Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam (sửa đổi) cho thấy, đa số các ý kiến nhất trí với việc quy định vị trí của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là thực hiện chức năng cơ quan ngang bộ và là Ngân hàng Trung ương, tuy nhiên cần nhìn nhận Ngân hàng Nhà nước như là một thiết chế đặc biệt, không hoàn toàn là cơ quan hành chính; không nên thiết kế các quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Trung ương giống như cơ quan hành chính.
Về chính sách tiền tệ quốc gia, các ý kiến tán thành với nội dung thể hiện trong dự án Luật, nhưng đề nghị thay thế cụm từ “ổn định giá trị đồng tiền” tại Khoản 1, bằng cụm từ “ổn định giá cả” vì mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền bao gồm cả giá trị đối nội (giá cả) và giá trị đối ngoại (tỷ giá), nhưng trong bối cảnh kinh tế hội nhập thì tỷ giá chịu tác động của yếu tố cung - cầu trên thị trường, do vậy cần thiết phải áp dụng chính sách tỷ giá linh hoạt.
Lãi suất cơ bản là một cách để nhà nước kiểm soát thị trường ổn định, chống cho vay nặng lãi, chống các tổ chức có tiềm lực tài chính mạnh thao túng thị trường. |
Về thẩm quyền của Quốc hội tại Khoản 1, có các loại ý kiến như thống nhất về thẩm quyền của Quốc hội tại Khoản 1; đề nghị chỉnh sửa là Quốc hội quyết định “mức lạm phát dự kiến/định hướng hàng năm” thay cho “chỉ tiêu lạm phát hàng năm” vì chỉ tiêu có ý nghĩa là phải phấn đấu để đạt được, là mốc để kiểm soát, kiềm chế không để vượt qua, trong khi lạm phát không phải lúc nào cũng có ý nghĩa tiêu cực, cần có mức lạm phát thích hợp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế…
Đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo của UBTVQH, tuy nhiên, đối với từng vấn đề cụ thể như chính sách tiền tệ quốc gia, theo quy định của Hiến pháp là do của Quốc hội quyết định, Ngân hàng Nhà nước chỉ là cơ quan thực hiện chính sách đó. Đối với vấn đề lãi suất cơ bản, đa số ý kiến cho rằng, cần có lãi suất cơ bản đề điều tiết thị trường tiền tệ. Về thẩm quyền quyết định quỹ ngoại hối khi sử dụng cho các mục đích khác phải do Quốc hội quyết định. Đối với chế độ với cán bộ, công chức của Ngân hàng nhà nước, các đại biểu cho rằng, nên quy định thống nhất theo Luật Công chức nhà nước…
Trong Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBTVQH cho rằng, Luật cần quy định thẩm quyền của Quốc hội để phù hợp với quy định của Hiến pháp là “Quốc hội quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia”, phù hợp với đặc điểm hoạt động của Quốc hội nước ta; đồng thời bảo đảm tính chủ động của Chính phủ và NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ Quốc gia (CSTTQG). Trong nội dung CSTTQG thì mục tiêu cuối cùng, quan trọng nhất, chi phối các nội dung khác là “ổn định giá trị đồng tiền”, do vậy việc Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm được biểu hiện thông qua chỉ số giá tiêu dùng để thực hiện mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền, đồng thời Quốc hội thực hiện quyền giám sát quá trình thực hiện các nội dung CSTTQG là phù hợp. Nếu Quốc hội chỉ quyết định định hướng chỉ tiêu lạm phát hàng năm thì không hợp lý, vì: thứ nhất, định hướng là một khái niệm rất chung, không phù hợp với Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội quy định về thẩm quyền Quốc hội quyết định các chỉ tiêu kinh tế, xã hội chủ yếu hàng năm; Thứ hai, lạm phát là một chỉ tiêu kinh tế quan trọng vừa phản ánh giá trị đồng tiền, vừa chi phối các chỉ tiêu kinh tế quan trọng khác, cần phải được xác định cụ thể vừa để tính toán, cân đối các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác, vừa để xác định các biện pháp, chính sách cụ thể trong chỉ đạo điều hành.
Thực tế những năm qua, Quốc hội đều quyết định chỉ số giá tiêu dùng và được ghi trực tiếp trong Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm kế hoạch. Trong quá trình điều hành, phát sinh những nhân tố bất thường làm thay đổi lớn một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu, trong đó có chỉ số giá tiêu dùng thì Chính phủ trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
ĐBQH đoàn Đồng Nai Lê Thị Thu Ba. |
Tại Hội trường, đại biểu Lê Thị Thu Ba (đoàn Đồng Nai) cho rằng, lãi suất cơ bản là một công cụ của nhà nước dùng để điều hành chính sách tài chính, tiền tệ, tín dụng… trong toàn xã hội. Lãi suất cơ bản không chỉ là chính sách cho các ngân hàng giao dịch với khách hàng, giao dịch liên ngân hàng… Ngân hàng Nhà nước phải quản lý được tình hình tín dụng của các ngân hàng và toàn xã hội, giữ cho được ổn định thị trường tiền tệ. Vì sao chúng ta phải bỏ lãi suất cơ bản để theo lãi suất theo cơ chế thị trường. Theo tôi, lãi suất cơ bản là một cách để nhà nước kiểm soát thị trường ổn định, chống cho vay nặng lãi, chống các tổ chức có tiềm lực tài chính mạnh thao túng thị trường. Năm 2008 chúng ta đã để xảy ra tình trạng này. Nếu chúng ta bỏ lãi suất cơ bản sẽ gây hỗn loạn xã hội…
Chiều nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh.
Quang Anh