Cứ bế tắc là tìm tới... thuốc diệt cỏ
Thống kê của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho thấy, số lượng nạn nhân bị ngộ độc thuốc diệt cỏ đến Trung tâm luôn gia tăng. Nếu như năm 2014, khoảng 300 nạn nhân thì năm 2015 là khoảng trên 350 nạn nhân và năm 2016, con số này đã tăng lên 450 nạn nhân.
Theo bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm, hầu hết các nạn nhân của ngộ độc thuốc diệt cỏ đều sử dụng thuốc diệt cỏ vì những lý do không đáng có, đôi khi chỉ là những giận dỗi bình thường hoặc nhu cầu cần gì đó mà không được đáp ứng…
Gần đây nhất, ngày 13/2 Trung tâm Chống độc tiếp nhận 3 nạn nhân bị ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat, trong đó đến chiều 14/2, đã có 1 nạn nhân khó thở và gia đình xin về. Bệnh nhân Nguyễn Trung K (24 tuổi, ở Quảng Ninh) được tuyến dưới chuyển đến Trung tâm Chống độc rạng sáng 13/2.
Qua các xét nghiệm cho thấy, độc tố của chất diệt cỏ đã ngấm vào người bệnh nhân dù anh ta mới chỉ uống một ngụm nhỏ. Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân K đã uống dung dịch màu xanh lam, lọ nhựa mà gia đình phán đoán là thuốc diệt cỏ paraquat sau khi gia đình không đáp ứng một đòi hỏi vô lý là đổi xe máy phân khối lớn. Ngay sau khi vừa uống xong, K đã bị nôn thốc, nôn tháo và rát họng.
Một trường hợp khác là anh Nguyễn Văn V. (35 tuổi, ở Bắc Giang), cũng được chuyển đến Trung tâm Chống độc trong ngày 13/2 (khoảng 6 giờ sau khi đã uống thuốc diệt cỏ) sau khi đã được sơ cứu ở tuyến dưới. Người nhà anh V. cho biết, do cãi nhau với vợ nên anh V. đã tìm thuốc diệt cỏ để uống. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng độc tố thuốc diệt cỏ đã ngấm vào máu và nước tiểu.
Trường hợp thứ 3 chuyển đến Trung tâm Chống độc trong ngày 13/2 là cụ bà 71 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội. Tuy nhiên, đến chiều 14/2, gia đình đã xin về vì tình trạng của người bệnh không thể cứu vãn nổi. Lý do cụ tìm đến thuốc diệt cỏ là do buồn lòng với con cái... không quan tâm đến mình.
Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cho đến nay những bệnh nhân uống thuốc diệt cỏ dù chưa tử vong nhưng sau 3 tháng mà hoàn toàn không khó thở thì lúc đó mới được gọi là sống. Bởi vì chỉ cần bệnh nhân xuất hiện hiện tượng khó thở, đồng nghĩa với phổi của bệnh nhân đã bị xơ tiến triển không hồi phục do ảnh hưởng của độc tố trong thuốc diệt cỏ gây nên.
Cần cấm triệt để thuốc diệt cỏ paraquat
Theo các chuyên gia y tế, các trường hợp ngộ độc paraquat rất đáng lo ngại do tỷ lệ tử vong rất cao, lên đến 70 - 90%. Những người cứu sống được thì chi phí điều trị cũng rất lớn. Riêng chi phí lọc máu điều trị ngộ độc paraquat có thể lên đến 100 triệu đồng/đợt điều trị. Sau khi được cứu sống, bệnh nhân vẫn có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng do tác hại của hóa chất này.
“Ngộ độc hóa chất paraquat là ngộ độc cấp 1. Khi vào cơ thể, hóa chất paraquat gây tổn thương tất cả các cơ quan. Đầu tiên là tiêu hóa, tổn thương phổi, gây xơ phổi tiến triển, nặng dần lên và bệnh nhân tử vong. Bệnh nhân có thể tử vong trong vài ba ngày, thường 5 - 7 ngày hoặc có thể tới 3 tháng.
Do đó, với một hóa chất gây ngộ độc như paraquat, cần phải có phương thức quản lý chặt chẽ việc mua bán để ngăn chặn các nguy cơ đến sức khỏe người hoặc phải được thay thế bằng hóa chất khác như các nước đã thực hiện” - bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.
Liên quan đến việc quản lý thuốc diệt cỏ, mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã ký, ban hành Quyết định số 278/QĐ-BNN-BVTV về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chứa hoạt chất 2.4 D và paraquat ra khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.