“Kỹ thuật” nói chuyện giới tính với con

Nói chuyện giới tính với con là vấn đề hóc búa của không ít phụ huynh.

“Kỹ thuật” nói chuyện giới tính với con
Từng có rất nhiều chương trình tư vấn cho các ông bố bà mẹ cách nói chuyện giới tính cùng con, và khẳng định nên “vẽ đường để hươu chạy đúng”. Mọi lý thuyết tôi thuộc nằm lòng, nhưng khi mở lời, bản thân cứ như gà mắc tóc, trong khi con trẻ thì đang há mồm lắng nghe.

1. Bốn, năm tuổi, con gái tôi đã biết làm khó mẹ: “Tại sao con lại nằm trong bụng mẹ?”. Hoặc khi dỗi bố, con bảo: “Con là con của mẹ, vì con nằm trong bụng mẹ, chứ có phải nằm trong bụng bố đâu!”. 

Con gái tôi hay thắc mắc, đụng gì hỏi nấy, nhiều khi bố mẹ không kịp trả lời. Theo quan sát của chúng tôi, nhờ ưa tìm hiểu, thích khám phá, bé tỏ ra khá thông minh. 

Có lẽ vì khi hỏi, bé đã “gom” được những câu trả lời thú vị của người lớn, dù đôi khi chỉ là những giải thích qua loa, nhưng khiến bé thỏa mãn trí tò mò. 

Trở lại câu hỏi của con, tôi trả lời: “Dù con nằm trong bụng mẹ, nhưng con vẫn là con của bố. Không có bố, sẽ không có con”. “Gì kỳ vậy?”, con bé "hỏi xoáy", và dường như vẫn ấm ức vì chưa hiểu vấn đề một cách cặn kẽ. 

Rồi một hôm, con lại hỏi: “Sao lúc nãy con gõ cửa phòng, bố mẹ… không chịu mở? Bố mẹ đang bận chuyện gì vậy?”. “Những lúc bố mẹ không mở cửa, con phải biết là bố mẹ đang bận việc, và nhớ không làm phiền nhé!”. Vợ chồng tôi dặn nhau phải cẩn thận… củi lửa, vì con cái đang lớn lên mỗi ngày.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thêm vài tuổi, con đẩy những thắc mắc của mình lên "tầm cao mới": “Làm sao bố mẹ sinh ra được con?”. Thấy vấn đề khá nhạy cảm, không biết phải mở lời thế nào, tôi đành gửi cho con cái hẹn: Lớn lên chút nữa mẹ sẽ giải thích. Con còn quá nhỏ để tìm hiểu chuyện giới tính. 

Chồng tôi bảo: “Mẹ gần gũi với con gái hơn, nên lựa lời để bảo ban con, sẽ tiện hơn bố; cũng giống như bố nói chuyện giới tính với con trai sẽ tiện hơn mẹ”. 

Có vẻ như anh ấy cũng đang… chạy trốn con, và đẩy trách nhiệm sang tôi. Suy cho cùng, anh cũng có lý. Tôi bắt đầu “gom” những câu gọn gàng nhất, dễ hiểu nhất để nói với con. 

Học theo cách nói của thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh, tôi mượn hình ảnh ổ cắm và phích cắm điện khi kết hợp thì sẽ phát sinh ra dòng điện, hoặc một loại quả nào đó khi được hình thành, phải có sự kết hợp của hai cá thể đực và cái. 

Con người cũng vậy, phải có sự kết hợp của ba mẹ, thì mới sinh ra con cái. Có vẻ như con gái đang mường tượng trong đầu về sự “kết hợp thú vị” ấy. 

Tôi liền “bồi” ngay cho con cuốn Băn khoăn tuổi dậy thì (tác giả Susan Meredith, dịch giả Ngọc Hương) để con tự tìm hiểu. Hy vọng sách sẽ nói thay những điều mẹ cảm thấy khó nói.

2. Bằng tuổi con bây giờ, ngày trước chúng tôi “vắt mũi chưa sạch”, thậm chí còn chưa biết mặc đồ lót. Đứa con gái nào mới 11, 12 tuổi đã “có tháng”, được xem như chuyện… động trời. 

Bây giờ, trẻ em gái dậy thì sớm là bình thường. Tác động của các phương tiện truyền thông, hay việc ăn uống đủ dưỡng chất là nguyên nhân chính của sự dậy thì sớm. 

Vấn đề là bố mẹ phải đối diện với sự dậy thì sớm của con cái như thế nào để giúp con phát triển đúng hướng, hiểu đúng về tình bạn, tình yêu, tình dục.

Tôi còn nhớ năm con gái tôi học lớp 5, con về nhà kể chuyện bạn con đang yêu một anh chàng vừa thi rớt đại học. Ở lớp, bạn ấy hay lấy gương ra soi, còn đưa nhật ký cho vài bạn thân đọc, để mong bạn bè hiểu tình cảm mà bạn ấy và anh chàng kia dành cho nhau thắm thiết đến mức nào. 

Về sau, bạn ấy học hành sa sút, lại bị mẹ đánh một trận bầm giập vì cái tội “con nít ranh mà đã...”. Mượn chuyện của bạn con, tôi bảo với con, đó không phải là chuyện xấu, không phải là tình yêu, mà chỉ là sự rung động đầu đời với bạn khác giới. 

Việc “tiến xa” như thế là chưa phù hợp với lứa tuổi, vì con hiện chưa trưởng thành về tâm sinh lý, yêu đương sớm ảnh hưởng học tập, dễ gặp những nguy cơ khó lường.

Trẻ con “có quyền” thiếu kinh nghiệm về giới tính, bố mẹ cần phải hướng dẫn, là “người bạn lớn” của con để vừa đồng cảm, vừa định hướng. 

Theo thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh, khi nói với con chuyện giới tính, bố mẹ không nên bắt buộc con cái theo ý mình, hãy nói “con nên” thế này, đừng nói “con phải” thế kia; nói chuyện với con trong trạng thái hết sức bình tĩnh, nếu ngược lại thì dễ đẩy con vào trạng thái đối đầu, khi ấy con sẽ “cắt” mọi luồng thông tin. Bố mẹ cũng nên trang bị cho con trai kiến thức về pháp luật, để không rơi vào tình trạng vì thiếu hiểu biết mà phạm tội.

Nói chuyện giới tính với con, xem ra phải có “kỹ thuật”. Khi con còn nhỏ, tôi không nói nhiều về giới tính. Bây giờ con gái tôi học lớp 7, đã hiểu làm thế nào con được sinh ra; biết vệ sinh thân thể, nhất là trong những ngày hành kinh; hiểu phần nào về giới hạn tình bạn, tình yêu. 

Đợi con lớn thêm, tôi sẽ giáo dục giới tính cho con ở cấp độ cao hơn, có thể sẽ chỉ cho con bản thân mỗi chàng trai và cô gái chỉ thực hiện quan hệ giới tính khi cả hai đều tự nguyện và biết bảo vệ an toàn cho bản thân và “đối tác”. Tôi không muốn bỏ mặc con tự tìm hiểu, vì có quá nhiều luồng thông tin thiếu chính xác, dễ khiến con hiểu vấn đề lệch lạc, nguy hiểm.

Theo phunuonline.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ