Áp dụng kỹ thuật hiện đại
Ca mổ u não được lên lịch ngay sau Tết Nguyên đán, do ThS.BS Chu Tấn Sĩ - Trưởng khoa Ngoại thần kinh đảm trách cùng ê-kíp của bệnh viện và có sự hỗ trợ từ GS Amin Kassam - Phó chủ tịch Viện phát triển thần kinh Aurora (Mỹ). Ông là giáo sư giải phẫu thần kinh đồng thời cũng chính là người đưa ra ý tưởng về hệ thống robot này.
Người được phẫu thuật là nữ bệnh nhân sinh năm 1952, ngụ tại Tây Ninh. Bà nhập viện với biểu hiện đau đầu, khó nói, yếu tay chân phải.
Sau quá trình thăm khám, khảo sát cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán u não ở vùng trán đính (T) khoảng 2cm, cách vỏ não khoảng 1,5 - 2cm, chi phối đến chức năng vận động.
“Đây là khối u kích thước rất nhỏ, đơn độc, bằng các phẫu thuật thông thường sẽ vén não và tìm tổn thương nhưng sẽ để lại những di chứng thần kinh cho người bệnh. Vì vậy, sau khi thăm khám, đánh giá các chức năng cần thiết, đạt được sự đồng thuận, chúng tôi nhận định người bệnh nằm trong giới hạn cho phép được phẫu thuật bằng robot nhằm tránh các tổn thương lên não mà vẫn lấy được khối u” - ThS.BS Chu Tấn Sĩ, “chỉ huy trưởng” của kíp mổ chia sẻ.
ThS. BS Chu Tấn sĩ kíp trưởng ca phẫu thuật u não. |
Nếu như 2 hệ thống robot Da Vinci, Rosa phẫu thuật viên điều hành trên 1 máy tính điều khiển giống như đang chơi game và robot thực hiện phẫu thuật thì hệ thống Modus V Synaptive mang đến sự khác biệt lớn là trực tiếp chụp ảnh MRI từng phần trên cơ thể của người bệnh, sau đó hướng dẫn phẫu thuật viên thực hiện.
Điểm nổi bật nhất của phương pháp phẫu thuật bằng robot là độ chính xác rất cao trong vị trí phẫu thuật, hạn chế tổn thương phần mềm xung quanh, đường mổ nhỏ, phù hợp với các ca can thiệp về thần kinh sọ não đòi hỏi sự chuẩn xác đến từng milimet.
Ngoài ra, hệ thống còn có thể điều hướng và tự động hoá cánh tay robot, cung cấp cho phẫu thuật viên những tiến bộ công nghệ mới nhất để thực hiện cuộc phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, phù hợp với thông số riêng của từng bệnh nhân. Từ đó giúp bác sĩ lựa chọn cách tiếp cận tối ưu, giảm thiểu các biến chứng, nguy cơ gây tổn thương các vùng chức năng quan trọng như ngôn ngữ, thị giác và vận động.
Lập kỳ tích về thời gian
Ca mổ bắt đầu lúc 9g, ngày 15/2 và kết thúc khi kim đồng hồ chỉ 10g30, dưới sự hỗ trợ của hệ thống định vị robot Modus V Synaptive, ê-kíp phẫu thuật đã bóc tách lấy nguyên khối u trong não của người bệnh.
Là người tham gia hỗ trợ phẫu thuật, GS Amin Kassam bày tỏ sự ngạc nhiên và hài lòng khi ca phẫu thuật đạt kỷ lục về thời gian, chỉ kéo dài 1 giờ 30 phút, sớm hơn dự kiến ban đầu là 2 giờ đồng hồ.
GS Amin Kassam nói: “Người bệnh mang khối u này như bị cú đấm, gây tức và phù nề dữ dội. Khối u não sẽ làm cho các sợi thần kinh cạnh nó trở nên mong manh, chính vì vậy để lấy được khối u đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật phải đạt đến mức độ chính xác rất cao. Bởi chỉ lệch một chút đồng nghĩa với việc lấy đi một cánh tay, một đôi chân của người bệnh, thậm chí là làm liệt nửa người.
Cuộc sống của người bệnh đặt lên ê-kíp bác sĩ. Và đôi tay của bác sĩ Chu Tấn Sĩ đã làm được điều đó. Thông thường, nếu mổ cổ điển bằng kính vi phẫu, không có robot và định vị sẽ kéo dài khoảng 4 giờ đồng hồ. Ca mổ của Bệnh viện Nhân Dân 115 hoàn thành sớm, ê-kíp bác sĩ rất tập trung, thao tác nhuần nhuyễn”.
“Với tính chất là ca mổ đầu tiên về u não bằng hệ thống robot mới hoàn toàn nên áp lực rất nặng nề, mặc dù ê-kíp đã chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng. Ca mổ hôm nay có sự khác biệt với những trường hợp trước do tôi đảm trách, nếu mổ bằng vi phẫu tôi phải nhìn vào bàn tay thì thông qua robot mọi thao tác đều nhìn trên màn hình.
Tuy nhiên, nhờ quá trình học tập, trao đổi kinh nghiệm tại Mỹ và Thụy Sỹ trước đó khiến chúng tôi tự tin hơn. Khi bước vào phòng mổ, tôi quên hết những vấn đề xung quanh, chỉ tập trung cao độ vào người bệnh” - bác sĩ Tấn Sĩ chia sẻ sau hơn 1 giờ phẫu thuật căng thẳng.
Ca phẫu thuật gần như không gây tổn thương cấu trúc não kế cận. Sau 2 tiếng phẫu thuật, bệnh nhân đã hồi tỉnh, sức khỏe ổn định và được chuyển về khoa Ngoại thần kinh chăm sóc.
Từ thành công bước đầu, bệnh viện kỳ vọng kỹ thuật này sẽ sớm được duyệt vào danh mục bảo hiểm y tế để nâng chất lượng, hiệu quả điều trị cho người bệnh.