Lãi suất ngân hàng huy động chạm đáy: Đầu tư tiền nhàn rỗi vào đâu?

Lãi suất ngân hàng huy động chạm đáy: Đầu tư tiền nhàn rỗi vào đâu?

Trong giai đoạn “thiết lập trạng thái bình thường mới” do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc giảm lãi suất tiết kiệm khiến người dân đắn đo khi đầu tư tiền mặt.

Lãi suất tiết kiệm giảm mạnh

Dẫn đầu nhóm giảm mạnh lãi suất gồm các ngân hàng Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank. Các ngân hàng tư nhân cũng đồng loạt giảm lãi suất ở kỳ hạn 6 tháng trở lên từ 0,4 - 0,8%.

Hiện, lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng vẫn được Ngân hàng Nhà nước khống chế trần 4,25%/năm. Hầu hết, ngân hàng nhỏ đều niêm yết ở mức lãi suất tối đa này. Trong khi đó, nhóm 4 nhân hàng có vốn Nhà nước chỉ đưa ra mức lãi suất 3,7 - 4%/năm cho kỳ hạn từ 1 - 3 tháng.

Ở kỳ hạn 6 tháng có sự cạnh tranh giữa các ngân hàng về mức lãi suất trong đợt giảm lần này. Nhóm 4 ngân hàng có vốn Nhà nước vẫn đưa ra mức lãi suất kỳ hạn 6 tháng thấp nhất chỉ 4,4%/năm. Các ngân hàng tư nhân lớn như: VPBank, Techcombank, MBBank, SHB, Sacombank mức lãi suất sẽ dao động trong khoảng 5,5 - 6%/năm. Còn ở các ngân hàng nhỏ như NCB, CBBank, BacABank, VietCapital Bank hay DongA Bank thì mức lãi suất người gửi tiết kiệm có thể nhận được từ 6,8% -7,25%/năm.

12 tháng là nhóm kỳ hạn bị nhiều ngân hàng giảm lãi suất nhất trong đợt điều chỉnh này. Tuy nhiên, mức giảm tập trung vào các ngân hàng thương mại Nhà nước và nhóm ngân hàng tư nhân lớn. Hiện, lãi suất cao nhất với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trên thị trường là 7,92% tại BaovietBank. Một số ngân hàng niêm yết gần mức này là BacABank, DongABank, SCB ở mức 7,4% - 7,5%. 

Còn lại các ngân hàng đều điều chỉnh lãi suất ở mức dưới 7%. Nhóm 4 ngân hàng vốn Nhà nước niêm yết ở mức 6%/năm, thậm chí có ngân hàng còn đưa ra mức lãi suất thấp hơn 6%/năm. Các ngân hàng tư nhân lớn mức lãi suất người gửi tiết kiệm được hưởng cũng chỉ dao động trong khoảng 6,2% - 6,6%/năm.

Tuy nhiên, một số ngân hàng cũng vẫn đưa ra mức lãi suất vượt trội cho số tiền lớn trên 500 tỷ và kỳ hạn 24 tháng. Đặc biệt, mức lãi suất gửi tiết kiệm qua kênh trực tuyến không bị khống chế về trần lãi suất nên người gửi tiết kiệm có thể lựa chọn để hưởng lãi suất cao hơn. Hầu hết, ngân hàng đều niêm yết lãi suất cao hơn 0,1% - 0,5% so với gửi tại quầy để khuyến khích người dân thực hiện giao dịch ngân hàng điện tử.

Lãi suất ngân hàng huy động chạm đáy: Đầu tư tiền nhàn rỗi vào đâu? ảnh 1
Ảnh minh họa Nguồn: INT

Nên đầu tư tiền vào đâu?

Chị Mai Yên (Long Biên) băn khoăn với khoản tiền tiết kiệm 500 triệu đồng đã đến kỳ đáo hạn. Nếu chọn nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, sau 6 tháng chị được hưởng 11 triệu đồng tiền lãi. Nếu chị gửi vào nhóm ngân hàng nhỏ, mức lãi sẽ là hơn 18 triệu đồng. Tuy nhiên, so với tháng trước thì số tiền lãi chị nhận được đã giảm đi đáng kể. Đây là số tiền tiết kiệm mua nhà và chị đã lựa chọn gửi tiết kiệm để cất tiền. Khi lãi suất huy động chạm đáy như hiện nay, chị đứng trước một số lựa chọn mới. Chị Mai Yên cũng nghĩ tới mua vàng nhưng giá vàng cũng mới lập đỉnh trên 50 triệu đồng/lượng nên chị e ngại khó bảo toàn được số tiền đang tiết kiệm.

Theo Công ty Cổ phần chứng khoán SSI, lãi suất gửi tiết kiệm của các ngân hàng giảm là do Ngân hàng Nhà nước mạnh tay bơm thêm tiền ra thị trường. Động thái này làm cho thanh khoản của thị trường liên ngân hàng giảm mạnh. Theo dự báo của SSI, các ngân hàng nhỏ hiện nay chưa tham gia vào đợt giảm lãi suất mới này nhưng khả năng hấp thụ lượng tiền gửi bị hạn chế nên có thể họ cũng sẽ điều chỉnh giảm tiếp lãi suất trong thời gian tới.

Theo giới chuyên gia, lãi suất tiền gửi giảm là do thanh khoản của các ngân hàng thương mại khá dồi dào. Do tác động của đại dịch Covid-19, tín dụng tăng trưởng thấp và chậm nên khả năng hấp thụ lượng tiền gửi của các ngân hàng bị hạn chế. Vì vậy, các ngân hàng phải điều chỉnh để cân đối chi phí. Nhiều ý kiến cho rằng mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyết toàn quốc Chính phủ với các địa phương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã nói, từ nay đến cuối năm, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là kiểm soát và giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Bằng cách tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm chi phí, giảm lợi nhuận để có thể giảm tiếp lãi suất cho vay, bảo đảm chất lượng tín dụng.

Như vậy, có thể thấy việc các ngân hàng giảm lãi suất gửi tiết kiệm nhằm để giảm lãi vay theo hướng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, cho thấy ngành ngân hàng đang tích cực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục hậu quả dịch bệnh và hỗ trợ khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch. Hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức từ 6% - 9%/năm với cho vay ngắn hạn và từ 9% - 11%/năm với cho vay trung hạn và dài hạn.

Bàn luận về việc giảm lãi suất, TS Lê Văn Sơn, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh - Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, chỉ có giảm lãi suất gửi tiết kiệm mới giúp các ngân hàng giảm được chi phí đầu vào, là điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch. Có vậy các doanh nghiệp mới sớm khôi phục lại sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho người dân.

Đồng quan điểm này, TS Lê Minh Thoa, giảng viên ngành Tài chính - Trường Đại học Thuỷ lợi cho rằng, tâm lý chung của người gửi tiền luôn thích lãi suất cao. Khi lãi suất huy động kém hấp dẫn, xu hướng tất yếu người dân sẽ sử dụng tiền vào các mục đích kinh doanh sinh lời khác. Mức lãi suất giảm hiện nay, nhiều người dân sẽ xoay qua kênh đầu tư khác trong đó có vàng, đồng USD, thị trường bất động sản, chứng khoán. Đó là xu hướng đầu tư ngắn hạn cho lượng tiền mặt "nhàn rỗi " trong khi nghe ngóng và chờ lãi suất huy động phục hồi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ