Lại muốn “ngăn sông, cấm chợ“

GD&TĐ - Trước mạnh tay ngăn chặn cát tặc và tình hình thiếu cát xây dựng cho các công trình xây dựng, một số địa phương chủ trương phải sử dụng nguồn cát tiết kiệm, thậm chí một số tỉnh còn ra văn bản cấm bán ra ngoài tỉnh. Câu hỏi đặt ra là liệu cách làm này có đúng pháp luật hay không? Hệ quả của hàng động này là gì?

Bộ đội Biên phòng TP Hải Phòng bắt giữ 19 tàu đang khai thác cát trái phép. (Ảnh minh họa theo phapluatplus.vn)
Bộ đội Biên phòng TP Hải Phòng bắt giữ 19 tàu đang khai thác cát trái phép. (Ảnh minh họa theo phapluatplus.vn)

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì cát xây dựng không thuộc loại hàng hóa, nguyên liệu cấm kinh doanh, cũng không phải là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, việc mua, bán cát pháp luật không cấm, chỉ hạn chế việc xuất khẩu cát ra nước ngoài làm thất thoát tài nguyên của đất nước.

Do đó, việc một số tỉnh cấm bán cát ra ngoài tỉnh là chưa phù hợp với quy định pháp luật, có biểu hiện “ngăn sông, cấm chợ”, đi ngược lại quy luật cạnh tranh và chủ trương tạo điều kiện, môi trường kinh doanh thông thoáng của Chính phủ. Việc cấm bán cát ra ngoài tỉnh tạo ra những hạn chế, bất cập sau đây:

Thứ nhất, cấm bán cát ra ngoài tỉnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh của người dân và nguy cơ hàng loạt doanh nghiệp bị đóng cửa, vì thiếu cát. Điều này đi ngược lại định hướng chung của Đảng, Chính phủ về hội nhập, tự do kinh doanh, công dân được làm những việc mà pháp luật không cấm.

Thứ hai, việc người dân tỉnh này nhưng mua cát xây dựng ở tỉnh khác là khá phổ biến, nhất là ở các vùng giáp ranh giữa hai tỉnh hoặc giao thông thuận tiện. Bởi vì, các công trình xây dựng ở vùng tiếp giáp nên nhiều khi mua cát tỉnh ngoài vận chuyển dễ dàng, thuận lợi hơn. Do đó, việc cấm bán cát ra ngoài tỉnh vô tình làm khó các doanh nghiệp, người dân không chỉ ngoại tỉnh mà ở cả trong tỉnh.

Thứ ba, việc cấm bán cát ra ngoài tỉnh đi ngược lại quy luật thị trường có thể làm rối loạn thị trường và đẩy giá cát xây dựng lên cao. Đặc biệt, quy định này sẽ dẫn đến phá vỡ liên kết vùng, liên kết khu vực và mục đích chia sẽ, phát huy lợi thế của các địa phương trong khu vực để cùng phát triển không đạt được. Thậm chí, hình thành tư tưởng cục bộ địa phương, tâm lý vùng miền trong cộng đồng dân cư... Ngoài ra, nếu quy định này lan rộng ra dẫn đến nhiều công trình xây dựng đình trệ, vì nhiều tỉnh, thành phố phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cát xây dựng của các địa phương khác.

Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm chấn chỉnh, xử lý nghiêm chủ trương cấm xuất khẩu cát ra ngoài tỉnh của một số địa phương thời gian vừa qua. Điều này vừa giúp ổn định thị trường cát xây dựng, hạn chế việc tăng chi phí xã hội không cần thiết. Quan trọng hơn là góp phần ngăn chặn tâm lý cục bộ, chia rẽ giữa các địa phương, từ đó tạo ra tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”, phá vỡ liên kết vùng, kìm hãm sự phát triển chung của cả đất nước.                  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ