(GD&TĐ) - Khói lửa, quả nổ, đạn bắn... là khâu quan trọng trong việc tạo ra hiệu ứng đặc biệt cho phim. Đây cũng là một công việc mang tính nguy hiểm, đòi hỏi chuyên môn cao. Tuy nhiên, trên thực tế, quy trình kỹ thuật làm phim đầy nguy hiểm này đã bị xem nhẹ, phá bỏ, thiếu chuyên nghiệp nên trong lịch sử phát triển của mình, điện ảnh Việt đã và đang phải chứng kiến những tai nạn đáng tiếc xảy ra với người làm phim.
Hậu quả từ nghiệp dư
Theo ước tính của các nhà chuyên môn thì Việt Nam đã có trên 500 bộ phim nhựa được sản xuất có liên quan đến khói lửa, đạn dược. Thế nhưng vấn đề quản lý, sử dụng vũ khí, thuốc nổ, đạn dược... lại chưa được quan tâm một cách thích đáng nên đã xảy ra nhiều tai nạn đáng tiếc.
Người làm phim chiến tranh chịu nhiều áp lực về nguy hiểm |
Tại hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, trong quá trình làm phim đã từng xảy ra vụ phát nổ khiến một chuyên viên bị thương và một người tử vong. Quá trình thực hiện cảnh quay cháy nổ của công ty giải trí Lạc Việt cũng phát ra tiếng nổ gây cháy thật khiến 9 người bị thương. Diễn viên Lê Quang khi đóng phim Dòng máu anh hùng cũng bị một cây súng dội ngược đạn vào mắt và phải đi bệnh viện. Mẩu hỗn hợp sáp giấy (được làm thay cho thuốc súng) do bắn ra quá mạnh cũng đã găm và làm chảy máu diễn viên Trung Dũng khi đóng phim Người Bình Xuyên. Một diễn viên quần chúng cũng bị tai nạm mất một mắt vì sức văng của đạn giả quá mạnh khiến di vật xuyên qua kính bảo vệ đâm thẳng vào mắt trong quá trình làm phim Đô la trắng. Và gần đây nhất là vụ nổ khiến 11 người thiệt mạng trong đó có 6 người trong gia đình một chuyên viên khói lửa đồng thời là Giám đốc Hãng phim Lạc Việt.
Chưa thể thay thế
Có thể nói phim nhựa có sử dụng đến đạn dược khói lửa tồn tại sự nguy hiểm cao đòi hỏi tính chuyên nghiệp. Thế nên trong những cảnh diễn ra có bom rơi, đạn nổ, nhà cháy... thì hầu hết các đoàn làm phim đều mang tâm lý áp lực nặng nề về sự an toàn song không thể không làm. Không đạo diễn nào có thể dám chắc 100% tai nạn sẽ không xảy ra nếu người làm khói lửa bất cẩn, hoặc thiếu chuyên nghiệp. Giải pháp duy nhất hiện nay các đạo diễn có thể áp dụng để mang tới sự an toàn cho đoàn làm phim đó là tận mắt chứng kiến quá trình làm việc của chuyên gia khói lửa và luôn nhắc nhở sự cẩn thận.
Đạo diễn Bùi Tiến Dũng cho rằng, phim chiến tranh không có súng đạn và thuốc nổ thì không làm được. Việc thay thế bằng hiệu ứng 3D hoàn toàn chỉ dùng cho hoạt hình hoặc những bộ phim kinh phí khổng lồ. Và dù có bao nhiêu tiền thì phim chiến tranh vẫn phải có nổ thật nếu không muốn biến bộ phim truyện thành hoạt hình 3D. Chính vì vậy, nếu không muốn xảy ra những tai nạn đáng tiếc trong quá trình làm phim thì điện ảnh Việt vẫn đang trông đợi vào những ê kíp hiệu ứng khói lửa biết việc và trách nhiệm.
Thay cháy nổ thật bằng công nghệ 3D sẽ đòi hỏi kinh phí lớn |
Tuy nhiên, thời gian qua với một số đạo diễn đã có sự trải nghiệm trong việc thực hiện các cảnh cháy nổ, khói lửa... đã cảm thấy sợ hãi về sự an toàn cho diễn viên cũng như đoàn làm phim nên đã khiến họ quyết định sử dụng hiệu ứng 3D trong các cảnh quay cháy nổ. Mặc dù để làm công nghệ này thì cũng đồng nghĩa với việc họ phải chấp nhận kinh phí làm phim tăng lên gấp đôi so với việc để chuyên viên khói lửa thực hiện.
Không thể không chuyên nghiệp
Từ những vụ tai nạn đáng tiếc trong quá trình làm phim có sử dụng đạn dược khói lửa đã để lại những bài học, sự cảnh báo về quy trình sản xuất phim nguy hiểm chưa được quan tâm đúng mức trong bối cảnh người người, nhà nhà đầu tư làm phim và quy trình kỹ thuật làm phim bị phá bỏ. Đơn cử như trường hợp của Giám đốc Hãng phim Lạc Việt khi để thuốc và kíp nổ trong nhà đã gây ra vụ nổ khiến 11 người thiệt mạng là việc làm vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc bảo quản vũ khí, thuốc nổ, chất nổ theo quy định.
Không những thế, hiện nay việc tạo ra hiệu ứng khói lửa, cháy nổ trong các phim chiến tranh, phim lịch sử chủ yếu được thực hiện bởi đội ngũ là bộ đội xuất ngũ, tự học, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và nâng cao kinh nghiệm. Sự an toàn của diễn viên và cả đoàn làm phim vẫn phụ thuộc chính vào đội ngũ này. Các nhà làm phim Việt vẫn chưa có được những loại thuốc nổ được sản xuất chuyên biệt không có tính chất gây sát thương cho quá trình làm phim.
Và theo nhận xét của nhiều đạo diễn điện ảnh đã làm những bộ phim về chiến tranh hoặc có sử dụng tới khói lửa, đạn dược thì dẫu nhiều cảnh quay ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của cả đoàn làm phim nói chung và diễn viên nói riêng nhưng vấn đề khói lửa chưa được coi trọng và được đầu tư đúng mức. Cũng chính vì thiếu chuyên nghiệp cộng với sự coi nhẹ nên các đoàn làm phim cũng đầu tư cho khâu đoạn này khá hạn chế về kinh phí. Tính đến nay đã trải qua 60 năm hình thành và phát triển song điện ảnh Việt vẫn đang “khuyết” công nghệ về khói lửa đạn dược.
Có đạo diễn đã thẳng thắn chia sẻ: làm phim chiến tranh là cầm sẵn chìa khóa vào nhà tù nếu cẩu thả, không tuân thủ các nguyên tắc liên quan đến cháy nổ. Với họ, “bí quyết” tạo ra sự an toàn luôn là cẩn thận. Làm phim chiến tranh cũng đồng nghĩa với việc đạo diễn cần tính toán chuẩn số lượng thuốc nổ, kíp nổ... cần thiết. Quá trình thực hiện các cảnh quay liên quan đến khói lửa phải được giao cho những chuyên viên đặc biệt được đào tạo và có kinh nghiệm, chuyên nghiệp về khói lửa. Việc thực hiện làm các quả nổ phải được tiến hành đúng các quy trình như chủng loại vật liệu nổ, kíp nổ, dây dẫn, ắc quy... phải được kiểm tra và để ở những kho đặc biệt, xa các khu dân cư, thậm chí khi ra trường quay phải được chở trên các phương tiện riêng biệt. Ngành quân đội sẽ là đơn vị quản lý giữ số vũ khí, thuốc nổ, kíp nổ này. Sau mỗi cảnh quay, người của quân đội sẽ kiểm tra vũ khí, lượng thuốc nổ, kíp nổ chưa dùng hết đưa về kho của quân đội cất giữ nghiêm ngặt theo quy định.
Theo Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Vụ nổ khiến 11 người thiệt mạng trong đó có 6 người trong gia đình một chuyên viên khói lửa đồng thời là Giám đốc Hãng phim Lạc Việt là việc đau xót trong hoạt động sản xuất phim. Các đơn vị sản xuất phim cả nhà nước và tư nhân phải nghiêm khắc rút ra bài học khi sử dụng vật liệu gây nổ, chất dễ cháy trong sản xuất phim. Đó là phải triệt để tuân theo những quy định hiện hành về việc bảo quản, sử dụng những vật liệu. |
Thái Thanh