Kỳ vọng một năm quyết tâm hành động, sáng tạo, hiệu quả của ngành Giáo dục

GD&TĐ - Với phương châm của ngành Giáo dục năm 2017: “Lắng nghe, đổi mới, hành động”, toàn ngành đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, tạo được niềm tin với toàn xã hội. Trên cơ sở kế thừa, phát huy thành tựu, nỗ lực của toàn ngành, xác định rõ yêu cầu, trách nhiệm của ngành trước sự vận động, thay đổi của đất nước, nhiều quyết sách, chính sách giáo dục trong năm 2017 đã có tác động tích cực, góp phần làm thay đổi suy nghĩ, cách thức quản lý và hoạt động của cả hệ thống giáo dục từ Trung ương đến địa phương.

Kỳ vọng một năm quyết tâm hành động, sáng tạo, hiệu quả của ngành Giáo dục

Ông Nguyễn Minh Tường – Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ: Nền tảng vững chắc cho năm 2018

Có thể điểm nhiều kết quả nổi bật của ngành Giáo dục trong năm vừa qua như: Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học tiếp tục được tổ chức thành công theo hướng gọn nhẹ, giảm tốn kém, giảm áp lực cho thí sinh và xã hội. Đây cũng là năm ghi dấu ấn đậm nét của các đội tuyển Olympic Việt Nam tham dự các kỳ thi quốc tế với thành tích cao nhất từ trước tới nay.

Cũng trong năm 2017, Bộ GD&ĐT đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục các cấp. Nhiều tấm gương người tốt việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy học được ghi nhận, biểu dương, khen thưởng. Công tác thẩm định, kiểm định và xếp hạng đại học được chú trọng.

Một số kết quả nổi bật khác có thể nói đến như: Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; công bố Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật sửa đổi bổ sung, một số điều của Luật Giáo dục Đại học. Nền nếp, kỷ cương ngành Giáo dục được tăng cường, các hoạt động ngoài chuyên môn được chấn chỉnh, phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vi phạm tại các cơ sở giáo dục. Những vấn đề gây bức xúc trong nhân dân và xã hội được Bộ GD&ĐT chỉ đạo quyết liệt, chấn chỉnh kịp thời góp phần tạo niềm tin trong xã hội.

Năm 2018, sửa đổi Luật Giáo dục sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 với nhiều điểm mới. Kỳ thi THPT quốc gia vẫn giữ ổn định như năm 2017, tạo thuận lợi cho học sinh và các giải pháp kỹ thuật sẽ được tăng cường thêm để khắc phục hết những hạn chế. Bộ GD&ĐT cũng sẽ rà soát lại hệ thống các trường sư phạm để ra chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp; quy định lại các nhóm đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên để điều chỉnh điểm ưu tiên tuyển sinh. Các địa phương tập trung cao độ công tác chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới…

Phát huy những thành tựu đáng khích lệ của ngành Giáo dục năm 2017, bước vào năm 2018 với một khí thế rất cao, toàn ngành quyết tâm cao độ để tiếp tục triển khai đổi mới căn bản, toàn diện một cách rõ nét. Với sự quyết tâm hành động, sáng tạo, hiệu quả, ngành Giáo dục kỳ vọng sẽ đạt được những kết quả rất đáng tự hào, xứng đáng với niềm tin của toàn xã hội trong công cuộc đổi mới.

Ông Nguyễn Văn Phê - Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên: Kỳ vọng kết quả giáo dục khả quan hơn trong năm 2018

Năm 2017, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về GD&ĐT. 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản thực hiện trong năm 2017 đã có tác động sâu rộng đến nhận thức cũng như hành động của toàn ngành. Góp phần vào thành công đó, trong năm vừa qua, giáo dục Hưng Yên cũng có nhiều khởi sắc.

Quy mô trường lớp ổn định, mạng lưới giáo dục ở các cấp học, bậc học đã được phủ kín, phù hợp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh tiến độ. Đội ngũ nhà giáo đảm bảo về số lượng, cân đối ở các ngành học, cấp học và ngày càng nâng cao về chất lượng. Chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn được duy trì, từng bước nâng lên.

Hưng Yên đã tổ chức thành công Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, được các đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ đánh giá cao. Đổi mới kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 theo hướng đánh giá năng lực của học sinh và tiếp cận với Kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT. Công tác hợp tác quốc tế được chú trọng. Năm 2017, Sở GD&ĐT Hưng Yên đã hợp tác với ngành Giáo dục của tỉnh Inchoen (Hàn Quốc) tổ chức tập huấn cho 100 giáo viên THCS và THPT thuộc hai bộ môn Vật lý và Sinh học; triển khai cho 5 trường THCS và 2 trường tiểu học kết nghĩa với các trường THCS, tiểu học của Hàn Quốc. Việc đổi mới dạy học, thi, kiểm tra đánh giá các hoạt động giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực.

Năm 2017, giáo dục Hưng Yên cũng chú trọng các hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo; cải cách hành chính và công tác truyền thông. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và các cơ sở hạ tầng theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hóa, hiện đại hoá. Tập trung đầu tư xây dựng phòng học, phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, các công trình phụ trợ và nâng tỷ lệ phòng kiên cố ở các ngành học, cấp học.

Phát huy những kết quả đã đạt được năm 2017, ngành GD-ĐT Hưng Yên kỳ vọng năm 2018 sẽ có được những kết quả khả quan hơn, cụ thể: Duy trì và nâng cao hiệu quả việc chỉ đạo đổi mới tổ chức dạy học, đổi mới PPDH, đổi mới kiểm tra đánh giá. Duy trì và nâng cao hiệu quả việc sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường. Tiếp tục nâng cao hiệu quả tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên.

Hưng Yên cũng sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học có trọng điểm, đảm bảo hiệu quả thiết thực; tiếp tục hợp tác quốc tế với Hàn Quốc trong việc bồi dưỡng giáo viên. Nâng cao kỷ cương, thực hiện tốt việc cải cách hành chính. Làm tốt công tác truyền thông. Tiếp tục đổi mới thi tuyển sinh vào lớp 10 theo hướng đánh giá năng lực học sinh. Đồng thời, triển khai vận dụng các mô hình giáo dục tiên tiến vào các cơ sở giáo dục (mô hình giáo dục thông minh của Hàn Quốc; mô hình STEM)...

Ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk: Những bước chuyển tích cực

Cùng với không khí đổi mới của toàn ngành, giáo dục Đắk Lắk năm 2017 đã đạt được một số kết quả nổi bật. Đó là hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trong toàn tỉnh; được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; đồng thời duy trì phổ cập giáo dục THCS. Tỷ lệ học sinh giỏi ở các cấp học đều tăng hơn năm học trước. Giáo viên, học sinh tham gia nhiều cuộc thi cấp khu vực, quốc gia đạt thành tích khả quan. Chất lượng giáo dục đại trà ở các cấp học được nâng lên so với năm học trước.

Thực hiện tốt phân cấp quản lý giáo dục theo chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, Sở GD&ĐT đã chuyển giao cho UBND huyện quản lý đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú vào tháng 1/2017; chuyển giao các Trung tâm GDTX cấp huyện cho UBND huyện quản lý váo tháng 12/2016; đang chuyển giao cho Sở LĐ-TB&XH quản lý đối với các trường TCCN; tiếp nhận quản lý Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk vào tháng 5/2017 (trước đây do UBND tỉnh quản lý).

Công tác thanh tra, kiểm tra đã được đẩy mạnh, có tác dụng tích cực cho việc nâng cao chất lượng quản lý giáo dục, góp phần chấn chỉnh hiệu quả tình trạng dạy học thêm không đúng quy định, hạn chế tối đa thu thêm ngoài quy định, tăng cường quản lý công tác chuyên môn trong trường học. Về kiểm định, tính đến cuối năm học 2016 -2017, Sở đã kiểm định, công nhận chất lượng giáo dục cho 287 trường, trong đó có 100 trường đạt cấp độ 1, 61 trường đạt cấp độ 2, 125 trường đạt cấp độ 3. Số lượng trường ngoài công lập tăng 12 trường so với đầu năm 2016...

Kỳ vọng năm 2018 của Đắk Lắk là nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, nâng tỷ lệ trẻ đến nhà trẻ lên 15%; giảm số trường mầm non có nhiều điểm lẻ (không để quá 5 điểm trường). Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học ở mức độ 2, tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày (từ 59,4% lên 68%), giảm tỷ lệ bỏ học. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tiếp cận và triển khai thực hiện chương trình, SGK mới vào năm 2019. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS để đạt ở mức độ 2, thực hiện có hiệu quả Đề án dạy và học ngoại ngữ, tin học. Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện đổi mới phương pháp dạy học. Phấn đấu tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt trên 97%...

Ông Trần Thanh Liêm – Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp: Nhiều nhiệm vụ đột phá trong năm 2018

Trong năm 2017, ngành Giáo dục đất Sen hồng – Đồng Tháp dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ GD&ĐT đã tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản để đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT tại địa phương. Những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong năm 2017 đã tác động sâu rộng đến nhận thức cũng như hành động của toàn ngành, tạo nên bước chuyển tích cực.

Ngành đã triển khai thực hiện một số biện pháp đột phá: Thực hiện việc giáo viên chủ nhiệm không trực tiếp thu các khoản đóng góp từ học sinh và cha mẹ các em được sự đồng thuận cao của xã hội và kết quả tốt (tỷ lệ học sinh đóng góp tăng 3,1%, tổng số tiền thu được cao hơn năm trước 7,8 tỷ đồng); nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ: 12 trường phổ thông có giáo viên người nước ngoài dạy ngoại ngữ, số trường dạy Tiếng Anh tăng cường tăng hơn năm trước, điểm bình quân môn Tiếng Anh trong Kỳ thi THPT quốc gia tăng 1,57 điểm; tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý giáo dục (thuyên chuyển, điều động, tuyển dụng có sự tham gia giám sát của các ứng viên và cơ quan có liên quan); đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục, giải quyết dứt điểm các vụ việc có dấu hiệu “khủng hoảng truyền thông”…

Năm 2018, bên cạnh việc triển khai thực hiện một số biện pháp cụ thể để khắc phục, chấn chỉnh các hạn chế, yếu kém của năm 2017 và thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, toàn ngành Giáo dục Đồng Tháp chủ động thực hiện các công việc chuẩn bị triển khai chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới: Rà soát đội ngũ nhà giáo và CBQL, cơ sở vật chất, trang thiết bị, chuẩn bị kinh phí, đẩy mạnh công tác truyền thông. Thực hiện nhiệm vụ “đột phá” do UBND tỉnh giao: Kêu gọi 2 dự án đầu tư vào giáo dục; phối hợp sở, ngành có liên quan và UBND các địa phương giảm 1% các cơ sở giáo dục công lập, đẩy mạnh cải cách hành chính. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với các đề án lớn của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Huấn – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre: Năm 2018 – Năm “tăng tốc”

Năm 2017, với nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, ngành GD-ĐT tỉnh Bến Tre hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2016 -2017 và triển khai tốt nhiệm vụ năm học 2017 -2018, tập trung vào các nhóm nhiệm vụ và giải pháp theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Mạng lưới trường, lớp và quy mô các cấp học tiếp tục được điều chỉnh phù hợp, đáp ứng yêu cầu học tập của nhân dân; công tác xây dựng trường học theo chuẩn quốc gia, kiểm định chất lượng giáo dục tiếp tục được quan tâm. Chất lượng giáo dục tiếp tục được củng cố. Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được duy trì ổn định; chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được quan tâm đầu tư và có chuyển biến tích cực. Tỉ lệ học sinh bỏ học ở các cấp học được duy trì ở mức thấp; tỉ lệ tốt nghiệp THPT tăng hơn so với năm học trước. Thành quả phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, phổ cập trung học tiếp tục được duy trì và phát triển...

Năm 2018, tư tưởng chỉ đạo của Tỉnh ủy là năm “tăng tốc” thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh; tiếp tục thực hiện các mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và trên cơ sở các chỉ đạo về nhiệm vụ năm học của Bộ GD&ĐT, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các hướng dẫn nhiệm vụ năm học đối với các ngành học, cấp học.

Ngành GD-ĐT Bến Tre sẽ triển khai việc xây dựng, chuẩn bị các điều kiện áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới. Tổ chức rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các trường mầm non, phổ thông. Triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về xã hội hóa giáo dục mầm non. Tiếp tục thực hiện kiên cố hóa trường, lớp. Tập trung tăng cường kỷ cương, nền nếp, nâng cao chất lượng toàn diện trong các cơ sở giáo dục. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Tổ chức rà soát đội ngũ CBQL, giáo viên về chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, chuẩn cán bộ quản lý. Từng bước giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp học…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ