Kỳ tích tiêm chủng ở Bhutan

GD&TĐ - Theo con số của UNICEF, cho đến ngày 27/7, đã có 480.000 trong số 530.000 người đủ điều kiện tiêm chủng ở Bhutan được tiêm cả hai liều.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Bhutan đã tiêm vắc-xin Covid-19 đủ liều cho 90% người lớn thuộc diện tiêm chủng của nước này chỉ trong một tuần – một kỳ tích mà Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) gọi là “câu chuyện thành công”, “tia sáng hy vọng” cho các nước khác trong khu vực.

Đại diện UNICEF tại Bhutan, ông Will Parks gọi đây là “chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất được thực hiện trong một đại dịch”. Nhiều nước phương Tây với nguồn lực tốt hơn nhiều cũng không thể tiêm chủng cho người lớn đủ điều kiện với tỷ lệ cao như vậy.

Tất nhiên có nhiều người cho rằng, dân số Bhutan quá ít với 770.000 người nên việc triển khai tiêm chủng khá dễ dàng. Tuy nhiên, xét về thách thức thì không nhỏ. Nằm trên vùng núi Himalaya giữa Ấn Độ và Trung Quốc, Bhutan có độ cao lớn, các làng hẻo lánh trên núi, lối chăn nuôi du mục, thời tiết khắc nghiệt, khiến nhân viên y tế gặp nhiều khó khăn để vận chuyển vắc-xin an toàn khắp cả nước.

Vậy điều gì làm nên thành công của việc tiêm chủng? Chiến dịch tiêm liều 2 bắt đầu từ 20/7 nhưng đã mất nhiều tháng chuẩn bị, bao gồm cả việc thiết lập các cơ sở dây chuyền lạnh ở các phòng khám khó tiếp cận, điều trực thăng vận chuyển vắc-xin tới các vùng xa xôi hẻo lánh, triển khai đội quân tình nguyện để phân phối vắc-xin dọc các lối đi bộ trên núi.

Các chuyên gia cho biết, Bhutan thành công nhờ huy động được đội ngũ nhân lực đông đảo và thiết lập được hệ thống lưu trữ dây chuyền lạnh mới để bảo quản vắc-xin.

2.400 nhân viên y tế và 22.000 tình nguyện viên được huy động tham gia chiến dịch. UNICEF là cơ quan giúp đỡ trong việc hậu cần, vận chuyển vắc-xin, tài trợ thiết bị dây chuyền lạnh, lên kế hoạch và tập huấn.

Hơn 1.200 điểm tiêm được mở ra trên cả nước để đảm bảo vắc-xin được tiêm cho tất cả mọi người. Có những lúc các nhân viên y tế phải leo núi hàng ngày trời, vượt qua cả lở đất và mưa dầm để tới những làng xa xôi nhất.

Mạng lưới tình nguyện viên gọi là “desuups” góp phần quan trọng vào thành công của Bhutan. Từ suốt một năm rưỡi qua họ đã giúp nâng cao nhận thức của người dân, xua tan tin giả, giúp tiến hành xét nghiệm và sàng lọc diện rộng. Các tình nguyện viên đi từng nhà để vận động cộng đồng hưởng ứng tiêm vắc-xin.

Để vận chuyển vắc-xin, họ phải nhận vắc-xin từ trực thăng và đi bộ trên địa hình khó khăn tới các trung tâm tiêm chủng xa xôi, đồng thời bảo đảm các liều vắc-xin được dự trữ an toàn ở nhiệt độ chính xác.

Đưa vắc-xin viện trợ từ khắp thế giới đến Bhutan cũng khó khăn. Sân bay quốc tế Paro duy nhất của nước này là một trong những sân bay có lối tiếp cận nguy hiểm nhất thế giới, với một bờ dốc qua các đỉnh của dãy Himalaya đến một đường băng ngắn.

Chưa đầy 20 phi công có chứng chỉ được phép hạ cánh tại đây. UNICEF phải cử một phi công Bhutan tới Calcutta (Ấn Độ) để bắt chuyến bay chở vắc-xin và người này dẫn đường cho chuyến bay tới Paro.

Nhưng yếu tố quan trọng nhất để giúp thành công có lẽ là quyết tâm chính trị mạnh mẽ và nhận thức sâu sắc về chuyên môn. Chính phủ Bhutan bao gồm nhiều chuyên gia y tế, trong đó có thủ tướng, ngoại trưởng và bộ trưởng y tế.

Chính phủ thường xuyên chuyển tải các thông điệp đến người dân để xóa tan sự lưỡng lự nghi ngờ với vắc-xin, trong đó bao gồm cả việc trả lời trực tiếp qua mạng xã hội các câu hỏi về Covid-19 và việc tiêm chủng.

Sự kết nối mạnh mẽ đó khiến người dân rất sẵn sàng tham gia tiêm chủng. Thủ tướng Bhutan Lotay Tshering và Quốc vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuk là những người ủng hộ vắc-xin Covid-19 từ rất sớm. Quốc vương còn đi khắp đất nước để giúp người dân nâng cao nhận thức về vắc-xin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.