Cùng dự buổi làm việc có GS.TS Ir Gatot Hari Priowirjanto - Giám đốc Trung tâm khu vực về đào tạo Mở (SEAMEO SEAMOLEC); Giám đốc các Trung tâm khu vực về nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục về Ngôn ngữ (SEAMEO QITEP in Language), về Toán học (SEAMEO QITEP in Mathematics), về Khoa học (SEAMEO QITEP in Science), Trung tâm khu vực về Sinh học nhiệt đới (SEAMEO BIOTROP), Trung tâm khu vực về thực phẩm và dinh dưỡng (SEAMEO RECFON); đại diện Bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia cùng các cán bộ, sinh viên Trung tâm SEAMEO SEAMOLEC.
Các lĩnh vực hoạt động của 6 trung tâm SEAMEO Indonesia bao trùm những vấn đề quan trọng
Indonesia là nước có số lượng các trung tâm SEAMEO nhiều nhất trong các nước thành viên, trong đó có trung tâm được thành lập và hoạt động ngay từ những ngày đầu tổ chức SEAMEO ra đời năm 1965.
Với bề dày lịch sử 50 năm của SEAMEO, Indonesia với tư cách là quốc gia thành viên và các Trung tâm trực thuộc đã có những đóng góp thiết thực và to lớn cho sự phát triển trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo của đất nước Indoneisa nói riêng và của Tổ chức SEAMEO nói chung.
Trong thời đại bùng nổ về khoa học công nghệ hiện nay, việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao để đáp ứng được nhu cầu phát triển của mỗi quốc gia là một đòi hỏi cấp thiết.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận vui mừng nhận thấy các lĩnh vực hoạt động của 6 trung tâm SEAMEO Indonesia đã bao trùm những vấn đề quan trọng:
Từ việc xây dựng khuôn khổ, hệ thống chính sách quản lý giáo dục và đưa ra các giải pháp thay thế nhằm đạt mục tiêu phát triển nguồn nhân lực bền vững;
Việc tập trung đầu tư có chiều sâu vào đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giảng dạy các ngành khoa học, toán học và ngôn ngữ cho đến việc tổ chức nghiên cứu, tuyên truyền về thực phẩm và dinh dưỡng nhằm nâng cao chất lượng sức khỏe cho nhân dân và bảo về đa dạng sinh học nhiệt đới cho các thế hệ mai sau.
Những nhân tố quyết định thành công của các Trung tâm SEAMEO
Các trung tâm SEAMEO đều hoạt động độc lập, vì thế việc suy nghĩ và sáng tạo độc lập trong cách làm là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của các trung tâm SEAMEO.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng Trung tâm SEAMEO SEAMOLEC và các Trung tâm tại Indonesia - với tư cách là các trung tâm tiên phong của SEAMEO - có rất nhiều kinh nghiệm và bài học hay để chia sẻ được với các đồng nghiệp ở các trung tâm được thành lập sau như ở Việt Nam (sau này có thể là Lào, Campuchia và Đông Timor).
Bộ trưởng nêu ví dụ: Trong nghiên cứu khoa học, làm sao để một trung tâm có thể xuất bản được các ấn phẩm của riêng mình như trường hợp SEAMEO BIOTROP đã có tạp chí Biotropia và Biotrop Courier, qua đó tập hợp tri thức của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu để chia sẻ với cộng đồng học thuật ở tại Indonesia, trong ASEAN, thậm chí còn đến các khu vực xa hơn nữa.
Hoặc trong việc phát triển mạng lưới hợp tác với các đối tác nước ngoài như việc tổ chức đoàn khảo sát đến Paris (Pháp) làm việc với UNESCO của 3 trung tâm SEAMEO QITEP vừa qua cho thấy cách làm sáng tạo và phù hợp với nhu cầu thiết thực của đất nước Indonesia.
"Tại Indonesia, các Trung tâm còn liên kết với nhau để tiến hành các hoạt động chung, chia sẻ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển; đó thật sự là một cách làm đúng và hiệu quả. Tôi đã đi thăm một số trung tâm SEAMEO ở các nước khác và cả thực tiễn hoạt động của trung tâm SEAMEO Việt Nam, tôi chưa thấy được các hoạt động liên kết với nhau tốt như các bạn đã làm ở Indonesia" - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận định.
Chủ tịch Hội đồng SEAMEO đề xuất thúc đẩy hợp tác
Năm 2015 kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Indonesia, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mong muốn các trung tâm SEAMEO Việt Nam và Indonesia có những hoạt động cụ thể để thúc đẩy hợp tác
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mong các Trung tâm sẽ tích cực hơn nữa trong việc hướng ra bên ngoài, đến các đối tác ở những nước mà nơi đó các đồng nghiệp đang cần những lời khuyên, những kinh nghiệm trong việc tổ chức hoạt động trung tâm. Mặt khác, các Trung tâm cũng thu nhận được những kinh nghiệm và bài học nhất định cho việc nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động.
“Được biết, một số trung tâm đã có hợp tác với nhiều đối tác trong ASEAN, nhưng hãy cùng nhau suy nghĩ đến định hướng xa hơn cho các hoạt động liên kết, hợp tác đó một khi Cộng đồng ASEAN được chính thức thành lập vào ngày 31/12/2015” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.
Năm 2015 kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Indonesia, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mong muốn các trung tâm SEAMEO Việt Nam và Indonesia có những hoạt động cụ thể để thúc đẩy hợp tác, đồng thời nêu một số đề xuất:
Các trung tâm SEAMEO Indonesia tiếp tục giúp Việt Nam đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực có thế mạnh bằng nhiều hình thức, ví dụ mời các cán bộ quản lý và giảng viên của Việt Nam đến dự các khóa đào tạo tại Indonesia;
Việt Nam phối hợp với 3 trung tâm SEAMEO QITEP tổ chức khóa tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý và phương pháp giảng dạy hiện đại các môn Ngoại ngữ, Toán và Khoa học cho cán bộ, giáo viên dạy các môn này từ cấp Bộ đến cấp trường của Việt Nam tại Việt Nam;
Tổ chức hội thảo chung giữa 6 trung tâm SEAMEO của Indonesia với trung tâm SEAMEO Việt Nam với chủ đề tập trung vào nội dung nâng cao chất lượng và phạm vi hợp tác giáo dục, đào tạo giữa Việt Nam và Indonesia.
Và không chỉ khép kín trong phạm vi SEAMEO, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận còn muốn các trung tâm SEAMEO phối hợp với các trường đại học ở Việt Nam.
Kỳ vọng về cánh chim đầu đàn trong hoạt động liên kết
Năm 2015 cũng là năm kỷ niệm 50 năm thành lập SEAMEO, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mong các trung tâm cùng nhau cụ thể hóa 7 lĩnh vực ưu tiên trong Chương trình nghị sự giáo dục của SEAMEO sau 2015 đã được xác định tại Diễn đàn đối thoại chiến lược các Bộ trưởng Giáo dục SEAMEO và các khuyến nghị của Đại hội SEAMEO 2014 để làm nền tảng cho hợp tác giáo dục trong khu vực.
Trung tâm có thể cân nhắc gắn các hoạt động của mình nhiều hơn nữa với 7 lĩnh vực này, đặc biệt là lĩnh vực thứ 7 (áp dụng một bộ giáo trình giảng dạy cho thế kỷ 21) vì vấn đề này rất quan trọng trong việc xác định một khung trình độ chung cho giáo dục của ASEAN nhằm đáp ứng tốt sự phát triển của ASEAN trong thế kỷ này.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: “Mặc dù một số lĩnh vực trong đó không thuộc phạm vi hoạt động hiện nay của các trung tâm SEAMEO Indonesia, nhưng hướng các hoạt động vào những lĩnh vực này sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ hơn chương trình liên kết giữa các trung tâm SEAMEO của cả khu vực (SEAMEO Inter Center Collaboration). Trung tâm của các bạn hãy trở thành cánh chim đầu đàn cho những hoạt động liên kết đó!”.