25 năm trước, ngày 11/7/1995 tại Washington D.C., Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đó là thời khắc khó tin đối với hai nước đã trải qua một quá khứ cay đắng, một cuộc chiến tranh kéo dài với vô vàn mất mát đau thương.
Đứng bên cạnh ông Clinton hôm ấy có hai Thượng nghị sĩ nổi tiếng – John Kerry và John McCain, những cựu binh trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, và rồi lại trở thành những người đi đầu vận động bình thường hóa quan hệ với đất nước hình chữ S.
Hai năm sau đó, khi trao đổi đại sứ đầu tiên ở mỗi bên sau chiến tranh, Mỹ đã cử tới Hà Nội một nhà ngoại giao là cựu chiến binh, ông Pete Peterson. Lúc đó cả hai bên cho rằng, những trải nghiệm của ông đại sứ sẽ là cầu nối tốt để hiểu nhau hơn.
Một cựu chiến binh trở thành đại sứ, người đại diện của Mỹ tại Việt Nam là hành động đầy biểu tượng về việc hai nước đã có bước ngoặt mới như thế nào. Và với sự hàn gắn ấy, quan hệ bắt đầu phát triển nở rộ trong tất cả các lĩnh vực: Nỗ lực nhân đạo của Việt Nam tìm kiếm người Mỹ mất tích và hài cốt lính Mỹ bắt đầu từ cuối những năm 1980 được đẩy mạnh. Mỹ giúp khắc phục hậu quả cuộc chiến tranh với việc trợ giúp người khuyết tật và rà phá bom mìn. Các nhà đầu tư Mỹ đến Việt Nam, thương mại hai nước tăng trưởng. Hợp tác y tế, giáo dục, khoa học bắt đầu rộng mở.
Kế nhiệm ông Peterson là một cựu nhân viên ngoại giao Mỹ ở Sài Gòn trước năm 1975, và sau đó là những nhà ngoại giao chưa từng gắn bó với Việt Nam thời chiến, cho thấy dần dần, hai nước đã thoát khỏi quá khứ cay đắng để thực sự trở thành những đối tác quan trọng của nhau. Hai bên đều nhận ra những tiềm năng to lớn khi trở thành bạn bè, đối tác.
Giữa những năm 1990, thương mại giữa hai nước chỉ khoảng 500 triệu USD, thì đến giờ con số đó tăng gấp hơn 150 lần lên 77 tỷ USD. Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam kể cả trong dịch Covid-19, là nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam. Hai bên mở rộng hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh, với việc Mỹ tài trợ để làm sạch dioxin ở các sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa – một vấn đề vốn rất nhạy cảm giữa hai nước.
Những khác biệt về nhân quyền, dân chủ được đề cập thẳng thắn trong các cuộc đối thoại được tổ chức thường xuyên. Hợp tác an ninh, chính trị được mở rộng với việc Mỹ giúp đào tạo tiếng Anh cho quân đội Việt Nam; hợp tác về lực lượng gìn giữ hòa bình; Mỹ viện trợ tàu cảnh sát biển, hợp tác bảo đảm hòa bình an ninh khu vực, kể cả ở Biển Đông, qua đó quá trình xây dựng lòng tin đã khiến hai nước trở thành những đối tác đáng tin cậy.
Hai nước đã trở thành đối tác hợp tác toàn diện năm 2013 – điều mà năm 1995 không ai nghĩ tới. Năm 2017, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Washington D.C., bên cạnh các nguyên tắc tôn trọng độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ, hai bên tuyên bố tôn trọng thể chế chính trị của nhau – một mức độ tin cậy, tôn trọng cao chưa từng thấy. Và đến giờ, tuy chưa tuyên bố là đối tác chiến lược, nhưng nhiều nhận định của các nhà quan sát cả hai bên, thì hợp tác đã ở tầm chiến lược.
Việc bình thường hóa, thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ đã thể hiện một chính sách đối ngoại đúng đắn, rộng mở của Việt Nam. Không chỉ hòa giải với kẻ thù cũ, đó còn là cánh cửa để Việt Nam mở rộng quan hệ với các nước khác, tiếp cận các tổ chức tài chính quốc tế, có môi trường hòa bình an ninh để phát triển, hội nhập và có vị thế ngày càng tăng trên thị trường thế giới. Vì thế, sau 25 năm, gọi quan hệ Việt – Mỹ là một kỳ tích thì thực sự đó là một đánh giá xứng đáng, một thành tựu được xây nên bằng rất nhiều nỗ lực và sự can đảm của cả hai bên.