Ký ức khai phá vùng kinh tế mới của nhà giáo Hà thành

GD&TĐ - Trong không khí của những ngày Thu tháng 10 lịch sử, NGƯT Bùi Thị Hải nhắc tới hình ảnh người con gái Hà Nội năm nào tình nguyện vào công tác tại vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng.

11 cô giáo mầm non Hà Nội ngày lên đường đi dạy ở vùng kinh tế mới Lâm Đồng.
11 cô giáo mầm non Hà Nội ngày lên đường đi dạy ở vùng kinh tế mới Lâm Đồng.

Bởi vì quá yêu thương “những đôi môi đỏ, những đôi má tròn” mà cô gắn cuộc đời mình với nghề nuôi dạy trẻ. Dù ở thời kỳ nào, trong chị cũng luôn vẹn nguyên niềm yêu nghề, yêu trẻ... 

Tuổi đôi mươi nhiệt huyết nơi vùng đất mới

NGƯT Bùi Thị Hải hạnh phúc bên trẻ thơ.

NGƯT Bùi Thị Hải hạnh phúc bên trẻ thơ.

Ngày 10/10/1975, người người Hà Nội tưng bừng tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô trong niềm vui đất nước được hoàn toàn thống nhất. Thời điểm đấy, đoàn cán bộ do các ông Nguyễn Xuân Bảy - Thành ủy viên, Trần Duy Dương - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội dẫn đầu, lên đường vào Lâm Đồng.

Nhiệm vụ của họ là khảo sát vùng đất mới, làm tiền đề cho việc khai hoang mở đất, tạo nên vùng kinh tế mới Hà Nội ngày nay trên cao nguyên Lâm Đồng.

Năm 1979, tốt nghiệp khóa 1 Trường Trung cấp Sư phạm Mẫu giáo nhà trẻ Hà Nội, cô Hải khi ấy vừa tròn tuổi đôi mươi hăm hở cùng 10 giáo sinh của trường khoác ba lô lên với vùng kinh tế mới.

Nhớ lại những ngày tuổi trẻ đầy sục sôi, khí huyết ấy, NGƯT Bùi Thị Hải xúc động: Biết là đến với vùng đất mới khai hoang còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song nhóm giáo sinh mầm non Hà Nội vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi đặt chân lên những thước đất đỏ bazan.

Nam Ban - Lán Tranh dù được người Hà Nội vào khai hoang mở đường từ năm 1976, không còn là một vùng rừng xơ xác, mang đầy thương tích của bom đạn Mỹ tàn phá, nhưng vẫn rất hoang sơ, heo hút với biết bao mối hiểm nguy từ bệnh tật, thú dữ và Fulro…

Những ngày đầu gian khó, thiếu cơm, nhạt muối, sốt rét rừng... không hề làm nản lòng những người con Hà Nội. Đây thực sự là một cuộc chiến đấu với thiên nhiên, với kẻ thù và với chính bản thân mình để chiến thắng mọi khó khăn, trở ngại, lập nền móng cho hàng chục điểm dân cư trên một vùng đất mới trải dài trên 5 vạn ha. Một vùng rừng núi hoang vu được cày xới, chia lô đặt theo các tên gọi thân thương: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Từ Liêm...

Cô Hải kể: Lúc ấy, Lâm Đồng đã hình thành tiểu ban giáo dục, trong đó có các tổ: Mầm non, cấp 1, cấp 2, cấp 3. Cô được phân công làm tổ trưởng tổ mầm non, 11 cô giáo Hà Nội được phân công dạy ở nhiều địa bàn khác nhau, có khi 6 tháng mới được gặp nhau một lần. Cô Hải cùng với một cô giáo nữa được bố trí ở và dạy tại Trường Mầm non Thăng Long.

Ngôi trường nằm trên một quả đồi heo hút, có 1 lớp học với hơn 20 học sinh. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, ăn bo bo, rau rừng, xung quanh là nắng, gió vi vu, song nhìn những đứa trẻ đi chân đất đến trường, quần áo mỏng manh, mang theo thức ăn chỉ toàn bo bo, cá khô… nhưng vẫn hồn nhiên nụ cười, trong veo ánh mắt.

Nhìn bọn trẻ, các cô giáo Hà Nội tạm gác lại những lo âu để nuôi, dạy các em. Với vốn kiến thức vừa được học ở trường, các cô đã vận dụng để nuôi dạy trẻ một cách phù hợp nhất, để bố mẹ các em yên tâm lao động, công tác trên vùng kinh tế mới.

Là tổ trưởng nên vừa dạy ở điểm Trường MN Thăng Long, cô Hải vừa phải đi thăm lớp nằm rải rác ở các địa bàn khác. Đi bộ mất hàng tiếng đồng hồ, trên đường đi chỉ có cây lá, rắn rết, sóc “làm bạn”, nhưng các cô luôn tự nhủ phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

Hầu hết người Hà Nội xung phong vào vùng đất cao nguyên này đều có chung ý chí như vậy, nên dù khó khăn trăm bề, họ cũng không từ bỏ công việc của mình.

Cô Hải chia sẻ: 2 năm công tác ở vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng tuy ngắn những đó là những năm tháng thử thách đối với tôi, những năm tháng thấm đẫm tình người. Có được những gì ngày hôm nay, tôi không bao giờ quên thời khắc mình được rèn luyện và trưởng thành từ gian khó.

Ký ức và kỷ niệm của quãng thời gian ấy vẫn vẹn nguyên trong chúng tôi, những cô giáo Hà Nội tuổi mới đôi mươi. Để rồi, nó lại sống dậy đầy tự hào khi chúng tôi có dịp gặp nhau, dù tất cả đều đã có hàng chục năm công tác trong ngành GD-ĐT Thủ đô ở nhiều cơ sở giáo dục khác nhau…

“Cùng với niềm tự hào, chúng tôi có thêm niềm vui khi thấy vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng ngày càng phát triển, trẻ em được đến trường với đầy đủ các điều kiện học tập, khẳng định được bản lĩnh và ý chí quyết tâm của người Hà Nội ở vùng đất mới trên cao nguyên giàu tiềm năng này”, NGƯT Bùi Thị Hải bộc bạch.

“Rút ruột nhả tơ” cho nghề, cho trẻ thơ

NGƯT Bùi Thị Hải trao thưởng cho học trò.

NGƯT Bùi Thị Hải trao thưởng cho học trò.

Hơn 40 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, nuôi dạy trẻ, giờ đây ở cương vị Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Vinschool Times City T1,2 (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sau khi hoàn thành nhiệm vụ “chèo lái” ở Trường Mẫu giáo mầm non B Hà Nội “lửa nghề” trong NGƯT Bùi Thị Hải vẫn cháy sáng như ngày nào.

Với cô, đã chọn nghề nuôi dạy trẻ thì phải biết hi sinh. Công việc của giáo viên mầm non khá vất vả, thu nhập lại chưa cao, song nếu tâm huyết, yêu nghề, yêu trẻ, biết hi sinh và không ngừng sáng tạo, đổi mới thì sẽ vượt qua tất cả để ươm trồng mầm non, nguồn lực tương lai của đất nước.

Nhớ lại thời điểm về công tác tại Trường Mẫu giáo mầm non B Hà Nội từ năm 1981 sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2 năm đi xung phong công tác tại vùng kinh tế mới Lâm Đồng, cô Hải bộc bạch: Điều mà tôi luôn tâm niệm là phải luôn nỗ lực và sáng tạo để chuyển tải đến học sinh những kiến thức, kỹ năng toàn diện phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi các em.

Từ một giáo viên, cô Hải được tin tưởng giao nhiệm vụ tổ trưởng tổ chuyên môn, rồi Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn và từ năm 2001 là Hiệu trưởng nhà trường.

Ở vai trò “chèo lái”, cô vẫn không ngừng sáng tạo và nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý để đưa nhà trường ngày càng phát triển vững mạnh và chiếm được niềm tin yêu của các bậc cha mẹ học sinh, của xã hội.

Bản thân cô Hải liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 5 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp thành phố, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, Ba và nhiều Bằng khen, Giấy khen các cấp...

Luôn tìm tòi, sáng tạo, gắn lý thuyết với thực tế giảng dạy của nhà trường, NGƯT Bùi Thị Hải đã hoàn thiện hàng chục sáng kiến kinh nghiệm có giá trị.

Nhiều đề tài của cô được coi như “cẩm nang” để ứng dụng vào hoạt động giáo dục trong nhà trường, tiêu biểu như các sáng kiến: “Một số biện pháp xây dựng mô hình trường mầm non chất lượng cao ở Trường Mẫu giáo mầm non B Hà Nội” xếp loại A cấp thành phố; “Một số giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng thường xuyên”, “Một số kinh nghiệm chỉ đạo hoạt động phát triển thể lực cho trẻ thông qua hội thi chúng cháu vui khoẻ”…

Không ngơi nghỉ công việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ, cô Hải luôn trăn trở, suy nghĩ phải làm thế nào để có đội ngũ giáo viên, nhân viên đạt chuẩn; bồi dưỡng giúp đỡ thế nào để đội ngũ không chỉ giỏi trong chuyên môn, gắn bó với nghề, sáng tạo về nghiệp vụ, kỹ năng mà còn đẹp về nhân cách, yêu thương trẻ, được cha mẹ các cháu quý mến, kính trọng, xứng đáng là cô giáo Hà Nội văn minh, thanh lịch.

Cô Hải bày tỏ: Những ngày gian khó, ngành Giáo dục, trong đó có giáo dục mầm non phải đối mặt với thiếu thốn trăm bề. Nhân lực và vật lực cho ngành đều khó khăn, song lòng nhiệt huyết và yêu nghề, yêu trò của đội ngũ các nhà giáo luôn cháy sáng. Niềm tin và hạnh phúc giản đơn với nghề chăm sóc, nuôi dạy các thế hệ tương lai của Thủ đô và đất nước luôn dẫn lối cho nhà giáo vượt khó để hoàn thành sứ mệnh “trồng người”.

Giờ đây, những giờ học hạnh phúc, những môi trường giáo dục hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm trong mọi hoạt động đổi mới, sáng tạo sẽ là nền tảng quan trọng để bồi đắp đức, trí, thể, mỹ toàn diện cho trẻ. Đội ngũ nhà giáo đóng vai trò quan trọng là người “kiến tạo” giáo dục hạnh phúc để có được hiệu quả toàn diện trong đổi mới giáo dục đáp ứng nhu cầu xã hội.

Miệt mài ươm mầm tuổi thơ, NGƯT Bùi Thị Hải như người mẹ thứ hai đối với trẻ, người chị, người bạn đối với đồng nghiệp trong trường. Cả đời “rút ruột nhả tơ” cho nghề nuôi dạy trẻ, có lẽ vì vậy mà mỗi khi nói về nghề, về trẻ đôi mắt chị lại sáng rực, nụ cười tươi sáng, thấp thoáng bóng dáng cô gái Hà thành năm nào vượt gian khổ đi khai phá vùng đất mới, khai phá niềm đam mê của mình…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thân cây thanh long là nguồn phụ phẩm nông nghiệp có thể được tận dụng tạo than sinh học xử lý ô nhiễm kim loại nặng trong nước.

Than sinh học từ thân cây thanh long

GD&TĐ - Nhóm các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu, biến cành cây thanh long thành than sinh học, để xử lý crom trong nước giúp bảo vệ môi trường...