Làm dâu ngược

Nhắc đến mối quan hệ “mẹ chồng – nàng dâu”, nhiều người cho rằng mẹ chồng luôn là người “giữ kèo trên”. Trong khi đó, cùng với những biến chuyển (cả tích cực lẫn tiêu cực) trong xã hội, thế chênh lệch này đã thay đổi rất nhiều.

Làm dâu ngược

Trong không ít trường hợp, mẹ chồng mới là người “dưới cơ”, nhất là với những nàng dâu hiện đại dù nếu không hiểu rõ, các bà mẹ chồng rất dễ mang tiếng oan, như trường hợp mẹ tôi chẳng hạn.

Em dâu tôi là trí thức, xinh xắn, hiện đại. Dù chồng em là con út nhưng hai đứa nhất định không ở chung với bố mẹ tôi dù chỉ có hai ông bà sống trong căn nhà rộng thênh thang (mấy chị em tôi lập gia đình đều ra riêng hết). 

Lấy lý do mẹ chồng kỹ tính, cách sống không phù hợp, ở chung không được bày biện, trang hoàng nhà cửa theo ý mình, không được tự do đi sớm về trễ hoặc ngủ nghỉ theo ý thích, không được thoải mái tiếp đón gặp gỡ bạn bè ở nhà nên dù không dư dả gì mấy, vợ chồng em vẫn ráng mua một căn nhà bé tí chỉ để được ở riêng cho tự do dù mẹ tôi chưa bao giờ nhắc nhở, tỏ ra khó chịu hay có ý kiến gì về những chuyện đó trong khoảng thời gian hai năm đầu sau cưới khi vợ chồng em vẫn ở chung nhà mẹ.

Mang tiếng ở riêng nhưng vì gần nhà mẹ nên có việc gì hai em cũng về nhờ bố mẹ. Sinh hai con, đứa nào em cũng nhờ nội giữ tới lúc đi mẫu giáo. 

Cơm nước thì mẹ tôi nấu sẵn sàng, chiều nào cũng vậy, đi làm về, vợ chồng em chỉ việc sang rước con (vốn đã được ông bà cho ăn uống, tắm rửa sạch sẽ thơm tho), vợ chồng ăn uống xong mới về. 

Đến cả việc rửa chén mẹ tôi cũng giành làm vì sợ con dâu đi làm về mệt, với ý nghĩ người già vận động nhiều sẽ tốt hơn, với lại ở nhà cũng chẳng làm gì nhiều nên mẹ chẳng để con dâu động tay vào bất cứ việc gì mỗi khi về nhà. 

Thế nên đã hai con mà vợ chồng em cứ như thuở còn son, cuối tuần xem ca nhạc, xem phim, lễ lạc thì du lịch, tiệc tùng cùng bạn bè, mỗi lần như vậy thì con cái gửi hết về nội cho rảnh tay. 

Sướng vậy mà tôi không hiểu em dâu tôi còn kêu ca nỗi gì! Hàng xóm thường trêu mẹ tôi “làm dâu ngược”, đời bây giờ toàn mẹ chồng “hầu” con dâu chứ dễ gì ngược lại!

Nhỏ bạn tôi thì tự hào về cách để không bị mẹ chồng “hiếp đáp”. Ngày mẹ chồng mở lời nhờ nhỏ cho hai đứa cháu lên ở nhờ để đi học, nhỏ đã “chặn” trước bằng cách “nhắc khéo” mẹ chồng về khoản đóng góp hàng tháng của hai đứa cháu với lý do là nhà vợ chồng mua trả góp, mỗi tháng ngoài các khoản sinh hoạt phí này nọ còn phải dành dụm để trả tiền nhà chứ không dư dả gì để kham thêm hai đứa cháu đang tuổi ăn tuổi lớn. 

Khi tôi hỏi thái độ của mẹ chồng sau đó thế nào, bạn tôi tỉnh bơ: mẹ chồng có vẻ không vui lắm về sự tính toán, sòng phẳng của mình nhưng thà mất lòng trước được lòng sau. Hơn nữa, nếu nhân nhượng với bà một lần thì sẽ có tiếp những lần sau, lúc đó mình chỉ có thiệt!

Không chỉ em dâu hay cô bạn tôi mà nhiều cô gái bây giờ chưa bước chân vô nhà chồng đã mang sẵn tâm trạng thủ thế, đề phòng để sẵn sàng đối đầu với mẹ chồng khi “đụng độ”, để khỏi bị “xử ép”. 

Nói thật, nếu cứ vậy thì làm sao có thể thương mẹ chồng được như mẹ mình? Hãy đặt mình vào vị trí của mẹ chồng để có cái nhìn cảm thông hơn, nếu không, hãy suy nghĩ theo cách của nữ sĩ Xuân Quỳnh như trong hai câu thơ:

“Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi” (*)

Nghĩ được như tác giả Xuân Quỳnh cũng như đừng quá thực dụng hay chỉ nghĩ đến mình, tôi tin rằng mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu sẽ tốt đẹp hơn vì không bà mẹ chồng nào nỡ đối xử tệ với một nàng dâu có tấm lòng, biết cách ăn ở, suy nghĩ trước sau!

ĐÀO AN NHIÊN

(*): Lời bài thơ Mẹ của anh, tác giả Xuân Quỳnh

Theo phunuonline.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.