuyên “sống ảo” trên mạng xã hội, bị hoang tưởng... Đơn cử như trường hợp của bà mẹ trẻ B.T.T (26 tuổi ở Hà Nội).
Sau khi nghỉ làm ở nhà sinh con, T. tìm đến chiếc điện thoại thông minh làm bầu bạn. Hằng ngày, T. thường xuyên chụp ảnh “tự sướng” rồi đăng lên Facebook và rồi “ôm” chiếc điện thoại hàng tiếng đồng hồ để chờ những lượt like, những dòng trạng thái chia sẻ của bạn bè.
Thậm chí, T. còn bỏ ăn uống, trông con, cho con bú để dành thời gian cho việc lướt Facebook. Khi được gia đình đưa đến bệnh viện, cân nặng của T. bị sụt giảm nghiêm trọng. Qua các xét nghiệm, bác sĩ kết luận, T. bị mắc chứng trầm cảm.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), không chỉ ở nhóm học sinh, sinh viên mà bất kỳ ở độ tuổi, giới tính nào cũng có thể nghiện Facebook. Khi nghiện Facebook, bệnh nhân có thể mất ngủ, ăn uống kém, thiếu các kỹ năng giao tiếp xã hội, giảm sút các mối quan hệ thật do “sống ảo”, kéo theo đó là hiệu suất công việc, học tập giảm, thậm chí có thể dẫn đến sử dụng ma túy, chất kích thích…

Đừng đánh mất tương lai vì mạng xã hội

Bác sĩ Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương I cũng cho biết, phần lớn bệnh nhân nghiện mạng xã hội phải nhập viện điều trị đều mắc chứng trầm cảm nặng. Những ca bệnh này thường khó điều trị hơn so với bệnh trầm cảm thông thường.
Người bệnh ở giai đoạn cấp tính, điều trị cần ít nhất 6 tháng. Nếu tình trạng nghiện kéo dài, bệnh sẽ chuyển sang mạn tính và thời gian điều trị có thể kéo dài từ 3 đến 5 năm.

Tình trạng lạm dụng mạng xã hội diễn ra ở mọi lứa tuổi, phổ biến là giới trẻ

Còn theo bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), qua thăm khám lâm sàng, qua nhiều nghiên cứu dường như có mối liên quan giữa tính tự ti đối với nghiện Facebook. Nguyên nhân là những người có tính cách như vậy thường tìm đến mạng xã hội, thích chụp ảnh “tự sướng” với tần suất cao như một nơi để thể hiện bản thân trong khi không dám thể hiện ở ngoài đời thực.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra rằng, nghiện Facebook có thể dẫn tới mất ngủ, gây ra trầm cảm. Thậm chí, có người khi không có mạng để vào Facebook hoặc bị ngăn cấm sử dụng sẽ cảm thấy bồn chồn, khó chịu. Khi một người vào Facebook mọi lúc, mọi nơi kể cả khi đang làm việc, đang học thì nên ngừng lại hoặc giảm tần suất.
“Đừng đánh mất tương lai vì mạng xã hội. Nếu nhận thấy mình có nguy cơ trên, nên dừng sử dụng và tìm đến sự can thiệp về tâm lý nếu không muốn gặp phải những hệ lụy…”, bác sĩ Lê Thị Thu Hà nói.

Hiện tại, trên thế giới cũng chưa có mã bệnh về nghiện Facebook nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, Tiến sĩ Nguyễn Doãn Phương khuyến cáo, bên cạnh việc điều trị giảm các triệu chứng bệnh, các bác sĩ phải tư vấn cho gia đình bệnh nhân cách phân bổ thời gian sử dụng điện thoại và mạng xã hội. Với mỗi người khi dùng mạng xã hội cần tự lập cho mình thói quen sử dụng có giờ giấc.
Mỗi ngày nên vào Facebook vào một giờ cố định, thời lượng nhất định. Song song với đó, người dùng mạng xã hội nên tham gia bù đắp cái “thiếu” khi không có Facebook bằng những hoạt động thú vị ngoài đời thực như: Thể thao, đọc sách, dự một lớp học kỹ năng, chăm sóc gia đình, gặp gỡ bạn bè...
 
Bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, để kiểm tra bản thân có bị nghiện, lệ thuộc Facebook hay không, có thể dùng thang đo nghiện Facebook của các nhà nghiên cứu ở một trường đại học tại Na Uy.
Bản kiểm tra bao gồm 6 câu hỏi: Bạn có thường hay nghĩ đến Facebook và sử dụng nó không? Bạn có thấy cần dùng Facebook nhiều hơn nữa không? Bạn có dùng Facebook để đăng nỗi niềm riêng không? Bạn đã thử từ bỏ Facebook mà không thành chưa? Bạn có thấy bồn chồn, khó chịu khi không dùng Facebook không? Bạn có dùng Facebook nhiều đến nỗi ảnh hưởng đến công việc không? Người trả lời mỗi câu hỏi trong thang từ 1 đến 5 điểm, gồm: Rất hiếm khi, hiếm khi, thỉnh thoảng, thường xuyên và rất thường xuyên. Điểm số từ 24 điểm trở lên được xem là nghiện.
Theo Tiếng chuông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ