Liên tục trong thời gian gần đây, với thanh khoản dồi dào, nhiều ngân hàng đồng loạt thông báo giảm lãi suất cho vay. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho khách hàng đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong các tháng cao điểm cuối năm. Tuy nhiên, không ít khách hàng lại đang khốn khổ với những khoản vay cũ lãi suất cao.
Nhằm kích cầu vốn trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay, cả với tín dụng tiêu dùng cá nhân.
Lãi suất cho vay giảm 0,3-1,0%
Nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng trong nhóm Big 4, đã đồng loạt giảm mạnh lãi suất cho vay tiền đồng từ 0,3 - 1%/năm. Lãi suất cho vay thấp nhất ở mức 4,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và cao nhất lên đến 7,5% cho khoản vay trung, dài hạn cố định lãi suất.
Tại Vietcombank, lãi suất cho vay kinh doanh với các doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm còn từ 5,9%/năm, với các khoản giải ngân mới từ 13/10/2020; còn lãi suất cho khách hàng cá nhân giảm còn từ 6,5%/năm. Với một số sản phẩm vay vốn riêng biệt, khách có thể được hưởng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,7%/năm, áp dụng cho các khoản giải ngân mới từ ngày 20/10.
Agribank cũng thông báo giảm thêm 0,3% lãi suất với các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh áp dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, Agribank dành khoản tín dụng với quy mô lên đến 35.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay với lãi suất 4,5%/năm (mức trần theo quy định) cho các khoản vay ngắn hạn; các khoản vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm. Đây là lần thứ 4 liên tiếp kể từ đầu năm 2020 Agribank giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, từ nay đến 30/06/2021, Agribank triển khai các gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp FDI với mức lãi suất vay ngắn hạn thấp nhất là 4,8%/năm.
Trước đó, BIDV cũng đã giảm lãi vay 0,5%/năm đối với khách hàng cá nhân vay kinh doanh bị ảnh hưởng dịch Covid-19, còn 5 - 6%/năm tùy theo kỳ hạn. Ngoài ra, BIDV còn dành 70.000 tỷ đồng cho vay kinh doanh với lãi từ 5,5%/năm, kỳ hạn dưới 12 tháng, còn từ 36 tháng có lãi là 7,2%/năm...
Không chỉ các ngân hàng thương mại Nhà nước lớn, mà nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp nhất nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, HDBank đưa lãi suất của gói Swift SMEs 5.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay từ nay đến cuối 2020 với lãi suất giảm từ 6,5%/năm còn 6,2%/năm; VPBank cho khách hàng cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình vay để sản xuất kinh doanh với mức lãi suất từ 5,99%/năm từ nay tới cuối năm với hạn mức cho vay lên 20 tỷ đồng, thời gian vay 24 tháng, cho vay 70 - 75% tài sản thế chấp.
Trong khi đó, MB áp dụng lãi suất cho vay kinh doanh từ 6,8%/năm với hạn mức 80% nhu cầu vốn trong thời hạn tối đa 15 năm, cho vay cá nhân xây và sửa nhà với lãi suất 0,57%/tháng (tức 6,84%/năm); ABBank đưa mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,9%/năm trong chương trình "Vay ưu đãi - lãi an tâm" và từ 7%/năm trong chương trình "Vay kinh doanh - phát tài nhanh" dành cho các hộ kinh doanh cá thể; SeABank cũng triển khai cho vay với lãi suất từ 7,5%/năm dành cho khách hàng cá nhân và từ 6,5%/năm dành cho khách hàng doanh nghiệp từ nay đến hết 31/3/2021.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác như OCB, MSB... cũng đã đưa ra các gói lãi suất cho vay ưu đãi hoặc giảm lãi suất nhằm hỗ trợ khách hàng.
Với các ngân hàng nước ngoài như Shinhan Việt Nam, từ đầu tháng 10/2020, ngân hàng này giảm tiếp lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân. Cụ thể, lãi vay cố định 12 tháng giảm còn 6,5%/năm; cố định 24 tháng còn 7,4%/năm và cố định 36 tháng giảm còn 8,0%/năm. Đồng thời, lần đầu tiên nhà băng này còn triển khai gói vay mua nhà cố định lãi suất lên đến 48 tháng với lãi suất chỉ 8,7%/năm.
Tuy nhiên, lãi vay mua nhà cho khách hàng cá nhân cạnh tranh nhất thuộc về ngân hàng Standard Chartered với mức cố định 12 tháng chỉ còn 5,99%/năm; cố định 24 tháng còn 6,09%/năm và cố định 36 tháng là 6,99%/năm.
Khốn khổ với lãi vay cũ
Trong khi các hợp đồng vay mới giảm mạnh lãi suất, mang lại cơ hội cho nhiều khách hàng cá nhân cũng như doanh nghiệp, thì những khách vay cũ lại đang khốn khổ với lãi suất cao đã vay trước đó.
Khách hàng P.T.T (Quận 7, Tp.HCM) cho biết, vào tháng 7/2018, chị vay ngân hàng S. số tiền 2,5 tỷ đồng để mua nhà với mức lãi suất cố định 8,6% trong 2 năm, từ năm thứ 3 lãi suất thả nổi (được tính theo lãi suất của ngân hàng công bố tại thời điểm đó, cộng biên độ 4%). Từ tháng 7/2020, lãi vay của chị đã được điều chỉnh tăng lên hơn 12%/năm cho khoản vay còn lại 1,5 tỷ. Trong khi đó liên tục trong 2 tháng 9 và 10, hàng loạt ngân hàng thi nhau giảm lãi suất cho vay, trong đó có cả ngân hàng chị đang vay. Với mức lãi suất cho vay mới áp dụng tại ngân hàng S., mức chênh lệch cho khoản vay cũ lên đến hơn 4%.
"Lãi suất huy động của ngân hàng đã giảm từ nhiều lần trong thời gian gần đây nhưng tôi không được giảm lãi cho vay do thời điểm áp dụng lãi huy động và lãi vay còn cao. Tôi có kiến nghị lên ngân hàng nhưng không được giải quyết giảm lãi vay", chị T.T bức xúc nói.
Trường hợp của anh N.H (Quận 1) cũng tương tự. Anh vay ngân hàng A. số tiền 2 tỷ trong 5 năm vào tháng 8/2019 với lãi suất cố định 12 tháng, một mặt lãi suất cố định 12 tháng thấp hơn cố định 24 hay 36 tháng. Vì anh nghĩ nếu bán được nhà sớm sẽ trả ngân hàng và chịu phạt lãi suất 2%. Tuy nhiên, năm 2020 do vướng đại dịch Covid-19 nên nhà không bán được, khách thuê cũng trả nhà, công việc hiện tại lương của anh cũng bị giảm 30% nên các khoản trả nợ rất khó khăn. Trong khi đó, lãi suất thả nổi (cộng thêm biên độ 3%) sau 1 năm vay vọt lên khá cao, chênh lệch cũng 4-5% so với lãi suất cho vay hiện tại.
"Hiện tại các hợp đồng vay mới chỉ áp dụng lãi suất cho vay 5 - 7%/năm nên tôi định mượn tiền của người thân trả ngân hàng rồi vay lại để được lãi suất vay rẻ hơn", anh N.H tính toán.
Anh H.A (Quận 4) cũng bức xúc với khoản vay hiện tại ở ngân hàng B. "Cứ nói lãi vay giảm, nhưng tôi vẫn phải trả khoản vay trên 12%. Bao nhiêu năm nay tôi vay ở ngân hàng B. chưa trễ hạn trả nợ ngày nào, nhưng hiện tại lãi suất vay phải trả cao hơn rất nhiều so với khách hàng vay mới. Có vài ngân hàng đã tư vấn cho tôi chuyển nợ vay cũ sang ngân hàng họ để hưởng lãi vay ưu đãi, tôi sẽ nghiên cứu thực hiện cách này", anh H.A cho biết.
Trường hợp khách hàng cá nhân vay ít để mua, sửa chữa nhà thì chuyển nợ có thể dễ dàng, nhưng với những doanh nghiệp có khoản vay lớn thì cách chuyển nợ này thực sự khó khăn. Doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp nằm trong các nhóm ngành ưu tiên, đang "mắc kẹt" với khoản nợ cũ lãi cao, không thể xây dựng phương án kinh doanh tốt để tiếp cận nguồn tín dụng mới, chưa kể những trường hợp bị ngân hàng thương mại làm khó, từ chối cơ cấu lại nợ và tính toán lại lãi vay nợ cũ...
Trường hợp doanh nghiệp N.T.S đang vay vốn tại ngân hàng S. là một điển hình. Sau thời gian vay ưu đãi lãi 8,8%/năm để mở rộng nhà xưởng và đầu tư thêm dây chuyền mới, ngân hàng T. vừa tăng lãi suất vay lên 12,2%/năm. Cũng như các ngân hàng khác, sau thời gian ưu đãi, lãi suất vay mới tại ngân hàng S. sẽ được tính bằng lãi suất huy động tiết kiệm 12 tháng (tính mức tiền gửi lớn hàng trăm tỷ), cộng biên độ 4%. Công ty cũng đã làm đơn xin giảm lãi vay vì mức này quá cao so với mặt bằng lãi vay hiện nay, nhưng phía ngân hàng vẫn từ chối, chỉ hỗ trợ phần khoanh nợ 5 tháng.
Đại diện công ty N.T.S, ông T.S cho hay, dù công ty ông nằm trong diện doanh nghiệp nhỏ và vừa được ưu tiên vay với lãi suất thấp, "nhưng nợ cũ còn chưa có khả năng trả, do tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, lời bao nhiêu trả lãi ngân hàng hết thì sao có khả năng vay mới, khi ngân hàng xét duyệt hồ sơ vay rất chặt chẽ", ông T.S buồn bã nói.
Trước tình hình này, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, việc duy trì lãi suất hợp đồng cũ ở mức cao sẽ dẫn đến hệ lụy khách hàng phá vỡ hợp đồng vay, chấp nhận trả phạt để được chuyển qua ngân hàng khác vay với lãi suất thấp hơn. Nếu các ngân hàng không có biện pháp giải quyết giảm lãi vay cho doanh nghiệp cũng như cá nhân, các hình thức đảo nợ, chuyển nợ ngân hàng cũng sẽ được nhiều doanh nghiệp/cá nhân tìm cách "lách" để đối phó.