Đọc E-paper
Anh Nguyễn Thanh Tùng là hướng dẫn viên đoàn hỗn hợp Việt - Nhật khảo sát địa chất, hang động núi lửa vùng Krông Nô - Đăk Nông kể từ năm 2011. Anh mô tả sơ qua về núi lửa Chư Bluk như sau: miệng núi tròn đều, có đường kính 600m và chiều sâu xuống đáy là 60m. Đặc biệt, thảm thực vật trên núi khá đa dạng.
Vết trượt trong lòng hang C9 |
Nếu mặt ngoài núi lửa là rừng với các loại cây họ dầu mọc lưa thưa, hay rụng lá vào mùa khô, thì chung quanh miệng là vô số bụi le, cỏ hôi phát triển dày đặc, cao lút đầu người. Còn dưới lòng chảo phần lớn là cây gỗ quý như cẩm lai, cà te, bằng lăng... quanh năm tươi tốt.
Để tới đáy miệng núi lửa, chúng tôi tránh đi xuống vực theo chiều thẳng đứng rất nguy hiểm, mà men theo những vách đá lòng chảo. Không lâu sau đó, hiện ra trước mặt chúng tôi là mảng xanh của cây môn rừng và dương xỉ mọc tuơi tốt trên bãi đá bazan bọt trong khu vực chừng 100m 2 và xung quanh là những hang tối sâu thẳm đầy vẻ bí ẩn của hàng triệu triệu năm đọng lại.
Hang C9 vòm cao và 2 cửa thông nhau |
Từ nơi này đã sinh ra dung nham với sức nóng khủng khiếp lên tới 1.200 độ C và dòng chảy tràn của nó đã kiến tạo hơn 100 hang lớn, nhỏ đang được khám phá như chính cái tên của nó: "Chư” là "núi", "Bluk" có nghĩa là "cội nguồn", theo tiếng dân tộc Ê Đê.
Từ đỉnh núi Chư Bluk, bấm máy định vị cầm tay GPS có thể thấy hệ thống hang động được các nhà khoa học phát hiện theo 2 phía: hướng Nam Đông, những hang động mang ký hiệu A, trong đó hang A1 được xem là gần núi lửa nhất.
Riêng dòng chảy về hướng Tây Nam, tức về phía thác Dray Sap, thì khá mạnh nên hình thành vô số hang động lớn, nhỏ khác nhau mang ký hiệu C, B suốt chiều dài 25km và hang gần núi lửa nhất được đánh số là C9.
Theo ông La Thế Phúc, Giám đốc Bảo tàng Địa chất Việt Nam, việc đặt tên hang theo ký hiệu chỉ mang tính tạm thời. Thời gian sắp tới, ngành địa chất và địa phương sẽ tổ chức hội nghị nhằm chính thức đặt tên cho phù hợp, đặc biệt phải mang tính bản địa, khoa học và du lịch.
Hố khí như giếng trời trong lòng hang C6, nhờ vậy cảnh quan trong động luôn lung linh, huyền ảo |
Trong hang C3 |
Hiện tại, các nhà khoa học đã khảo sát, đo đạc hơn 10 hang dung nham nằm rải rác trên độ cao từ 428m đến 530m so với mặt biển. Phần lớn các hang dung nham có hình dạng ống, nhưng mỗi nơi mang một nét độc đáo khác nhau. Trong đó, hang động C7 dài 1.066,5m, được công nhận là đẹp và dài, lớn nhất Đông Nam Á, kế tiếp là hang C3 có chiều dài 594,4m, xếp thứ hai.
Theo các nhà khoa học, quần thể hang động dung nham ở Krông Nô không chỉ độc đáo bởi cơ chế hình thành, kỷ lục về độ dài, nét đặc sắc của họa tiết, nhũ đá, dấu vết cuộn xoắn dòng chảy, những tầng địa mạo, thảm thực vật mà còn rất quý hiếm. Và không phải bất cứ núi lửa nào trên thế giới khi phun trào cũng tạo ra kết quả vô cùng kỳ diệu như thế.
Muốn khám phá hang C7, bắt buộc phải đi thang dây khá nguy hiểm |